Hiệp hội Đài Loan KCT trao giải thưởng cho Nguyễn Thị Cẩm Dung - Ảnh: KCT

GROOMING: Hoạt động, dịch vụ tắm và vệ sinh, cạo lông, cắt tỉa lông và làm đẹp cho thú cưng (chủ yếu là chó, mèo) theo tiêu chuẩn quốc tế.

GROOMER: Người chăm sóc và làm đẹp cho thú cưng, làm việc ở salon, spa chó, mèo, hoặc làm dịch vụ cắt tỉa lông tại nhà. 


Đây là cuộc thi đầu tiên do Hiệp hội những người nuôi chó giống ở Đài Loan (KCT) tổ chức, thu hút hơn 100 thí sinh từ 18 trường cao đẳng và dạy nghề tham gia hai nhánh thi. Cẩm Dung ở trong nhánh thi đấu dành cho 40 thí sinh đã đoạt giải cao trong kỳ thi tốt nghiệp ngành grooming.

Giám khảo Đài Loan ngỡ ngàng

Tất cả thí sinh đều phải đăng ký thuê chó mẫu. Vì vậy, Cẩm Dung phải bay sớm từ TP.HCM tới Đào Viên (Đài Loan) để chọn và nhận chó, do trường cũ của cô cung cấp, sau đó mới tới thành phố Đài Nam để thi đấu ngày 21-9.

Cẩm Dung chọn chú chó đực tên Hua Hua, nòi Poodle, một tuổi rưỡi. Thời gian hai ngày trước khi thi đủ để cô "kết thân" và quan sát cả hành vi lẫn cơ thể của Hua Hua. Cô tắm cho bé, để bộ lông của nó bung ra. Cô cũng nhận ra xương vai của bé hơi lớn, hai vai hơi nhô ra. Vì vậy, cô đã vẽ phác thảo cấu trúc xương của Hua Hua, để xác định cách cắt tỉa lông phù hợp nhất, sao cho giám khảo sẽ không nhận ra phần lỗi bẩm sinh ấy của bé.

Trong hai giờ thi đấu, thí sinh phải hoàn thành bốn hạn mục: tạo hình chân - mõm - bụng, và tạo hình tổng thể cho chó mẫu. Giám khảo chấm thi dựa trên tỷ lệ cắt tỉa của Liên đoàn các Hiệp hội nuôi chó giống thế giới (FCI).

Trong ba vị giám khảo đạt trình độ quốc tế, tức giám khảo FCI, có hai người thuộc Hiệp hội Đài Loan (KCT), và bà Atsuko Ishihiro thuộc Hiệp hội Nhật Bản (JKC). Bà Ishihiro là giám khảo của Cẩm Dung và một số thí sinh khác.

Cẩm Dung, với mã số 012, vượt qua vòng loại, vào vòng 7 người xuất sắc, rồi là một trong 3 thí sinh vào vòng cuối. Một thí sinh Đài Loan về nhất ở bảng A, còn Cẩm Dung dẫn đầu bảng C. Do bảng B không có ai về nhất, nên cô giành luôn giải nhì của cả cuộc thi đấu hôm ấy.

Cô kể, giám khảo tỏ ra ngỡ ngàng khi biết cô là người Việt Nam. Dung giải thích: "Nghề làm đẹp cho chó (grooming) chưa phát triển ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một groomer Việt Nam được giám khảo quốc tế người Nhật chấm nhất bảng trong một cuộc thi đấu do Hiệp hội Đài Loan tổ chức.

Khi biết giám khảo của mình là người Nhật, lúc thi tôi hơi căng thẳng, vì người Nhật vừa dẫn đầu về grooming, lại vừa rất khó, rất kỹ về các tỷ lệ".

Cẩm Dung (ở trung tâm, phía trước) trong cuộc thi - Ảnh: Hiệp hội KCT

Những "lần đầu tiên" đầy vị ngọt hậu

Cẩm Dung sang Trung Quốc học nghề grooming ở thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) từ 2015, sau đó học tiếp ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) rồi nhận bằng master tại đây. Cẩm Dung tu nghiệp thêm một tháng ở Thượng Hải. 

Năm 2018, cô qua Đài Loan, học ở trường White’s Pet House Grooming tại thành phố Đào Viên. Cô bảo, cô lựa chọn trường này bởi tất cả giáo viên của trường đều là giám khảo quốc tế của FCI.

Xen kẽ giữa thời gian học nghề ở nước ngoài, cô lập viện Cosa chuyên cắt tỉa lông cho cún cưng để kinh doanh và truyền nghề ở TP.HCM.

Thí sinh Cẩm Dung tạo hình tổng thể cho bé Hua Hua ở cuộc thi đấu do Hiệp hội KCT, Đài Loan, tổ chức - Ảnh: KCT

Trả lời Tuổi Trẻ, cô Pai Chia Tai (Bạch Giai Đại), giáo viên của Dung tại Đại học Đào Viên, nhận xét: "Tracy Nguyen (tên tiếng Anh của Cẩm Dung - NV) làm việc chăm chỉ, có kỹ năng tốt trong đào tạo cơ bản, và có cái nhìn thẩm mỹ.

Học tập chăm chỉ sẽ trở nên những groomer tốt. Nhưng nếu không có cái nhìn thẩm mỹ, groomer chỉ là ‘thợ lành nghề’ chứ không phải nghệ nhân, khó vươn lên đỉnh cao của nghề. Tôi chắc chắn Tracy Nguyen là một groomer tốt, và là một giảng viên tốt trong tương lai".

Từ trái sang: Cẩm Dung, bé Hua Hua và giám khảo FCI Pai Chia Tai - Ảnh: HỒ NAM

Cuối năm nay, Dung sẽ nhận vai trợ lý giám khảo, làm phụ tá trực tiếp cho cô giáo này tại cuộc thi grooming trong khuôn cuộc thi chó giống quốc gia (Dog Show).

- Ở Việt Nam, nghề grooming cho thú cưng, chủ yếu là làm đẹp cho chó chỉ mới phát triển trong khoảng 4 năm trở lại đây.

- Theo Global Pets, từ nay cho tới năm 2025, thị trường chăm sóc thú cưng trên toàn thế giới dự kiến ​​sẽ tăng khoảng 4,7% mỗi năm.

Tại Úc, chỉ riêng trong năm 2016, người Úc đã chi 600 triệu đô-la trong dịch vụ grooming cho chó.

Tuy vậy, người Mỹ luôn dẫn đầu về chi tiêu, với khoảng 620 tỷ đô-la chỉ trong năm 2016, trong đó dịch vụ grooming chiếm một tỷ lệ đáng kể. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, grooming cho thú cưng và các dịch vụ liên quan sẽ tăng trưởng nhanh hơn toàn bộ nền kinh tế trong năm năm tới, dự báo sẽ đạt tới con số 11%.

Theo tuoitre