leftcenterrightdel
 Bà Trần Thị Trung Thành, thứ 2 từ trái sang và bà Nguyễn Thị Thụy, thứ hai từ phải sang thăm khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vào tháng 7/2023 (ảnh: nhân vật cung cấp)

Bà Nguyễn Thị Thụy (sinh năm 1944, kiều bào tại Thái Lan) kể: Năm 1962, bà được dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 tại Việt Nam và được xếp ngồi cạnh lối đi của các đại biểu. Khi Bác đi qua, được nghe giới thiệu rằng: “Đây là con em kiều bào từ Thái Lan về”, Bác đã dừng lại bắt tay, thăm hỏi, động viên từng người.

Vài năm sau đó, bà Thụy làm công nhân nhà máy dệt 8/3 tại Hà Nội. Bác đến thăm nhà máy. Người không đến phòng khách mà chọn xuống tham quan khu nhà bếp trước.

Sau khi tham quan, Bác căn dặn lãnh đạo nhà máy phải chăm lo tốt khẩu phần ăn của từng người, để công nhân có đủ sức khỏe và làm tốt hơn nữa công tác lao động sản xuất.

Hai lần được gặp Bác đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với bà Thụy. "Bác luôn quan tâm đến bà con kiều bào. Dù bận rộn trăm công nghìn việc, Bác vẫn không quên dặn lãnh đạo nhà máy phải chăm lo từng bữa ăn cho công nhân", bà Thụy nói.

Bà Trần Thị Trung Thành (sinh năm 1946) kể: Ngày 2/9/1969, bà cùng đồng đội ở Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được tin Bác Hồ mất. Đơn vị đã tổ chức đoàn ra Hà Nội viếng Bác. Thấy Bác nằm đó như đang trong giấc ngủ bình yên, bà và mọi người không kìm được nước mắt. Hình ảnh vị lãnh tụ đã dành cả cuộc đời đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị và dân chủ luôn khắc sâu trong trái tim bà và đồng đội.

Tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lòng kính yêu Bác đã trở thành động lực giúp bà Thành vượt qua những gian khổ của thời chiến, môi trường kỷ luật cao của quân đội để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau này khi không còn công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân tại Hải Phòng, bà Thành vẫn giữ được tính kỷ luật và tinh thần mạnh mẽ đó. Bà cho biết, tinh thần đó đã giúp bà vượt qua bệnh tật để sống vui sống khỏe ở độ tuổi U80.

Theo thoidai