leftcenterrightdel
Người dân xếp hàng dưới mưa để đặt hoa tại một điểm tưởng niệm tạm thời bên ngoài ga Yamato Saidaiji, nơi cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn ở Nara, ngày 9/7. Ảnh: AFP. 

Việc ông Abe đột ngột qua đời mang lại cảm giác hụt hẫng và thương tiếc "có lẽ tới hàng triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản", anh Phạm Linh, một lao động 36 tuổi tại Tokyo và đã sống ở Nhật Bản 8 năm, nói với Zing vào nửa đêm, khi trằn trọc khó ngủ vì bi kịch đột ngột xảy ra với vị cựu thủ tướng Nhật Bản.

Trong khi đó, Trần Ngọc Huyền (23 tuổi), một sinh viên vừa học vừa làm ở Shinjuku, Tokyo, Nhật Bản từ năm 2019, nói với Zing: “Cuối cùng thì lời cầu nguyện của chúng tôi cũng không thành. Dù ông ấy không phải thân thích, và tôi cũng chẳng phải công dân Nhật, lòng tôi vẫn cảm thấy tiếc nuối và chút gì đó buồn lòng”.

Ở một khu vực khác, chị Lee, một bà mẹ Việt 35 tuổi sống tại Nogata, nhận tin xấu nhất về ông Abe khi đang đi đón con. “Gần 17h30, giọng đọc tin tức trong xe vang lên nói rằng bác (ông Abe - PV) không qua khỏi. Không thể gọi tên cảm xúc lúc đó của tôi là gì, trống rỗng”, chị Lee kể.

Sau cái chết của ông Abe hôm 8/7, anh Linh, Huyền và chị Lee nằm trong số rất nhiều người Việt khác ở Nhật quý mến ông Abe, cũng như tiếc thương cho những đóng góp của cựu thủ tướng đối với cộng đồng người nước ngoài ở Nhật Bản.

Trên trang cá nhân của họ, cũng như các nhóm trên mạng xã hội, những bài viết về ông vẫn chưa dừng lại. Nhiều bài viết và bình luận công khai đều đề cập đến ông Abe là người đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người nước ngoài tại đất nước Mặt Trời mọc, và họ biết ơn về điều đó.

'Họ nói rằng đối với người Việt Nam và người nước ngoài ở Nhật, ông Abe cho họ “những ân tình”. Nhiều người kính trọng gọi ông là “bác”.

“Chúng tôi nợ ông ấy những ân tình”

Những phản ứng sục sôi trên mạng xã hội, cùng lời chia sẻ của các nhân vật mà Zing phỏng vấn đều cho thấy cựu thủ tướng rất được cộng đồng người Việt ở Nhật Bản yêu quý và nể trọng.

Gần đây nhất, chính quyền của ông Abe, trong thời gian đất nước ứng phó với Covid-19, đã hỗ trợ tiền cho bất kỳ người nào ở Nhật, không kể đó là người nước ngoài hay người bản xứ, có quốc tịch hay không có quốc tịch.

“Tôi thực sự cảm ơn 100.000 yen mà ông đã hỗ trợ cho chúng tôi lúc bấy giờ. Đối với những người tha hương, một thân một mình nơi xứ người như tôi, số tiền đó thật sự là ‘cứu tinh’ trong những ngày Covid-19 khó khăn. Chúng tôi nợ ông ấy những ân tình”, Huyền nói.

“Nhờ có ông ấy cùng với các chính sách hỗ trợ dành cho người nước ngoài trong lúc dịch bệnh khó khăn khiến công việc không thuận lợi, chúng tôi đã được giúp đỡ rất nhiều”, chị Lee cho biết.

Chị cũng nói thêm rằng có nhiều người Nhật không ủng hộ ông, nhưng “từ khi ông lãnh đạo cho tới giờ, tôi nhận thấy người Việt Nam nói riêng và người nước ngoài nói chung ở đây được lợi rất nhiều”.

Trên mạng xã hội, những người Việt công khai đăng bài bày tỏ sự tiếc thương đối với ông Abe ngày càng nhiều, anh Phạm Linh cũng không ngoại lệ.

“Tôi không biết kẻ ám sát bất mãn gì về bác, nhưng với chúng tôi, những người con xa quê không ruột rà máu mủ, bác ấy đã làm rất nhiều cho chúng tôi! Những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản sẽ luôn nhớ về bác”, anh viết trên trang cá nhân.

