|
|
Áo dài trở thành đại sứ văn hoá tại Anh. |
Ông Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan: Mở rộng không gian ẩm thực Việt tại các quốc gia
Ẩm thực ngoài là văn hoá còn là con đường mưu sinh của cộng đồng người Việt Nam, cũng là con đường đem tinh hoa Việt Nam ra thế giới dễ nhất, nhanh nhất. Chỉ riêng tại Ba Lan đã có 700 cửa hàng, nhà hàng ẩm thực Việt Nam. Mỗi quán trung bình bán 100 chiếc nem và 20 bát phở/ngày. Sự miệt mài của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong quảng bá văn hóa ẩm thực đã góp phần giúp bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam, văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Những món ăn Việt Nam như phở, nem rán, bánh chưng… đã được cả thế giới biết đến. Trong các từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp hay trong các ngôn ngữ khác, tên những món ăn này không cần dịch ra, người nước ngoài cũng đều hiểu. Do đó, cần mở rộng không gian ẩm thực Việt tại các quốc gia trên thế giới để ngày càng nhiều người biết đến Việt Nam, văn hóa ẩm thực Việt Nam hơn.
Về văn hoá nghệ thuật, mỗi năm, chỉ tập trung quảng bá một bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đưa bộ môn nghệ thuật đó đến các sự kiện, các hoạt động để lan toả.
Bà Đặng Thị Thu Hà, Đại sứ Việt Nam tại Ma rốc: Đưa các đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn các nước trên thế giới
Hàng năm, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cùng các cơ quan, ban ngành Việt Nam nên đầu tư kinh phí đưa các đoàn nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt đoàn nghệ thuật dân gian truyền thống đi biểu diễn tại festival nước ngoài. Bên cạnh đó, Tổ chức Ngày Việt Nam ở các nước, Tuần Việt Nam ở các nước hay đầu tư xây dựng các trung tâm văn hoá Việt Nam ở các khu vực trọng điểm.
Chị Hoàng Hải Hà, Chủ tịch Hiệp hội phụ nữ các quốc gia Anh - Việt Nam: Cần thu hút được sự quan tâm từ truyền thông quốc tế
Để quảng bá văn hoá Việt Nam ở nước ngoài, cần tăng cường triển khai nhiều cuộc hội thảo văn hóa, du lịch, những chương trình giao lưu văn hóa tạo các dấu mốc quan trọng như Tuần Văn hoá Việt Nam tại các nước, Tuần hàng Việt Nam, tổ chức nhiều chương trình lễ hội Tết nguyên đán, Tết trung thu ... Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải thu hút được sự quan tâm từ truyền thông quốc tế.
Bà Ngô Phẩm Trân - Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt: Để kiều bào thế hệ thứ hai dùng ngôn ngữ bản xứ nói về hình ảnh và văn hóa Việt Nam
Để lan tỏa rộng rãi văn hóa Việt Nam, cùng với việc phổ biến tiếng Việt, tôi cho rằng cần quảng bá văn hóa Việt Nam qua ngôn ngữ bản xứ. Nhiều người Đài Loan muốn tìm hiểu thông tin về văn hóa, du lịch Việt Nam, nhưng do cách biệt ngôn ngữ, họ phải tự tìm thông tin về Việt Nam qua một số cá nhân người Đài Loan làm truyền thông, mạng xã hội dẫn đến tình trạng thông tin có lúc, có nơi chưa chính xác. Do đó để quảng bá văn hóa, Việt Nam cần đầu tư nhiều vào truyền thông, liên kết với những kênh truyền hình ở những vùng lãnh thổ hoặc quốc gia bản xứ để truyền tải những thông tin tính chính thống bằng ngôn ngữ bản địa.
Mặt khác, thông qua các Đại sứ quán, Văn phòng lãnh sự ở các nước trên toàn thế giới, thành lập những kênh facebook, kết nối kiều bào thế hệ thứ hai dùng ngôn ngữ bản xứ nói về hình ảnh và văn hóa Việt Nam, như thế, rào cản ngôn ngữ trong quảng bá văn hóa Việt sẽ được xóa bỏ.
Hiện tại đã chuyển sang thời kỳ kinh tế số, chúng ta cũng nên thay đổi bằng các áp dụng những phương tiện kỹ thuật số hiện đại để quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
GS.TS Phan Văn Ngân (Brazil): Mở những lớp hướng dẫn làm món ăn Việt cho du khách quốc tế
Ở Brazil có một nhà hàng bán món ăn Việt Nam. Bà chủ nhà hàng khi sang Việt Nam du lịch đã rất thích thú và ấn tượng với ẩm thực Việt Nam. Trong chuyến đi này bà đã học cách làm một số món ăn Việt. Trở về Brazil những món ăn này đã được bà đưa vào thực đơn của nhà hàng mình. Chính vì thế, theo tôi để quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới, hay ở Brazil cần mở những lớp hướng dẫn làm món ăn Việt cho các bạn bè là các chủ nhà hàng, khách sạn, những người dân Brazil. Đó là một trong những cách hiệu quả để lan tỏa ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
|
|
Ẩm thực Việt Nam được thực khách Brazil yêu thích. |
TS Trần Hải Linh: Nghiên cứu “thị hiếu khách hàng văn hóa”
Để hòa nhập vào dòng chảy không ngừng của thế giới, bên cạnh những sáng tạo, tư duy mới, tư duy về tính “thị trường”, nghiên cứu “thị hiếu khách hàng văn hóa”, đồng thời áp dụng những ứng dụng công nghệ đã và đang hỗ trợ đắc lực cho quá trình “rao bán những sản phẩm văn hóa có giá trị”, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam tại nước ngoài.
Theo thoidai