Nhiều bà bầu Việt đang bị kẹt ở Nhật vì Covid-19 - Ảnh minh họa: Shutterstock
Nhiều người Việt kẹt ở Nhật vì dịch Covid-19 liên tục bị hủy chuyến, chật vật tìm chuyến bay về nước. Nhưng với những bà bầu thì họ càng sốt ruột hơn và lo lắng nhiều hơn vì sợ không có chuyến để về nước sinh con.
Ôm bụng bầu đi ở nhờ
Chị Lương Thị Ánh (27 tuổi, quê Bắc Giang) sang Nhật năm 2017 theo diện du học sinh và theo học tại trường ĐH Phúc lợi xã hội Tokyo. Dù đang học năm thứ nhất chuyên ngành nhưng có em bé nên chị muốn về nước để sinh con.
Từ tháng 8 năm ngoái khi biết có bầu chị đã xác định sẽ chỉ ở lại Nhật cùng chồng đến khoảng tháng 3 thì về Việt Nam nghỉ sinh. Theo đúng kế hoạch, chị dọn dẹp phòng ốc để trả lại cho chủ nên đặt vé ngày 26.3 và trả lại nhà.
Gần đến ngày bay, hãng báo hủy chuyến, chị Ánh lại vội đặt chuyến khác còn mở, nhưng lại tiếp tục bị hủy vé. Nhìn bụng ngày càng to vì đang bầu ở những tháng cuối, chị lại tiếp tục đặt vé của hãng Ana Airlines bay ngày 30.3 với giá vé cao ngất ngưởng. Chuyến này vẫn bị hủy, trong khi nhà đã trả, vợ chồng chị phải đi xin ở nhờ nhà bạn bè.
Chị Ánh phải ôm bụng bầu đi ở nhờ trong những ngày chờ chuyến bay về Việt Nam - Ảnh minh họa: Shutterstock
Chị Ánh tâm sự: “Phòng ở Nhật thường rất nhỏ nên việc xin đi ở nhờ của vợ chồng tôi cũng chông gai. Mỗi người ở nhờ một nơi, đêm đến đau nhức mình mẩy tôi cũng phải cắn răng mà chịu. Mới đây, tôi mới chuyển đến Nagoya cùng chồng ở nhờ, mà chỗ nào cũng chỉ sẵn sàng cho ở nhờ 2-3 hôm, đến ngày vợ chồng lại ôm đồ đi xin ở nhờ nơi khác”.
Chi phí đắt đỏ
Việc ở nhờ có đôi chút bất tiện, nhưng chưa phải là điều khiến chị Ánh lo nhất. Việc chị sợ nhất là chị dự sinh ngày 22.5, nên đến 22.4 và vẫn chưa có chuyến về thì bầu quá 36 tuần, không thể bay được nữa. Chị sẽ lại phải thuê phòng mới để ở.
Việc thuê phòng ở Nhật lại càng không phải chuyện đơn giản vì chi phí rất đắt đỏ. Theo lời chị Ánh, khi thuê nhà, người thuê phải đóng một khoản tiền gọi là phí vào nhà (số tiền này thường bằng hoặc cao hơn tiền nhà mỗi tháng) và sẽ không được trả lại khi trả nhà. Khi cho người nước ngoài thuê nhà, điều kiện của người Nhật là phải có 1 người Nhật khác đứng ra bảo lãnh, ký hợp đồng thuê tối thiểu 1 năm.
Ba mẹ hai bên ở nhà liên tục gọi điện thoại hỏi thăm tình hình làm vợ chồng chị Ánh càng thêm hốt hoảng. “Mấy ngày nay tôi suy nghĩ rồi khóc, đau đầu mất ngủ luôn. Tôi sợ không về được. Giờ tôi chỉ trông chờ được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật hỗ trợ để về sớm nhất có thể vì hiện tại đã là 35 tuần rồi. Trước khi lên máy bay vẫn còn phải đi khám bác sĩ xin giấy đủ điều kiện sức khỏe. Rồi về Việt Nam cách ly thêm 2 tuần chắc tôi sinh luôn trong khu cách ly quá. Mà sinh ở đây thì chi phí đến cả trăm triệu. Bao nhiêu vấn đề phải nghĩ”, chị Ánh bộc bạch.
