Duy trì, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc
Kể từ khi được thành lập, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) đã chủ động phối hợp với các cơ quan trong nước và cơ quan đại diện người Việt Nam ở nước ngoài có cách tiếp cận mới, chủ động mở rộng tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau trong cộng đồng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và phu nhân cùng các đại biểu kiều bào dâng hương tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội trong chương trình Xuân Quê hương năm 2019. Ảnh: TTXVN
Nhiều hoạt động lớn dành riêng cho kiều bào cũng được tổ chức như sự kiện thường niên Xuân Quê hương, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với quy mô toàn thế giới (2009, 2012, 2016). Từ năm 2012, Ủy ban cũng tổ chức chuyến thăm hàng năm tới huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cho tổng số gần 500 kiều bào, tạo điều kiện cho kiều bào ủng hộ 8 tỉ đồng tiền mặt cùng một xuồng chủ quyền trị giá 3,5 tỷ đồng, hiện vật gần 3 tỉ đồng đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Thanh thiếu niên kiều bào dâng hương tại quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở thành phố Tam Kỳ. Ảnh: TTXVN
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, tính đến nay, có khoảng 500 hội đoàn người Việt trên toàn thế giới (hội nghề nghiệp, hội đồng hương, hội từ thiện, hội thanh niên-sinh viên, hội doanh nhân, hội trí thức…) với nhiều đổi mới trong các hoạt động hướng về quê hương, đất nước.Đối với thế hệ trẻ, từ năm 2004 đến nay, hàng năm, Ủy ban duy trì chương trình Trại hè Việt Nam, thu hút tổng số gần 1.500 thanh thiếu niên kiều bào tham dự, tạo điều kiện cho các em được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, văn hóa quê nhà, trau dồi tiếng Việt, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó với quê hương.
Nhịp cầu kết nối doanh nhân, trí thức kiều bào
Công tác thu hút nguồn lực kiều bào được Ủy ban tiến hành thường xuyên, với trọng tâm là hướng kiều bào đầu tư vào các chương trình kinh tế trọng điểm, các hoạt động ngoại giao kinh tế, tạo điều kiện cho kiều bào đóng góp tâm huyết, sức lực vào sự phát triển của Tổ quốc.
Đặc biệt, sự ra đời của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) vào tháng 8/2009 là dấu mốc quan trọng trong quá trình tập hợp, liên kết sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, hợp tác tìm kiếm cơ hội kinh doanh, cùng phát triển và đóng góp thiết thực cho đất nước. BAOOV hiện có hơn 200 hội viên từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, là các doanh nhân thành đạt, có uy tín trong cộng đồng, tấm lòng hướng về quê hương.
Nhiều hợp đồng được ký kết tại Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất. Ảnh: VOV
Các doanh nghiệp kiều bào đã và đang hoạt động ngày càng mạnh mẽ và tăng cường sự gắn kết chặt chẽ với nhau và với doanh nghiệp trong nước. Tháng 6/2019, Diễn đàn kinh tế kiều bào lần thứ nhất với sự bảo trợ của Ủy ban được tổ chức tại Hàn Quốc nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam cả trong và ngoài nước trên những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, thương mại, du lịch, dịch vụ…cùng với các hoạt động triển lãm sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Bên cạnh việc thu hút doanh nhân kiều bào, Ủy ban cũng tích cực hỗ trợ các hội, nhóm, cá nhân chuyên gia trí thức trong các hoạt động đóng góp cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có nhiều gương mặt ưu tú như nhóm Giáo sư Trần Thanh Vân; nhóm giáo sư Lê Văn Cường (Pháp); các nhóm trí thức trẻ như Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Viet Challenge, Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam...Hiện số doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài là gần 3.000, đến từ Mỹ, Canada, Australia, Nga, Pháp, Séc, Hà Lan, đang hoạt động tại 50/63 tỉnh. Tổng kiều hối trong 10 năm qua đạt gần 112 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào ổn định cán cân thanh toán và phát triển kinh tế của đất nước.
Nhờ vai trò kết nối của Ủy ban, hàng năm, Việt Nam đón khoảng 300-500 lượt trí thức, chuyên gia về nước làm việc với các cơ quan giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và chuyên môn khác.
Năm 2018, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập, quy tụ 100 chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài, tạo bước đột phát mới trong đoàn kết, tập hợp chuyên gia, trí thức kiều bào hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước.
Kênh thông tin khách quan về đất nước cho người Việt xa quê
Thông qua nhiều kênh và hình thức khác nhau, Ủy ban đã giúp kiều bào có cái nhìn sát thực, khách quan về tình hình mọi mặt của đất nước, nhất là những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, tình hình biển đảo, biên giới lãnh thổ, chính sách tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền.
Ủy ban đã có nhiều hoạt động hỗ trợ và tạo điều kiện cho phóng viên các cơ quan truyền thông của người Việt Nam ở nước ngoài về nước tác nghiệp, tham gia các hội thảo, tọa đàm với các cơ quan báo chí trong nước, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của báo chí cộng đồng trong việc phản ánh đúng, khách quan về hiện thực của đất nước, đồng thời cùng giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và duy trì tiếng Việt.
Lớp tiếng Việt cho trẻ em tại Làng Sen, thành phố Odessa, Ukraina. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ủy ban đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong triển khai chính sách ngoại giao văn hóa để đưa văn hóa Việt đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bằng nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức sự kiện Tuần Việt Nam, Ngày Việt Nam; các chương trình quảng bá du lịch; các hoạt động quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, Ủy ban đã tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho hơn 200 giáo viên tại hàng chục địa bàn, bồi dưỡng đội ngũ nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt tại các nước.Đặc biệt, để giúp thế hệ kiều bào trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì tình cảm, gắn bó với nguồn cội, việc dạy và học tiếng Việt được đẩy mạnh với nhiều hoạt động phong phú thiết thực. Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban đã hỗ trợ 10.000 cuốn sách giáo khoa cấp tiểu học, gần 400 bộ sách dạy tiếng Việt, hơn 700 bộ truyện tranh lịch sử và dân gian lứa tuổi thiếu nhi cho cộng đồng tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Ủy ban, phong trào học và dạy tiếng Việt đã lan tỏa trên khắp các châu lục. Tại một số địa bàn như Séc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), tiếng Việt đã được công nhận và giảng dạy như một ngoại ngữ thứ hai, thứ ba ở các trường phổ thông nơi có đông người Việt.
Bên cạnh các hoạt động giáo dục ngôn ngữ, quảng bá văn hóa quê hương, trước nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng gắn với văn hóa dân tộc của cộng đồng ngày một phát triển, Ủy ban cũng dành sự quan tâm thích đáng, chủ động phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử các đoàn đi hoằng pháp, xây chùa và cử các vị chức sắc sang trụ trì, hướng dẫn bà con tu học theo chính pháp, phát huy tinh thần yêu nước, hướng về Tổ quốc.
Trên nền tảng kết quả công tác đạt được, thời gian tới Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần nỗ lực, sáng tạo, chủ động thúc đẩy mọi mặt công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, để đóng góp ngày một tích cực vào công cuộc phát triển đất nước và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo Thời Đại