|
|
Mẹ tôi hạnh phúc khi được phục vụ con cháu (Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock) |
Bạn đến giữa lúc chúng tôi đang ăn sáng. Nhìn bộ dạng cùng khuôn mặt ít tươi, tôi hiểu ngay bạn đang cần tâm sự. Chồng tôi cũng biết ý nên viện cớ ra quán uống cà phê. Như chỉ chờ có thế, bạn bắt đầu kể lể về những ngày nghỉ của gia đình, vừa qua…
Căn nhà vốn yên tĩnh của cặp vợ chồng già bỗng xáo động khi có thêm cả mười con người mà từ lớn đến bé, từ trai gái, dâu rể đến cháu đều lơi bơi chuyện nhà, việc bếp núc, dọn rửa…
Mọi người cứ ì ra để mặc bà xoay trở với cả núi công việc từ sớm bửng cho đến khuya. Mà trời ạ, bà đã 68 tuổi, lưng mỏi, đầu gối đau và thật lòng muốn được nghỉ ngơi. Nghỉ, như các con các cháu của ông bà vào dịp lễ vừa qua.
Bà thèm được phục vụ chứ không phải ngược lại. Bà thèm được thấy phòng ăn gọn gàng, phòng tắm sạch sẽ chứ không phải bừa bộn, dơ bẩn.
Tôi hỏi: “Sao không nhắc mấy đứa?”, bạn cười mà miệng méo xệch: “Thì… nhắc ít lũ nó làm thinh, nhắc nhiều lũ nó nhăn nhó: “Mẹ sao vậy?
Vợ chồng con cắm đầu cắm cổ làm, tụi nhỏ học hành bù đầu bù óc. Được có mấy ngày để thư giãn, nghỉ ngơi…”.
Trẻ biết chơi mà già lại không? Trẻ được nghỉ, già thì khỏi? Bà kết lại buổi chuyện trò và lại võng nằm, mắt nhắm hờ, chân đong đưa, miệng lầm bầm: “Đây mới đích thị là kỳ nghỉ của tui”. Kỳ nghỉ ấy là được xúm tụm quanh cháu con nhưng không phải còng lưng dọn dẹp cửa nhà; không nấu bánh canh, bún bò giò heo, lẩu cá… cho hơn chục con người thưởng thức. Khuya, không phải canh con trai đi nhậu chưa về, không phải đợi con gái mất cả bữa ăn và giấc ngủ trưa…
Qua lễ mấy ngày, chị Năm - bạn chòm xóm của tôi - mới tìm lại được bộ dạng thong dong và thư thả như thường lệ. Chứ trước đó, tính chính xác thì cũng tới cả tuần, chị cùng bà mẹ đã trên 70 của mình ngập đầu trong việc chuẩn bị, sửa soạn đón đoàn con cháu về nhà.
Phải đặt mối các loại mắm, bánh trái, hải sản để lớp có mà nấu cho cả nhà, lớp thì đóng thùng xốp “cho tụi nó đem vô” bởi “trong đó đồ ăn mắc không nói gì mà tươi ngon sao bằng ngoài mình”. Chị chỉ có hai đứa con và năm đứa cháu nhưng mỗi đứa một lối ăn, một sở thích.
Nội bánh ít lá gai Bình Định thì đứa phải là nhân dừa, đứa nhân đậu xanh, đứa nhân hỗn hợp. Hay như cá ngừ, đứa thì “ngừ dưa gang ăn mới đậm đặc”, thằng thì “ngừ bò ăn mới thanh tao”. Rồi mắm thì đứa ưng mắm ruột đứa ghiền mắm nêm…
Chị tâm sự, giọng buồn thiu: “Chồng chết sớm, tui ở vậy nuôi hai đứa lớn ầm, lo ăn học đàng hoàng, lo cưới hỏi rồi nuôi đẻ cho con dâu, con gái tử tế… Tui đâu tiếc gì con cháu. Lũ nó ở xa mình thương nhớ muốn chết, lúc nào cũng trông cháu con về để được trò chuyện, gần gũi. Tui thèm ôm đứa cháu lớn, hun đứa cháu nhỏ mà đâu được. Tôi cũng muốn làm nhiều món ngon cho con ăn nhưng mình già tay chân yếu nhớt, miệng nêm nếm đâu chuẩn như trước. Tui vẫn ráng nhưng lũ nó ăn thấy không ưng bụng, mình dòm mình biết chứ, nên tui tủi thân chi đâu.
Ở với bà má, quen rồi. Trưa, tui còn được chợp mắt, tối có thời gian mẹ con nằm coi ti vi. Con cháu về, lịch sinh hoạt đảo ngược, lại thêm thiếu ngủ nghỉ, tôi bị rối loạn tiền đình liền. Bệnh thì lo uống thuốc chứ con mình cũng đâu hay. Với lại công chuyện tùm lum sao bỏ quách hết, lên giường nằm cho được. Con cháu đi rồi cái nhà tanh bành lại cắm cúi dọn dẹp, sắp đặt như trước. Mệt đuối mà lòng vui còn đỡ, đây…”.
|
|
Người già chỉ mong còn sức phục vụ con cháu (Ảnh mang tính minh họa - PressFoto) |
Chị Năm dứt ngang dòng tâm sự mà tôi nghe chừng còn nhiều điều không thể kể. Tôi mong chị Năm hay bà bạn tôi ở đầu bài viết chỉ là hai trường hợp cá biệt vì chắc vẫn có những bà mẹ được con cháu về thăm chăm chút, nuông chiều; được con trai sửa cho điện nước hư cũ trong nhà; được con gái dắt đi may đồ mới, làm các món ngon tẩm bổ; được những đứa cháu quấn quýt hỏi han…
Những bà mẹ ấy thật sự có phước bởi còn có kỳ nghỉ với cháu con, với gia đình. Hẳn họ sẽ không để lại nỗi buồn nào cho mẹ khi lại rời nhà, ra đi.
Theo phunuonline