"Em cảm thấy thoải mái hơn khi dùng tampon (băng vệ sinh dạng ống), nhưng mẹ em không cho vì sợ rách màng trinh và bị đánh giá không hay. Em phải thuyết phục thế nào?".

Trước thắc mắc được một bạn trẻ đặt ra tại workshop "Tâm lý và Giáo dục giới tính cho người trẻ" tổ chức tối 25/9, chuyên gia tâm lý thực hành Nguyễn Hà Thành và diễn giả Phạm Thu Hà, founder của dự án giáo dục giới tính cho người trẻ She Talks, cho rằng đang có nhiều quan niệm sai lầm về màng trinh cũng như trinh tiết của phụ nữ.

"Có bao nhiêu người đã thực sự nhìn thấy màng trinh và biết thực chất nó là cái lỗ chứ không phải cái màng kín. Những kiến thức sai lệch đã đưa đến quan niệm sai lầm, khiến màng trinh trở thành thứ để đánh giá phẩm chất của người khác", diễn giả Thu Hà nói.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Hà Thành, người có hơn 20 năm kinh nghiệm tham vấn, trị liệu hôn nhân, gia đình, sức khỏe tình dục, chỉ ra không chỉ về sự trinh tiết, người trẻ ngày nay có rất nhiều bối rối trong các vấn đề giới tính, tình dục khác.

"Tâm lý của đại đa số người trẻ là không đồng ý với sự áp đặt quan điểm của thế hệ trước, nhưng đồng thời họ cũng chưa thể xây dựng được hệ thống quan điểm, những giá trị cụ thể mà mình muốn hướng đến".

Giáo dục giới tính, tình dục bị xem nhẹ

"Phân biệt niệu đạo và âm đạo", "Thế nào là con gái phải biết 'giữ mình'"... là những câu hỏi khác đã được đặt ra và thảo luận cởi mở tại chương trình.

Thu Hà cho biết trong suốt quá trình theo đuổi dự án She Talk, cô cũng gặp những thắc mắc tương tự từ các bạn trẻ trong độ tuổi 14-24, từ những câu hỏi thuần về sinh học như chu kỳ kinh nguyệt, cấu tạo và chức năng cơ quan sinh dục cho đến những thắc mắc về tâm sinh lý, mâu thuẫn quan điểm trong tình dục, tình yêu giữa các thế hệ.

 
 
giao duc gioi tinh anh 1
Nên dạy cho người trẻ biết về giới tính, tình dục trước khi kỳ vọng họ hiểu đúng, làm đúng khi đến tuổi. Ảnh minh họa:Chris DeGraw.
 

Sự thiếu hụt kiến thức cho thấy lỗ hổng trong giáo dục giới tính. Vấn đề bắt đầu khi cha mẹ ngại ngần giải đáp tò mò của con trẻ, tiếp nối bằng việc giờ giáo dục giới tính bị thay thế bằng học toán, học hóa trong trường lớp. Rộng hơn là trong đời sống thường ngày, tình dục chỉ dễ đùa mà vẫn khó nói.

"Giáo dục giới tính, tình dục bị xem nhẹ, không được chú trọng nhưng chúng ta đều được kỳ vọng phải biết khi đến tuổi. Nhưng kiến thức thì không bao giờ tự nhiên mà có được", Thu Hà nói.

Còn theo chuyên gia tâm lý Hà Thành, ngày nay kiến thức về giới tính, tình dục không thiếu, người trẻ có nhiều nguồn thông tin để lựa chọn, tiếp cận.

Thế nhưng, có hai vấn đề nảy sinh. Thứ nhất, thông tin tràn lan nhưng không cặn kẽ, thiếu kiểm chứng. Việc tự tìm hiểu sai nguồn sẽ dẫn đến kiến thức sai lệch và gây nguy hại trong thực hành, thực tế.

"Hơn thế, kiến thức vốn không thiếu nhưng tình dục là vấn đề cá nhân nên nhiều người sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng các kiến thức mình thu lượm được vào đời sống thực tế".

Không nói giảm, nói tránh về tình dục

Một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất, đặc biệt là các bậc phu huynh, đó là: Trẻ em tuổi nào nên được giáo dục giới tính?

Theo chuyên gia Hà Thành, ngay khi nhận biết thế giới quan xung quanh, trẻ đã có thể tiếp nhận các bài học giáo dục giới tính đầu tiên.

“Bộ phận sinh dục cũng bình đẳng như các cơ quan, bộ phận khác. Hà cớ gì bố mẹ có thể dạy con về mắt, mũi, tay, chân nhưng lại không thể nói về bộ phận sinh dục, thậm chí đây còn là một bộ phận rất quan trọng phải gìn giữ”.

 
 
giao duc gioi tinh anh 2
Nói thẳng, nói thật, cung cấp kiến thức đúng về tình dục sẽ giúp giảm thiểu những kết quả không mong muốn. Ảnh minh họa:iStock.
 

Đồng ý với quan điểm trên, diễn giả Thu Hà nói thêm theo chương trình giáo dục, các kiến thức giáo dục giới tính sẽ được phân chia, quy định độ tuổi nào nên học kiến thức gì. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, mọi thứ sẽ cần phải linh hoạt hơn.

“Trẻ em tò mò về cái gì, chúng ta sẽ phải nói về cái đó, quan điểm là sẽ không né tránh. Trẻ 8 tuổi tò mò về phim khiêu dâm chúng ta sẽ phải giải thích, cung cấp kiến thức về phim khiêu dâm, không thể nói con chờ đến 18 tuổi mới nói còn bây giờ cấm tiệt. Trẻ 6-7 tuổi hỏi về kinh nguyệt chúng ta cũng sẽ phải giải thích cho trẻ chứ không thể bảo chờ đến khi con dậy thì”, Thu Hà nói.

Tạo môi trường cởi mở để con trẻ có thể chia sẻ những điều đang quan tâm cũng là cơ hội để người lớn bắt đầu giáo dục, cung cấp thông tin, kiến thức đúng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đồng tình rằng khi nói về giáo dục giới tính, tình dục cần nói thẳng, nói thật và nói một cách văn minh, không nên nói giảm, nói tránh và cũng không nên nói một cách quá thô lỗ.

“Nói giảm nói tránh sẽ khiến thông tin, kiến thức truyền đạt và tiếp thu một cách sai lệch, dẫn đến những hậu quả đáng tiệc. Nhiều người thường dùng cụm từ ‘cô bé’, ‘cậu bé’ để ám chỉ bộ phận sinh dục nữ và nam. Nhưng với cách nói này nhiều người, kể cả những người lớn, cũng không thực sự biết ‘cô bé’, ‘cậu bé’ có cấu tạo, gồm những phần nào và chức năng ra sao”, Thu Hà lấy ví dụ.

Chuyên gia Hà Thành cho rằng chính cách nói giảm, nói ám chỉ, loanh quanh đã khiến nhiều người Việt Nam cảm thấy ngại ngần khi đề cập đến chủ đề tình dục. “Nhưng khi càng nói cụ thể, chi tiết, chúng ta sẽ cảm thấy thực sự đó là kiến thức và không còn thấy ngại nữa. Cho nên, tâm lý e dè, xấu hổ đều là do cách tiếp cận và thái độ của chúng ta đối với vấn đề mà ra”.

Theo Zing