Năm 1979, ông Tào Mỗ Cương ở quận Lữ Thuận Khẩu, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh kết hôn và sinh được một cô con gái, đặt tên Tào Tây, cái tên gửi gắm niềm tin về một cuộc đời rực rỡ và hạnh phúc.

Thuở nhỏ, Tào Tây lanh lợi, thông minh, ông bà Tào coi như viên ngọc quý. Cô con gái duy nhất không phải làm bất kỳ việc gì trong nhà, dù bố mẹ đều là nông dân, gia cảnh không lấy gì khá giả.

Hai vợ chồng ông Tào cũng rất coi trọng việc học của con, mong con thoát nghèo bằng việc học. Đúng như kỳ vọng của cha mẹ, từ nhỏ Tào Tây luôn có điểm số vượt trội, giấy khen treo kín tường. Tuy nhiên, đến kỳ thi đại học năm 1998, mâu thuẫn giữa cô và cha mẹ nảy sinh.

Ảnh của Tào Tây chụp với mẹ khi cô là học sinh cấp 3. Ảnh: qq.

Ảnh của Tào Tây chụp với mẹ khi cô là học sinh cấp 3. Ảnh: qq.

Tào Tây thích cuộc sống sôi động ở miền Nam, mặt khác cô cảm thấy cha mẹ quá khắt khe với mình nên muốn thoát ly, sống xa gia đình. Bởi vậy cô muốn đăng ký đại học trong Nam, tuy nhiên ông bà Tào phản đối kịch liệt.

Chỉ có cô con gái duy nhất nên cặp vợ chồng này không đồng ý cho con học xa nhà mà muốn cô nộp đơn vào Đại học sư phạm Liêu Ninh, sau này trở thành cô giáo. "Như thế vừa ổn định, vừa gần bố mẹ", họ nói. Không đồng tình, Tào Tây tranh luận gay gắt với bố, đỉnh điểm người cha vì quá tức giận đã tát con hai cái. Ông muốn cảnh cáo sự phản kháng của con, tuy nhiên hành động này khiến tình cảm hai người ngày càng xa cách.

Dù vậy, Tào Tây cũng thi vào Đại học sư phạm Liêu Ninh. Ngày con gái nhập học, bố mẹ cô vui mừng đến nỗi tổ chức một bữa tiệc lớn mời họ hàng, làng xóm sang chung vui. Khi mọi người vui vẻ, chúc tụng nhau ngoài sân, trong nhà Tào Tây khóc thầm. Cô cho rằng cuộc sống của mình đang bị kiểm soát. "Tôi cảm giác mình như không thở được", cô tâm sự với bạn.

Sau khi vào đại học, Tào Tây không chăm chỉ học hành mà ngày càng trở nên nổi loạn. Cô gái thường xuyên đi mua sắm, trốn học đi chơi... Học kỳ đầu tiên, Tào Tây, người luôn đạt điểm xuất sắc đã trượt vài môn.

Điểm số kém, cô gái này bắt đầu lo lắng về tương lai. Khi đó một người bạn gợi ý việc đi du học, vừa thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ, lại có thể rèn giũa được bản thân, Tào Tây thấy có hứng thú.

Tháng 6/2000, cô gái nói về ý tưởng du học với bố mẹ với chi phí 80.000 tệ. Tào Tây phân tích, việc đi nước ngoài có thể học thêm được nhiều thứ, rất có lợi cho sự nghiệp sau này. Thấy con gái liên tục điện về nài nỉ, thương con, ông bà Tào đành đồng ý. Họ vay mượn khắp nơi, gom góp được 80.000 tệ cho con gái sang Đức.

Tháng 9/2000, cô con gái lên máy bay, tạm biệt bố mẹ với lời hứa: "Khi đến Đức, con sẽ vừa học vừa làm, bố mẹ không phải gửi tiền sang. Du học trở về, con sẽ đi làm rồi trả đủ cho bố mẹ".

