leftcenterrightdel
 Các hoạt động trong Lễ hội Trung Thu của Vietcentric thu hút đông trẻ em Việt Nam và Anh. (Ảnh: Minh Hợp/TTXVN)

Nằm tại khu vực Sneinton Market nhộn nhịp thuộc trung tâm thành phố Nottingham ở miền Đông vùng Trung du nước Anh, Vietcentric là địa chỉ quen thuộc của những người dân bản xứ yêu mến nền văn hóa và ẩm thực Việt Nam cũng như của những Kiều bào xa xứ một lòng hướng về quê hương.

Căn nhà hai tầng xinh xắn của Vietcentric được thiết kế giản dị, song mang đậm nét văn hóa Việt với những bức tranh phong cảnh Việt Nam, những chiếc nón lá, áo dài, đèn lồng và đồ gỗ nội thất truyền thống, tạo nên cảm giác thân quen với mọi du khách Việt tới thăm trung tâm văn hóa này.

Thành lập năm 2017, Vietcentric nhằm bảo tồn và lan tỏa văn hóa Việt Nam tới cộng đồng bản địa thông qua ẩm thực, nghệ thuật và kết nối người dân hai nước.

Người sáng lập và Giám đốc Vietcentric, Lều Thị Kim Liên, một Việt kiều sống tại Anh hơn 30 năm, cho biết Vietcentric được thiết kế để trở thành nơi mọi người có thể kết nối, khám phá và trao đổi những nét đặc sắc của hai nền văn hóa Việt Nam và Anh.

Ý tưởng thành lập Vietcentric hình thành sau khi mẹ của Lều Thị Kim Liên qua đời năm 2013. Nhiều năm bươn chải nơi đất khách với mong mỏi tạo dựng tương lai tốt đẹp cho các con, chị không có nhiều thời gian dành cho gia đình.

Mẹ mất sau một thời gian ngắn lâm trọng bệnh trong khi chị tối ngày vất vả mưu sinh, không có thời gian chăm sóc mẹ cũng như hai con, những đứa trẻ lớn lên như những người bản xứ thực sự với rất ít hiểu biết về cội nguồn.

Mất mát lớn khiến chị hiểu ra điều thực sự quan trọng trong cuộc sống, đó là gia đình, truyền thống và mái ấm. Và mái ấm, với chị Kim Liên, là Việt Nam, nơi chôn rau cắt rốn của chị.

Vậy là Vietcentric ra đời, như sự tri ân của Lều Thị Kim Liên với người mẹ đã khuất, là một nơi để nhắc nhở những người con xa xứ rằng mái ấm Việt Nam đang ở ngay trong lòng nước Anh, đồng thời lan tỏa hình ảnh mái ấm này trong cộng đồng sở tại.

Theo chị, căn bếp chính là biểu tượng của mái ấm gia đình, nơi những giây phút hạnh phúc nhất thường gắn với niềm vui được thưởng thức món ăn mẹ nấu. Vì vậy, chị đã chọn ẩm thực như cách để Vietcentric quảng bá tinh hoa văn hóa Việt tại nước Anh.

Vietcentric giới thiệu nền ẩm thực phong phú, độc đáo của Việt Nam qua những lớp học nấu ăn, nơi học viên học cách sử dụng các gia vị thuần Việt để nấu những món ăn truyền thống và món ăn đường phố nổi tiếng thế giới của Việt Nam như phở, bún bò, bún chả, nem rán, nem cuốn, bánh mỳ…

Học viên sẽ thưởng thức bữa ăn do chính tay mình nấu và chia sẻ những trải nghiệm về Việt Nam cùng các giáo viên của trung tâm. Kết thúc lớp học sẽ là tiệc trà nơi học viên được thưởng thức các loại trà truyền thống và tìm hiểu về trà đạo Việt Nam.

Chị Kim Liên cho biết chương trình dạy nấu ăn của Vietcentric được thiết kế tỉ mỉ tới từng chi tiết, từ nguyên liệu, gia vị chế biến cho tới kỹ thuật nấu, đảm bảo món ăn mang hương vị thuần Việt, giúp học viên hiểu được sự tinh tế của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, ẩn sau đó là nền văn hóa độc đáo của đất nước.