Dòng trạng thái của anh Linh nhanh chóng có hàng chục bình luận, tất cả đều nói rằng họ rất buồn và thương tiếc.

leftcenterrightdel
Một người dân khóc trước điểm tưởng niệm nơi ông Abe bị ám sát, ngày 8/7. Ảnh: AFP. 

Anh Linh cho biết thêm ngoài 100.000 yen, ông Abe “còn chỉ đạo các công ty bất động sản giảm giá tiền nhà cho người lao động và hỗ trợ lương thực thực phẩm đến từng người dân”.

Cựu Thủ tướng Abe cũng là người đưa ra chính sách tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Tính riêng năm 2018, đã có 70.000 thực tập sinh Việt Nam tới đất nước mặt trời mọc.

Chính nhờ chính sách dưới thời ông Abe, rất nhiều người Việt Nam đã có cơ hội làm việc tại Nhật Bản.

Ngoài ra, anh Linh chia sẻ thêm rằng mình từng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với cựu thủ tướng và cảm nhận ông là “một vị lãnh đạo tuyệt vời, tài ba”.

“Ấn tượng sâu sắc nhất về bác đó là sự khiêm nhường. Một lần, tôi đi mua đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi thì gặp bác đứng xếp hàng chờ tới lượt”, anh kể.

Thu Uyên, sinh sống và làm việc tại Hokkaido, cũng chia sẻ thông tin tương tự và nói rằng bản thân dành tình cảm đặc biệt và sự biết ơn với những chính sách hỗ trợ của ông Abe trong thời gian đại dịch khó khăn.

“Từ lúc mới qua, tôi đã nghe nhiều tin tức về ông Abe. Tháng 3/2019 vào thời điểm đại dịch căng thẳng, ông có những chính sách hỗ trợ tiền ăn ở cho những người nước ngoài làm việc tại Nhật như tôi. Tôi thấy thương xót cho một vị lãnh đạo như vậy", Thu Uyên nói.

Lina Nguyễn, du học sinh Việt Nam tại Beppu, Oita, có đồng quan điểm, tin rằng trong thời gian tại vị, ông Shinzo Abe đã thúc đẩy nhiều chính sách tốt và có lợi cho du học sinh quốc tế và người nước ngoài lao động tại Nhật.

“Các chính sách của ông Abe tạo nhiều điều kiện cho người nước ngoài tại Nhật. Nhờ có ông, tôi đã an tâm học tập và làm việc tại đây hơn”, Lina nói với Zing.

leftcenterrightdel
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP. 

Theo dõi và cầu nguyện từng phút

Chưa thôi bàng hoàng khi kể lại “ngày buồn ở nước Nhật”, Huyền cho biết vừa tan làm ca sáng hôm 8/7 ra thì nghe tin ông Abe bị bắn và “thực sự cảm thấy sốc”.

“Khắp mạng xã hội, trong các nhóm người Việt ở Nhật mà tôi tham gia, người ta chỉ nói về việc này trong suốt cả buổi. Tôi, cũng như rất nhiều bạn bè và những người Việt ở Nhật khác, đều đã cầu nguyện trong nhiều giờ, cầu mong ông gặp được kỳ tích”, Huyền kể.

Huyền và nhiều người khác thậm chí theo dõi từng phút tin tức về cựu thủ tướng từ lúc biết tin ông bị bắn.

Chị Lee cho biết ngay khi tan làm vào khoảng 12h, tin tức đã bùng nổ, và chị gần như không rời mắt khỏi các bản tin kể từ đó.

“Từ khi về đến nhà, tôi mở TV cả buổi chiều, và vẫn luôn cầu nguyện trong suốt khoảng thời gian đó. Kể cả khi đi đón con, đài trên ôtô vẫn luôn bật”, chị Lee kể lại.

Trong khi đó, anh Phạm Linh, thậm chí nhớ rõ chính xác thời gian anh nhận tin tức ông Abe bị bắn: “12h08! Cả văn phòng tôi làm và trên mạng, tất cả đều xôn xao. Tôi thậm chí không thể tin có người ám sát bác. Tôi bắt đầu bám chặt vào các trang tin tức, từ mạng xã hội, cho đến cả báo Nhật lẫn báo Việt”.

Tại Hokkaido, chị Thu Uyên theo dõi tin tức khi ở chỗ làm vào buổi chiều 8/6 và luôn cầu nguyện sẽ có phép màu xảy ra kể từ lúc đó.

Trên các hội nhóm, nhiều người cập nhật dòng trạng thái liên tục theo thời gian thực về bất kỳ thông tin gì mới mà họ có về vụ việc, dù là tin chính thức hay không chính thức.

