leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 

Thời điểm đó, chồng tôi đi làm xa. Chuyện ăn uống, dọn dẹp nhà cửa tôi phải thức khuya dậy sớm để làm. Những tiết dạy đầu tiên của tôi thường bị gián đoạn khi vừa làm việc vừa trông con trai nhỏ. Học sinh bắt đầu kêu ca vì “tự dưng cô biến mất” hay “nhà cô ồn quá, không nghe giảng được” khiến tôi bối rối. 

Một hôm, khi em nhỏ đã ngủ, tôi ôm con trai lớn bảy tuổi tâm sự. Tôi bảo: “Con có thể giữ em cho mẹ dạy được không? Mẹ không biết trông cậy vào ai ngoài con cả”. Con hỏi: “Giữ em là phải làm thế nào hả mẹ”. Tôi bắt đầu hướng dẫn, con cho em chơi cùng, nhường em đồ chơi, làm cho em vui vẻ. 

Hôm sau, hai anh em chơi với nhau trong khi tôi dạy học. Em vẫn quấy khóc đòi mẹ, anh cáu gắt bực tức, nhà cửa ồn ào, nhưng mọi chuyện cũng qua. Vài ngày sau, con rút được kinh nghiệm: “Em rất thích đồ chơi của con, con cho em mượn lego, em ngồi yên chơi chứ không khóc nữa”. Dù thỉnh thoảng phải giải quyết chút rắc rối, nhưng tôi thoải mái hơn, tập trung vào bài giảng hơn. 

Tôi tìm cách động viên con, mỗi lần chồng hay người thân gọi điện hỏi thăm, tôi đều khoe: “Anh Hai Bun giỏi lắm, biết chăm em cho mẹ rồi”. Con thấy rất vui khi được khen, xem việc giữ em như nhiệm vụ mình phải làm. Con còn giữ em cho mẹ nấu ăn, dọn dẹp, phơi quần áo, tắm rửa… Nhờ con giúp, tôi làm việc nhanh hơn không còn cảnh vừa bế con vừa làm như trước.

Con nhận ra vai trò anh Hai của mình trong gia đình, con bảo: “Ban ngày, con giữ em cho mẹ dạy, buổi tối, mẹ giữ em cho con học nhé”. 

Có hôm, tôi đang dạy tiết đầu của ca chiều thì thấy nhà im ắng, ra kiểm tra thì thấy hai anh em ôm nhau ngủ. Sau đó, con mới kể thấy em ngáp ngủ nên con trải chăn dưới sàn rồi cho em nằm xuống, vỗ nhẹ vào mông, thế là em ngủ. Từ ngày mẹ nhờ trông em, con không còn tỵ nạnh mà biết nhường nhịn, lo lắng cho em. Một lần, tôi làm rớt đồ đạc dưới bếp, con vội vàng chạy xuống nhắc: “Mẹ khẽ thôi cho em ngủ”.

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 

Tôi mạnh dạn tập cho con làm những việc khác như phơi quần áo, nấu cơm, dọn nhà. 

Những lần con chán nản vì làm không được việc gì, hoặc lười nhác không muốn làm, tôi luôn khích lệ: “Mẹ tin con sẽ làm được”. Câu nói đó như thần chú, con hớn hở và có động lực hẳn. Lâu nay, tôi vẫn ôm mọi việc chứ không nhờ con, vì nghĩ con còn bé, không làm được.

Nhưng giờ đây, tôi nhận ra, nếu biết cách khích lệ, bé sẽ làm được những việc vừa độ tuổi một cách tự giác, và nhận ra trách nhiệm của mình trong gia đình, biết chia sẻ công việc với cha mẹ.

Theo phunuonline