Chị đã nghiên cứu, tìm hiểu và tạo ra công thức cho 4 loại gia vị gồm gia vị phở, gia vị nướng, gia vị hải sản và ngũ vị hương, sử dụng hoàn toàn các nguyên liệu, thảo dược của Việt Nam để giới thiệu trong chương trình nấu ăn như cách để quảng bá nét đặc sắc của nền ẩm thực Việt.

leftcenterrightdel
 Một lớp học nấu ăn tại Vietcentric. (Ảnh: Minh Hợp/TTXVN)

Các lớp dạy nấu ăn của Vietcentric đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân bản địa. Bà Maddy đến từ Nottingham cho biết vợ chồng bà tham gia một lớp nấu ăn tại Vietcentric vào cuối tuần và đã có một trải nghiệm tuyệt vời.

Bà chia sẻ, không chỉ học được cách nấu những món ngon của Việt Nam, vợ chồng bà còn học được nhiều điều về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, đặc biệt là trà đạo Việt. Bà Maddy cũng rất ấn tượng với những nhân viên của Vietcentric, những người rất nhiệt tình, tận tụy, với kiến thức rộng về văn hóa và ẩm thực vùng miền của Việt Nam.

Ngoài các lớp dạy nấu ăn, Vietcentric tổ chức các hoạt động văn hóa như Lễ hội Trung Thu, trình diễn áo dài, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba tại Anh.

Điểm đặc biệt là các thành viên của Vietcentric, gồm các giáo viên nấu ăn, đều là những sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở Nottingham.

Với trình độ tiếng Anh lưu loát và hiểu biết về Việt Nam, cùng sự năng động, nhiệt tình, các sinh viên này là những sứ giả hoàn hảo để lan tỏa các giá trị văn hóa Việt. Chị Kim Liên chia sẻ chị đã đào tạo kỹ năng nấu ăn cho hàng trăm lượt sinh viên để các em có thể truyền lại cho các học viên bản xứ. Họ cũng cũng là những giáo viên lý tưởng để dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa Việt trong các sự kiện văn hóa do Vietcentric tổ chức.

Chị Kim Liên cho biết đây cũng là một mục tiêu của chị khi thành lập Vietcentric, đó là tạo một sân chơi để thế hệ trẻ Việt Nam thể hiện bản thân và xây dựng hình ảnh con người Việt Nam năng động, thân thiện, giàu tri thức và văn hóa trong con mắt người dân sở tại.

Vũ Song Hòa, sinh viên thạc sỹ ngành Kế toán-Tài chính tại Đại học Nottingham Trent University, một giáo viên hướng dẫn nấu ăn tại Vietcentric, cho biết trung tâm là mô hình quảng bá văn hóa Việt Nam sáng tạo và hiệu quả, là nơi giúp những người con xa quê hương tìm hiểu về cội nguồn, đồng thời quảng bá văn hóa Việt tới cộng đồng bản xứ.

Song Hòa cho biết cô coi Vietcentric là ngôi nhà thứ hai tại Anh, nơi tạo cơ hội cho cô kết nối với những người bạn Việt và giúp cô khám phá bản thân thông qua việc truyền bá những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam tới bạn bè Anh. Hòa mong rằng những mô hình như Vietcentric sẽ nhân rộng trên khắp nước Anh và châu Âu như cách để xây dựng cộng đồng người Việt tại nước ngoài ngày một vững mạnh.

Là một trung tâm nhỏ hoạt động không vì lợi nhuận, Vietcentric đã góp phần hỗ trợ người Việt sinh ra tại Anh tìm hiểu, duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam, cũng như truyền bá văn hóa, kết nối cộng đồng người Việt với cộng đồng bản địa.

Sự ra đi của người mẹ thân yêu là khởi đầu cho những nỗ lực không ngừng của Lều Thị Kim Liên để tạo ra những giá trị cho cộng đồng, góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc mà chắc hẳn mẹ chị rất đỗi tự hào./.

Theo vietnamplus