Thời gian đầu, Tào Tây thỉnh thoảng gọi điện về hỏi thăm, nhưng do cước phí quốc tế quá đắt nên cô chuyển sang viết thư. Tuy vậy, ông bà Tào chỉ nhận được hai lá thư rồi bặt vô âm tín. Ngày Tết khi nhiều gia đình khác đoàn tụ thì con gái thậm chí không gọi điện về hỏi thăm.

Năm 2003, cặp vợ chồng nhận được điện thoại của Tào Tây, nói rằng cô hết tiền đóng học phí, yêu cầu gửi sang 33.000 tệ. Gần một năm sau, mới có cuộc gọi tiếp theo, nhưng vẫn là vòi tiền. Ông bà Tào, những người quanh năm chỉ dám ăn rau tiết kiệm tiền trả nợ cho con, đã lớn tiếng, nói rằng không còn sức vay nợ nữa. Cuộc cãi vã nổ ra, Tào Tây khi đó tuyên bố, sẽ không bao giờ liên lạc thêm với bố mẹ.

Sau cuộc gọi này, Tào Tây cắt đứt liên lạc với gia đình. Ông bà Tào ban đầu nghĩ rằng con gái họ vì quá bận rộn với việc học nên không làm phiền. Tuy nhiên, đó là cuộc gọi cuối cùng họ nhận được.

Ông bà Tào có quyển sổ ghi chép những cuộc gọi của con gái. Từ năm 2005, họ không nhận được bất cứ thông tin gì về con cho đến khi qua đời cuối năm 2021. Ảnh: qq.

Ông bà Tào có quyển sổ ghi chép những cuộc gọi của con gái. Từ năm 2005, họ không nhận được bất cứ thông tin gì về con cho đến khi qua đời cuối năm 2021. Ảnh: qq.

Thời gian cứ thế trôi qua, Tào Tây giống như đã bốc hơi hoàn toàn, chẳng ai biết tung tích cô ở nơi nào. Hàng năm, cứ đến giao thừa, bố mẹ cô lại để một bộ bát đũa lên bàn, hy vọng con gái nghĩ lại mà quay trở về.

Năm 2020, ông bà Tào lần lượt phát hiện bị ung thư. Những năm tháng cuối đời, họ chỉ có ước mong duy nhất, được gặp lại con gái.

Sau khi biết được hoàn cảnh, nhiều phương tiện truyền thông địa phương đã đưa tin. Một số người Trung Quốc ở Đức đã đề nghị tìm kiếm cô con gái giúp ông bà Tào. Năm 2021, họ tìm ra tung tích của Tào Tây, lúc này đã đổi tên, tốt nghiệp tiến sĩ và đang giảng dạy tại một trường đại học ở Đức. Cô cũng đã kết hôn và có con.

Khi mọi người nhắc tới bố mẹ, Tào Tây chỉ nói rằng cô quá bận, không có thời gian về nhà. Sau khi hay tin, ông bà Tào đề nghị các phương tiện truyền thông không đưa thêm, sợ danh tiếng của con gái bị ảnh hưởng rồi mất việc.

Trước khi lâm chung vào giữa năm 2021, người mẹ chỉ mong muốn được gặp con gái lần cuối, nhưng ước mơ đã không thành hiện thực. Không lâu sau cái chết của vợ, người bố vì quá đau đớn và tuyệt vọng, cũng qua đời.

Tại sao Tào Tây lại không muốn liên lạc với cha mẹ mình? Nguyên nhân không ai rõ, bản thân cô cũng không tiết lộ.

Tuy nhiên, hành động của người phụ nữ này nhận nhiều chỉ trích. Có người gọi cô là kẻ bất hiếu, vô ơn... khi bỏ rơi bố mẹ lúc già yếu. Người khác thì cho rằng, dù thế nào thì họ cũng là bố mẹ, không thể đối xử mất nhân tính như vậy. "Cô ta cũng có con. Rồi xem sau này có bị đối xử như cách mà cô đối xử với cha mẹ mình hay không".

Theo vnexpress