TS Vũ Duy Thức (trái) tại tọa đàm “AI - Blockchain và câu chuyện khởi nghiệp” ngày 1.11 - CTV

Đó là chia sẻ của TS Vũ Duy Thức, một tên tuổi lẫy lừng về AI trên thế giới, khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên bên lề tọa đàm “AI - Blockchain và câu chuyện khởi nghiệp” do Trường đại học Văn Lang tổ chức vào ngày 1.11 vừa qua.

Theo TS Thức, bước tiến công nghệ từ AI đang tạo ra một cuộc cách mạng trên toàn thế giới, có nhiều nhà khoa học so sánh AI như việc tạo ra điện năng. Công nghệ này mang đến sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực. Đối với kinh tế, AI giúp nâng cao năng suất làm việc, tiết kiệm chi phí nhân công và vận hành, giảm giá thành sản phẩm…

Từng học tại VN lẫn Mỹ và đạt nhiều dấu ấn khởi nghiệp tại Mỹ, ông cho rằng có sự khác nhau nào giữa môi trường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ giữa VN với các nước phát triển?

Giữa môi trường VN và các nước phát triển, trong môi trường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ còn một khoảng cách khá xa. Ở VN thì nghiên cứu ứng dụng vẫn còn mang nặng tính lý thuyết, ít ứng dụng thực tế. Ngược lại, các nghiên cứu nước ngoài thường đi từ nhu cầu thực tế, rồi nghiên cứu, phát triển tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu đó.

Anh có thể cho một ví dụ của bản thân kể từ khi học ở Đại học Stanford (Mỹ) cho đến lúc khởi nghiệp?

Ví dụ tôi từng thực hiện nghiên cứu giải pháp về công nghệ robot để phối hợp, điều khiển hoạt động mạng lưới nhiều robot. Nhu cầu này dựa trên một thực tế là nhiều doanh nghiệp có cả một hệ thống nhiều robot trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nên cần tạo ra một hệ thống điều khiển chung hiệu quả hơn, nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Và chính các doanh nghiệp này đã tài trợ cho dự án mà tôi tham gia ở Stanford.

Ở Stanford, ngoài việc kết nối các doanh nghiệp liên quan thì còn có chương trình nào hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp?

Ngoài việc kết nối cùng doanh nghiệp bên ngoài, ngay trong Đại học Stanford có cả những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để rèn luyện cho sinh viên bắt đầu khởi nghiệp thì cần những yếu tố, kỹ năng nào. Trường đại học còn kết nối sinh viên với những người hướng dẫn, định hướng cho đến các nhà đầu tư. Họ rất cởi mở cho phép sinh viên sử dụng các bản quyền công nghệ mà trường có được để sử dụng cho việc phát triển dự án khởi nghiệp.

Trong khi các nước đang đẩy mạnh phát triển AI, tạo điều kiện mạnh mẽ cho các dự án khởi nghiệp thì với bối cảnh hiện tại, làm sao để VN theo kịp?

Có rất nhiều chuyên gia AI hàng đầu thế giới là người VN. Nhiều người trong số này đang làm trong các tập đoàn trên thế giới. Đây chính là nguồn lực cực kỳ quý báu. Chính vì thế, chúng ta cần tạo ra những môi trường, điều kiện để các chuyên gia AI này hình thành nên một cộng đồng, quay về VN để giúp đào tạo, hướng dẫn một thế hệ chuyên gia AI tài năng mới cho VN. Thế hệ chuyên gia mới này chính là nền tảng để VN có được các sản phẩm AI.

Và không nhất thiết phải tìm cách lôi kéo các chuyên gia AI gốc Việt về sống, làm việc hoàn toàn tại VN. Họ có thể đi đi về về, tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu cho đội ngũ nghiên cứu trong nước. Bản thân chúng tôi cũng đang như vậy và thấy có hiệu quả. Qua gặp gỡ, nhiều chuyên gia AI gốc Việt cũng tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ nhân lực nước nhà.

Đóng góp 14.000 tỉ USD cho kinh tế toàn cầu

Mới đây, tạp chí Fortune dẫn báo cáo được trình bày tại Diễn đàn thượng đỉnh AI, tổ chức hồi đầu tháng 10 ở Hà Lan, khẳng định AI sẽ tạo ra cuộc cách mạng toàn diện cho nền kinh tế thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Dự kiến đến năm 2035, AI sẽ trở thành động lực đóng góp 14.000 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, theo một khảo sát dựa trên nhiều phân tích thống kê, tạp chí Forbes ngày 1.11 nhận định đến năm 2035, AI có thể giúp kinh tế thế giới tăng gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng hằng năm.


Ngôi sao AI gốc Việt

ẢNH: N.M.T

Tốt nghiệp loại ưu Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), rồi trở thành TS chuyên ngành AI tại Đại học Stanford (Mỹ) khi 28 tuổi, Vũ Duy Thức (ảnh, năm nay 37 tuổi) trở thành cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực AI trên thế giới.

TS Vũ Duy Thức còn đồng sáng lập của rất nhiều startup công nghệ đình đám tại Thung lũng Silicon (Mỹ) như robot trợ giúp người già Ohmni, ứng dụng Katango (đã được Google mua lại), ứng dụng Tappy… Năm 2017, tạp chí Silicon Valley Business Journal vinh danh Vũ Duy Thức trong danh sách 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng lớn nhất tại Silicon. 

Theo thanhnien