Ban Tổ chức trao chứng chỉ và chụp ảnh lưu niệm với toàn thể học viên. (Ảnh: A.B)

Chiều 23/8, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ bế giảng và trao chứng chỉ cho học viên Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị cho biết, khóa tập huấn lần thứ 6 đã kết thúc thành công cùng với sự tham gia nhiệt tình của các giảng viên và học viên. Đặc biệt, năm nay, chương trình tập huấn cho giáo viên kiều bào đã có nhiều đổi mới về giáo trình, nội dung để phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế ở từng địa bàn, nhằm đem lại kết quả tốt nhất, hiệu quả nhất.

Năm nay, khóa học có số lượng giáo viên kiều bào đông nhất từ trước đến nay. Tham gia giảng dạy cho lớp là các giảng viên uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy ngôn ngữ và tiếng Việt của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường Đại học KHXH&NV.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị (ngoài cùng, bên trái) tặng hoa cho đại diện 13 đoàn giáo viên. (Ảnh: T.P)

Tại Lễ bế giảng, thay mặt các các học viên, cô Nguyễn Phương Dung - giáo viên kiều bào tại Belarus đã bày tỏ xúc động trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cũng như sự chu đáo và hỗ trợ nhiệt tình của Ban Tổ chức.

"Trong mỗi người Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được xem là tài sản đáng tự hào, luôn cần được giữ gìn và phát huy, trong đó Tiếng Việt chính là sợ dây kết nối lời yêu thương của những người có chung tiếng nói, chung dòng máu Việt, giúp gắn kết trái tim Việt Nam với quê hương, Tổ quốc mình. Những kiến thức thu được từ khóa học và những trải nghiệm từ các hoạt động thực tế tại quê hương chính là động lực để các giáo viên kiều bào tiếp tục công việc giảng dạy tiếng Việt ở nước sở tại”, cô Dung chia sẻ.

Thầy Mai Hải Lâm – giáo viên tại Ba Lan cũng vui mừng vì bên cạnh những giờ học trên lớp quý giá, các học viên còn đến dự giờ, trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Trường Đại học KHXH&NV và Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bên cạnh đó, họ còn được tham gia chương trình tham quan ý nghĩa để tìm hiểu về quê hương tại các địa danh, di tích lịch sử ở Hà Nội như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu thắng cảnh Tràng An, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư ở Ninh Bình, chùa Tam Chúc ở Hà Nam...

Khóa tập huấn lần thứ 6 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với 80 học viên. (Ảnh: A.B)

Trước kiến nghị và đề xuất của một số học viên về việc tổ chức các khóa tập huấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở Lương Thanh Nghị khẳng định, Ủy ban sẽ vẫn tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đạo tạo tổ chức khóa này hàng năm vào trung tuần tháng 8, cũng như nghiên cứu thêm mở các khóa ngắn ngày ở các địa bàn.

Ông hy vọng, với những kiến thức và kinh nghiệm trong khóa học các thầy cô sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn để tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ” cho các thế hế tiếp theo, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp".

Theo baoquocte