leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp 

“Mẹ ơi, khi mình yêu thương ai đó mình phải để họ tự do phải không mẹ?”. “Đúng đấy con yêu. Ví dụ khi yêu thương con cá, mình hãy để bạn ấy trở về với biển, với ao, chứ đừng giữ nuôi bạn ấy trong bể”.

Đó là một mẩu đối thoại trong hàng ngàn thắc mắc của cô bé lên sáu và bà mẹ trẻ 26 tuổi.

Phan Như Quỳnh, một doanh nhân, sinh con năm 20 tuổi và gần như một mình nuôi dạy con. Khi có thai, cô thật sự không thích trẻ con, vì cô vẫn muốn tự do. Bố mẹ cô muốn có cháu ngoại nên động viên con gái sinh con. Sinh con được một năm, Quỳnh đi du học. Trong khoảng thời gian con cô từ 1 - 3 tuổi, giữa hai mẹ con không có nhiều gắn bó.

Khi về nước, cô thấy bà ngoại chiều chuộng cháu quá mức. Bà bồng bế, chăm lo chuyện ăn uống, cho cháu xem phim thoải mái… Quỳnh nhận ra, con gái được bao bọc nhiều sẽ thiếu tinh thần trách nhiệm với bản thân. Biết bà ngoại rất yêu cháu, nhưng Quỳnh vẫn giành lại quyền dạy con với mục tiêu “Con sẽ trở thành một người giàu tình yêu thương và con được là chính mình”.

Cô tăng cường trò chuyện, làm bạn với con.

Một lần, hai mẹ con đi dạo phố, gặp những người bán kẹo, bé nói: “Mẹ ơi, mẹ mua kẹo giúp bác ấy đi!”. 

Quỳnh hỏi lại: “Con thích ăn kẹo à?”.

Bé trả lời: “Con không thích nhưng con muốn giúp đỡ bác ấy đó mẹ”. Lòng trắc ẩn của con gái được cô nâng niu, phát huy.

Quỳnh luôn tôn trọng sự khác biệt của con. Con không bị bắt buộc phải giống mẹ trong lời nói, việc làm… Con được tự do chọn quần áo mặc, ăn món con thích… trong chuẩn an toàn.

Với Quỳnh, khi trẻ “quậy”, chưa chắc là con có “vấn đề”. Con trẻ như tờ giấy trắng, thể hiện trên đó những gì con đang nghĩ. Quỳnh ví dụ: “Con tôi rất thích nghịch đất, như một khám phá thú vị.

leftcenterrightdel
Phan Như Quỳnh và con gái 

Ban đầu, tôi cũng nghịch đất với con rồi từ từ giải thích cho con rằng nếu trong đất có thể có con giun, có các loại vi khuẩn, nếu con nghịch đất thì các vi khuẩn trong đất sẽ có thể bám vào tay con, rồi con đưa tay lên mắt, miệng… vi khuẩn sẽ chui vào người con, lúc đấy con sẽ ốm. Con ốm, con không đi chơi được”. Con gái nghe với vẻ chăm chú, không những không ham nghịch đất mà còn luôn rửa tay thật sạch trước khi ăn.

Khoảng thời gian giãn cách vì dịch, hai mẹ con Quỳnh có nhiều thời gian bên nhau. Với Quỳnh, đó là khoảng thời gian cần tỉnh táo để cân bằng giữa yêu thương và kỷ luật. Ban ngày, mẹ có thể to tiếng với con, nhưng đến tối, mẹ vẫn đọc sách cho con, ôm con, hôn con, chúc con ngủ ngon. Buổi sáng khi thức dậy, mẹ con lại chào nhau, ôm nhau.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Khi con xem quá nhiều review phim trên Facebook, Quỳnh nhẹ nhàng nhắc con không nên xem nhiều, không được sử dụng máy tính quá lâu. Con gái bướng, không nghe, Quỳnh đã cần đến cái roi để con biết con đang cư xử không đúng. Nhưng mấy tuần sau, khi nghe con xin phép xem review phim, Quỳnh đồng ý, vì con gái đã ý thức được xem bao nhiêu là đủ.

Có con, Quỳnh thay đổi nhiều, cô kiên nhẫn hơn, lắng nghe nhiều hơn, nói ngọt ngào hơn, nhưng cũng cương quyết hơn, nấu ăn cũng ngon hơn, làm việc hăng hái hơn… Cô tâm đắc lời dạy của người xưa: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. 

Theo phunuonline