Từ danh tính của nghi phạm, tình trạng của cựu thủ tướng khi vừa bị bắn, lúc ông được đi cấp cứu, tình trạng tại bệnh viện, khẩu súng mà nghi phạm dùng, loại đạn trong khẩu súng, đến từng thành phần mà nghi phạm sử dụng để tự chế khẩu súng, lời khai của hung thủ, hoài nghi về trách nhiệm của các vệ sĩ, lời nhân chứng, mọi hình ảnh và video hiện trường,... tất cả đều được cập nhật thường xuyên.

Trong một nhóm của người Việt tại Tokyo trên Facebook, chỉ trong một buổi chiều có tới hàng chục bài đăng có liên quan về sự việc. Mỗi bài đều có hàng trăm đến hàng nghìn lượt tương tác và bình luận, hầu hết đều bày tỏ sự đau buồn và phẫn nộ, cùng những lời cầu nguyện như “Hy vọng ông ấy sẽ gặp được kỳ tích”.

leftcenterrightdel
Ông Shinzo Abe được nhiều người Việt ở Nhật yêu quý. Ảnh: AFP. 

Phép màu không xảy ra

“Ông ấy mất rồi. 17h03. 67 tuổi”, Huyền nói với Zing ngay sau khi có thông báo chính thức về việc ông Abe qua đời, giọng đứt quãng, theo sau đó là một khoảng im lặng lâu trước khi cô trở lại làm việc.

Sốc, thất vọng, đau lòng, thậm chí không tin là những cảm xúc chung của nhiều người khi nhận được tin dữ cuối cùng về ông Abe.

“Tôi vẫn chưa tin đây là sự thật. Ông là người thương người”, một bình luận trên mạng xã hội viết, trước khi đặt một câu hỏi tu từ: “Sao người tốt rời xa ta theo cách đau lòng như thế này?”

Chị nhận xét ông Abe “đã là một vị thủ tướng tuyệt vời”, và chị sẽ “không bao giờ quên” những những gì mà ông đã làm để giúp đỡ những người nhập cư như chị.

leftcenterrightdel
Người dân tập trung gần nơi ở của cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo vào ngày 9/7. Ảnh: AFP. 

Những nỗi lo mới

Sau sự việc của ông Abe, không ít người tỏ vẻ hoài nghi về an ninh tại Nhật. Một số du học sinh Việt Nam bắt đầu cân nhắc về lựa chọn ở lại làm việc sau tốt nghiệp vì lo lắng trước tình hình an ninh quốc gia.

Đây là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một cựu thủ tướng hoặc thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản kể từ thời quân phiệt hồi thập niên 1930. Vì vậy, nhiều người Việt Nam tại Nhật như anh Linh bất ngờ và bắt đầu lo lắng.

"Tôi không thể tin có người dùng súng để ám sát ông Abe, mà đây lại còn là nước Nhật. Thủ phạm khi đó chỉ cách ông ấy có vài m", anh Linh nhấn mạnh.

"Nếu về độ an toàn ở đất nước Mặt Trời mọc này thì dường như chưa có đâm chém hay bắn giết nhau ngoài đường. Hầu như cảnh sát Nhật ít khi phải tham gia bắt cướp. Gần trăm nay chưa có vụ ám sát lãnh đạo nào xảy ra cả. Nhưng đây là lần đầu tiên một sự việc đáng tiếc ập đến, khiến mọi người đều bàng hoàng và có chút lo sợ", anh Linh cho biết thêm.

“Ở đây, những việc như mất an ninh trật tự gần như là không có chứ chưa nói đến việc dùng súng ám sát giữa ban ngày ở nơi đông người. Tôi cảm thấy lo lắng cho an toàn của mình”, Lina nói.

Tại nơi làm việc của Thu Uyên, nhiều người cũng bày tỏ sự lo ngại về an ninh của Nhật trong thời gian tới. Nhiều người vẫn không thể tin được một đất nước yên bình như Nhật Bản lại có thể xảy ra một sự kiện đáng tiếc như vậy.

Sinh sống và học tập tại Nhật Bản 4 năm, Lina lựa chọn ở lại Nhật Bản bởi sức hút của nền kinh tế lớn và an ninh tốt. Tuy nhiên, sau vụ việc ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe, chị bắt đầu suy nghĩ lại.

“Chúng tôi vẫn có lựa chọn đến Mỹ hay châu Âu. Bây giờ ở Nhật xảy ra sự kiện như vậy, chúng tôi tự hỏi hay lựa chọn một nước khác”, Lina nói.

Theo zingnews