|
|
Vợ chồng anh Vũ đang kinh doanh chuỗi cửa hàng bánh mì tại Mỹ. |
Cầu hôn chóng vánh
Vợ chồng anh Vũ Đinh và chị Linh Đào đều là người Mỹ gốc Việt, đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Anh Vũ là người sáng lập và vận hành chuỗi cửa hàng bánh mì Oven mang hương vị Việt Nam ở bang Califonia, Mỹ.
Vừa qua, vợ chồng anh Vũ xuất hiện trong chương trình Người kết nối với câu chuyện tình yêu và khởi nghiệp đầy thú vị.
Anh Vũ theo gia đình định cư ở Mỹ được 15 năm, còn chị Linh sang Mỹ mới 5 năm. Chị Linh sống ở Mỹ cùng mẹ và em gái. Lúc mới sang, chị Linh, mẹ và em gái thuê một chỗ trọ nhỏ, sống cùng nhau. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng họ luôn cố gắng vượt qua.
Cách đây hơn 2 năm, mẹ chị Linh muốn con gái đi xem mắt anh Vũ, con trai của người bạn thân. Trước khi gặp chàng trai được mai mối, chị Linh bất ngờ gặp mẹ của anh Vũ.
Chị Linh kể: “Tôi rất ấn tượng với mẹ chồng ngay lần gặp đầu tiên. Bà đến cửa hàng mà tôi đang làm việc và giới thiệu mình là bạn thân của mẹ tôi. Bà cứ dặn tôi phải nhìn bà cho thiệt kỹ. Tôi thực sự không biết chuyện gì đang xảy ra”.
Khi về đến nhà, mẹ chị Linh nói là đã lỡ sắp xếp cuộc gặp giữa Linh và con trai bạn thân. Bà mong con gái đến buổi hẹn. Tiếp đó, chị Linh nhận được tin nhắn của anh Vũ. Chị không muốn trả lời tin nhắn. Thế nhưng, em gái của Linh đã nhanh chóng trả lời tin nhắn thay chị.
Không thể từ chối, chị Linh đến điểm hẹn gặp anh Vũ. Anh chàng vừa gặp chị Linh đã phải lòng. Anh bất ngờ về sự hoạt bát của bạn gái. Khi tìm hiểu thêm một chút, anh ngỡ ngàng khi bạn gái có quá nhiều điểm phù hợp.
Vậy là, chỉ sau một tuần, anh Vũ nhờ mẹ tổ chức lễ dạm ngõ để chính thức tìm hiểu chị Linh. “Người Việt Nam có câu lấy vợ phải lấy liền tay, cho nên tôi thấy đâu có gì phải chờ nữa”, anh Vũ chia sẻ.
Được con trai nhờ cậy, mẹ anh Vũ đã hẹn gặp chị Linh thêm một lần nữa. Tại cuộc gặp gỡ, bà nói: “Bây giờ, hai con đừng nói gì nữa. Các con hãy gọi nhau là vị hôn phu và vị hôn thê”.
|
|
Sau lời cầu hôn chóng vánh, lễ cưới của đôi trẻ được hai người mẹ lên kế hoạch, chuẩn bị. |
Nghe thế, chị Linh hoang mang, quay sang hỏi anh Vũ: “Mình còn chưa nắm tay mà anh?”. Về nhà, chị Linh hỏi mẹ sao mọi thứ lại nhanh đến vậy thì được bà giải đáp ngày xưa mẹ lấy chồng cũng nhanh như thế.
Mọi chuyện sau đó được hai người mẹ tự bàn bạc, lên kế hoạch với nhau. Sau 3 tháng, anh Vũ và chị Linh làm đám hỏi. Đến 3 tháng sau nữa, cả hai tổ chức lễ cưới.
Xem vợ như báu vật
Ở nhà chồng khoảng 2 tháng, vợ chồng anh Vũ quyết định ra ở riêng. Mẹ anh Vũ cũng khuyến khích vợ chồng con trai ở riêng cho thoải mái. Ngoài ra, anh Vũ còn có một lý do khác: “Tôi muốn ra ở riêng để có cơ hội chiếm hữu vợ. Lúc còn ở chung, mẹ và vợ chỉ nói chuyện cùng nhau. Họ cho tôi ra rìa”.
Bước vào hôn nhân, chị Linh vỡ lẽ nhiều thứ, đặc biệt là tính cách của chồng. Ban đầu, chị nghĩ anh Vũ rất nghiêm túc, ít nói nhưng thực tế, anh nói rất nhiều và cực kỳ hài hước.
|
|
Vợ chồng anh Vũ và các thành viên trong gia đình. |
Thời điểm sau dịch bệnh, công việc kinh doanh cửa hàng bánh mì của anh Vũ gặp nhiều khó khăn. Anh đề nghị vợ về giúp mình quản lý hệ thống cửa hàng.
Lúc đầu, chị Linh không tự tin, sợ làm không tốt thì chồng và gia đình hai bên thất vọng. Thế nhưng, được mẹ khích lệ, chị Linh quyết tâm đồng lòng cùng chồng vượt qua khó khăn.
May mắn, chị Linh có khả năng nhận biết mùi vị rất chuẩn. Chị nhận ra bánh mì của cửa hàng chưa đậm đà hương vị truyền thống. Vì vậy, chị đề nghị chồng thay đổi công thức. Sự thay đổi đột phá giúp việc kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Chuỗi cửa hàng mở rộng ra ở một số bang của Mỹ.
|
|
Anh Vũ xem vợ như báu vật. |
Anh Vũ nói: “Tôi không có thói quen làm việc chung với người yêu. Thế nhưng, tôi thấy Linh hoạt bát, có thể chia sẻ được công việc kinh doanh. Tôi xem việc đề nghị Linh về làm việc chung là một ván bài. Khi bánh mì Oven thành công, tôi biết sự lựa chọn của mình rất chính xác”.
Ông chủ chuỗi cửa hàng bánh mì khẳng định bản thân rất tin tưởng và xem vợ như báu vật. Chị Linh thực sự đã thay đổi cuộc đời anh.
Theo vietnamnet