Tư duy và tầm nhìn toàn cầu Khái niệm “công dân toàn cầu” khởi xướng đầu tiên từ nhà triết học cổ Hy Lạp Đi-ô-gien. Khi được hỏi ông từ đâu đến, ông đã trả lời: “Tôi là công dân của thế giới”. Hàng loạt các học giả khác đã bàn về vấn đề này như nhà cách mạng người Anh nhưng sống tại Mỹ vào thế kỷ 18, T.Pên-nơ. Ông đã viết rằng: “Đất nước của tôi là thế giới. Đồng bào của tôi là nhân loại”. A.Anh-xtanh cũng nhấn mạnh tới ý thức của công dân về các vấn đề toàn cầu khi viết: “Chủ nghĩa vùng miền là một căn bệnh ấu trĩ. Nó là bệnh sởi của nhân loại”. Những người lỗi lạc này muốn nói tới sự rộng mở, một tầm nhìn xa trông rộng cho một thế giới đại đồng, nơi biên giới giữa các quốc gia được xóa mờ dần.
Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn những quan điểm khác nhau về “công dân toàn cầu”. Có quan niệm cho rằng, đó là những công dân có khả năng thích nghi trong mọi môi trường, không cần quan tâm đến giáo dục họ từ đâu. Họ có thể sống và làm việc ở một hay nhiều quốc gia khác nhau, họ có thể vượt qua những ranh giới về không gian, thời gian, văn hóa… Nhưng những công việc mà họ làm có thể mang lại hoặc không mang lại lợi ích cho cộng đồng toàn cầu. Theo quan điểm này, có những bạn trẻ Việt Nam học đại học trong nước, có đủ phẩm chất cần thiết thì vẫn được các công ty, tập đoàn nước ngoài tuyển dụng và đào tạo thêm. Khi tạo danh tiếng trong công ty thì làm việc ở đâu cũng phù hợp.
Quan điểm khác cho rằng, công dân trẻ chỉ được coi là công dân toàn cầu khi dựa vào nền tảng tri thức và học thuật được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu. Theo quan điểm này, muốn cho càng nhiều thanh niên Việt Nam trở thành công dân trẻ toàn cầu thì phải có nền giáo dục được chấp nhận trên toàn thế giới. Học đại học ở Việt Nam sang Mỹ hay Anh không làm việc được thì rất khó thành công dân toàn cầu. Ngược lại, nếu có bằng tốt nghiệp từ những trường đại học có tên tuổi thì gần như đã sở hữu tấm hộ chiếu toàn cầu. Cũng có ý kiến rằng, những con người lặng lẽ âm thầm nỗ lực hết mình như trồng cây xanh hay cứu một loài sinh vật biển để bảo vệ môi trường…, góp phần làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, họ chính là những công dân toàn cầu mà không nhất thiết phải đi du lịch hay đào tạo ở nước ngoài. Theo quan điểm này, con người đó hội tụ lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm với xã hội, không chỉ với xã hội nơi họ cư trú mà với cả những xã hội, những con người ở những chân trời xa lạ mà họ chưa từng quen biết.
Dù các quan điểm trên ít nhiều có sự khác biệt, song, tựu trung, công dân toàn cầu phải là người có tư duy và tầm nhìn mang tính toàn cầu, để có thể đáp ứng và thích nghi với điều kiện làm việc ở những môi trường khác nhau, tại những quốc gia khác nhau. Càng là người có nền tảng văn hóa tốt thì càng có cơ hội khẳng định và bổ sung các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hóa chung toàn cầu.
Định vị vai trò cá nhân
Để trở thành công dân toàn cầu, người trẻ cần trang bị được kiến thức về đất nước và thế giới; những kỹ năng toàn cầu như kỹ năng in-tơ-net, kỹ năng giao tiếp toàn cầu, việc sử dụng ngôn ngữ toàn cầu, ý thức toàn cầu. Đồng thời, có hai công cụ quan trọng không thể thiếu: đó là in-tơ-net và tiếng Anh.