Chi phí cho việc khám thai tại Nhật khá đắt - Ảnh minh họa: Shutterstock
Chị Đặng Thị Hồng Nhung (23 tuổi, quê Bắc Giang) ở Osaka được hơn 3 năm theo diện visa du học cho biết, chị cũng đang rất sốt ruột mong về Việt Nam để chuẩn bị cho kỳ sinh nở sắp tới.
Chị Nhung đang bầu 28 tuần, mọi chi phí ở Nhật đều đắt đỏ khiến vợ chồng chị “đau đầu”. “Riêng tiền khám thai 2 tuần một lần hết khoảng 400.000 đồng. Ăn uống mọi thứ đều mắc. Tôi bị kèm bệnh đau dạ dày nên ăn vào là ói, vừa ói do nghén vừa ói do bệnh nên rất yếu, 3 tháng liền chỉ nằm một chỗ”, chị Nhung kể.
Nhìn vợ ói mật xanh mật vàng, chồng chị Nhung càng thêm sốt ruột, mong chị sớm được về nhà để mẹ có kinh nghiệm chăm sóc và chị được nghỉ ngơi bồi bổ sức khỏe.
Chị Nhung chia sẻ: “Giờ tôi rất lo nếu không về ngay được bầu to quá lại nguy hiểm. Chuyện sinh đẻ cũng không biết được khi nào sẽ “vỡ chum”, chưa chắc đã đẻ đúng ngày dự sinh. Ở đây thì tôi ăn uống không được nên suốt ngày sợ em bé không phát triển”.
‘Sinh bên này chắc em chết mất’
Chị T.T.T.H (25 tuổi, quê Bắc Ninh) hốt hoảng nhắn tin cho phóng viên: “Chị ơi. Em bầu 25 tuần rồi. Nếu sinh ở bên này chắc em chết mất. Ở bên này thật sự một mình em không thể xoay xở nổi”.
Nói rồi chị H. bắt đầu tâm sự, chị sang Nhật theo diện visa đoàn tụ, nhưng gần đây vợ chồng chị có chuyện lục đục nên chị chỉ ở một mình trong phòng trọ. Không biết tiếng Nhật, mọi chuyện sinh hoạt, giao tiếp của chị đều gặp khó khăn.
Chị H. và chồng còn có 1 con lớn được 15 tháng tuổi, đang gửi ở Việt Nam. Sau tết, chị cùng chồng sang Hiroshima tính đi làm lại thì phát hiện có bầu. Từ ngày ở một mình, việc đi khám thai của chị cũng gặp trục trặc vì phải giao tiếp với bác sĩ qua Google dịch.
“Em rất sợ vì nếu sinh ở đây một mình em không thể nào xoay xở được. Em mong về Việt Nam để có ông bà ngoại chăm sóc. Nếu không được về sớm em sợ hết dịch thì bụng bầu em cũng quá tuần, khi đó là không được lên máy bay thì em không biết phải làm sao”, chị H. sụt sịt nói.
Không giữ được bình tĩnh trong những ngày này, chị H. lo lắng nói tình hình dịch ở Nhật cũng đang rất căng thẳng. Ở siêu thị, nhà thuốc đều không thể mua được khẩu trang và nước rửa tay khiến chị càng thêm lo sợ. Vừa lo cho đứa bé trong bụng, vừa lo cho con ở nhà nên nhiều đêm liền chị mất ngủ.
Chị H. tha thiết nói: “Em mong em cùng những bà bầu Việt sớm được Đại sứ quán hỗ trợ chuyến bay về sau những ngày ôm bụng bầu kẹt ở Nhật như thế này. Ở hoàn cảnh này em không dám nói trước điều gì, chỉ biết chờ đợi và cầu nguyện trong lúc bụng bầu mỗi ngày một to hơn mà thôi”.
Hiện những bà bầu Việt kẹt ở Nhật nói trên đều đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và đã nhận được phản hồi từ cơ quan này qua email. Gần đây, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tích cực phối hợp với các nhà chức trách trong và ngoài nước để thực hiện những chuyến bay đưa công dân về nước và chở hàng y tế Việt Nam đi viện trợ các nước. Dự kiến sắp tới sẽ có chuyến bay đưa công dân Việt kẹt ở Nhật về nước, trong đó có những bà bầu gần tới ngày sinh. |
Theo thanhnien