Điều được coi là thiệt thòi với giới trẻ Việt Nam hiện nay là bằng tốt nghiệp các trường đại học ở trong nước vẫn chưa được quốc tế công nhận. Giới trẻ chúng ta có đam mê, có nhiệt huyết, có năng lực nhưng vẫn chưa tạo nên khả năng bứt phá và ghi dấu mạnh mẽ vào bản đồ tri thức nhân loại. Sự thiếu chủ động của những bạn trẻ Việt Nam cho thấy, việc thế hệ kế cận tận dụng được lợi ích từ những hiệp ước kinh tế trong khu vực cũng như toàn cầu chưa cao.
Cùng đó, thanh niên hiện nay đang đối diện với những điểm hạn chế như khả năng ngoại ngữ, kỹ năng hòa nhập làm việc nhóm, thiếu kiến thức về văn hóa lịch sử, hạn chế về mặt công nghệ thông tin… Trong khi thanh niên các nước đã tích cực chuẩn bị cho hội nhập, nhiều người chủ động học tiếng Việt để đón đầu cơ hội thì số đông thanh niên Việt ít chủ động học các ngôn ngữ bản địa khác, mà chủ yếu tập trung học tiếng Anh.
Thanh niên Việt Nam có những điểm mạnh tích cực như khả năng làm việc và thích nghi cao, đáp ứng được yêu cầu trong môi trường làm việc quốc tế. Với nỗ lực phấn đấu trong quá trình sống và làm việc, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, các bạn trẻ có thể tạo ra những giá trị có ích cho xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, không cứ ra nước ngoài thì người trẻ Việt mới có đất dụng võ để trở thành công dân toàn cầu. Không ít bạn trẻ học đại học trong nước, hội đủ phẩm chất cần thiết vẫn được các công ty, tập đoàn nước ngoài tuyển dụng làm việc tại Việt Nam, và họ có những đóng góp nhất định cho công ty, như vậy họ cũng có thể thành công dân toàn cầu. Mặt khác, nhiều người thành đạt trong nước cũng từng là du học sinh từ nước ngoài trở về. Họ đã nắm bắt được cơ hội để phát triển sự nghiệp ở quê hương và vận dụng thành công những kỹ năng đã học ở nước ngoài.
Nền tảng của một công dân trẻ toàn cầu là ý thức về bản thân, dân tộc và đất nước mình. Trong một thế giới ngày càng mở, mỗi cá nhân cần rèn luyện khả năng tư duy để trở thành một công dân toàn cầu. Các kỹ năng này bao gồm khuyến khích sự tự tin, lòng tự trọng, kỹ năng tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và giải quyết khủng hoảng. Ngoài ra cũng cần đào tạo cho lớp trẻ khả năng trình bày quan điểm của mình cũng như biết lắng nghe ý kiến của người khác. Đó chính là cách thức rất tốt để chúng ta nhanh chóng thích nghi khi làm việc ở nơi chốn mới, tiếp nhận nền văn hóa mới.
Việt Nam hiện đang tham gia vào các cuộc chơi toàn cầu ở các quy mô khác nhau. Nếu không chủ động hơn trong hội nhập, việc hưởng lợi từ các cộng đồng chung sẽ ít hơn, và trái lại, họ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Đơn cử, ASEAN chỉ là một cộng đồng nhỏ. Dòng chảy của lao động và dịch chuyển đầu tư sau khi Cộng đồng AEC hình thành, lao động trong tám ngành nghề cũng được tự do chuyển dịch. Như vậy, cạnh tranh cũng như thu hút đầu tư sẽ ngày càng tăng giữa các doanh nghiệp cùng ngành và trong khu vực. Đây chính là cơ hội để người trẻ có thể triển khai các kế hoạch kinh doanh cũng như lập nghiệp ở các nước trong khu vực.
Công dân toàn cầu có một tư duy và cách nhìn mở, tôn trọng tính đa dạng của các nền đa văn hóa trên thế giới. Họ biết chia sẻ trách nhiệm với những vấn đề chung của toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu hay đói nghèo. Một công dân toàn cầu thật sự sẽ bổ sung giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hóa chung của nhân loại.
Theo vietnamhoinhap