Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến các điểm cầu tại Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ và Châu Úc.
"Ngày 15/3 là hết hạn lấy ký kiến Luật Đất đai (sửa đổi), ban soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn nhận được sự quan tâm góp ý của kiều bào", ông Nguyễn Đức Nhận, Phó Vụ trưởng Vụ đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Nguồn lực của kiều bào đối với thị trường bất động sản rất nhiều tiềm năng
Giáo sư Nguyễn Đình Phú (kiều bào Hoa Kỳ) cho rằng, việc nhà nước tạo điều kiện cho kiều bào sở hữu đất và nhà ở là việc nên làm, bởi đây là nguồn thu hút ngoại tệ. “Kiều bào sở hữu đất và nhà ở góp phần vào việc đóng thuế, phát triển các ngành liên quan”, GS Nguyễn Đình Phú chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoài Bắc (kiều bào Canada) cho rằng nguồn lực của bà con kiều bào đối với thị trường bất động sản của Việt Nam là rất nhiều tiềm năng. Mỗi năm kiều hối chuyển về Việt Nam gần 20 tỷ USD. Kiều bào cũng có mong muốn mua nhà, đất để ở, để kinh doanh quy mô lớn. Đây cũng là một kênh huy động vốn quan trọng để giải quyết dòng tiền trong xã hội, trong khi thị trường bất động sản đang rất khó khăn về tài chính.
“Việc bổ sung quy định về việc mua, bán, trao tặng nhà ở, đất ở đối với kiều bào cũng như mở rộng diện đất ở, nhà ở kiều bào được mua, bán, trao tặng vừa thỏa mãn được nhu cầu của kiều bào và người thân, vừa thu hút được nguồn vốn lớn, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, đồng thời lại xóa được mặc cảm bị phân biệt, đối xử khác với người trong nước”, ông Bắc nói.
|
|
Các kiều bào chia sẻ ý kiến tại hội nghị. |
Nghiên cứu chi phí phụ cho những mảnh đất mua với mục đích đầu cơ
Với kinh nghiệm 20 năm kinh doanh bất động sản tại Đức, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban trù bị Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Đức cho biết, tại Đức không có việc đầu cơ trong đất đai.
“Để tránh việc đầu cơ đất đai, nhà ở, Đức có một số quy định: Nếu chủ sở hữu thực hiện giao dịch mua bán đất trong khoảng từ 1-10 năm, chủ sở hữu sẽ phải trả một khoản thuế là 45%. Tức là nếu mua sau 1 năm, thấy giá lên cao mà bán sẽ phải nộp thuế là 45%. Sau 10 năm, chủ sở hữu thực hiện giao dịch mua bán sẽ không phải trả khoản thuế này," ông Hiền cho biết.
Ngoài việc đánh thuế, Chính phủ Đức còn chống đầu cơ bằng các khoản phí, đơn cử như phí xử lý thoát nước, phí quét dọn... tất cả được tính trên từng m2 đất. Với mức thuế, phí như vậy sẽ hạn chế việc đầu cơ.
"Tôi mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các mức thuế, phí cho những mảnh đất mua với mục đích đầu cơ. Bởi nếu phải nộp thuế, phí cao sẽ không thể đầu cơ”, ông Hiền kiến nghị.
Cần phải đồng bộ hóa Luật Đất đai (sửa đổi) với Luật quốc tịch một cách hài hòa
Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng cần phải đồng bộ hóa Luật Đất đai (sửa đổi) với Luật quốc tịch một cách hài hòa để đảm bảo lợi ích chính đáng cho kiều bào. Ngoài ra, cần có những quy định đặc thù trong giải quyết tranh chấp, tố tụng về đất đai xảy ra khi có ít nhất một bên đương sự là kiều bào.
|
|
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu phát biểu kết luận hội nghị. |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cho biết, Luật Đất đai rất quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và doanh nghiệp, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam.
“Nhiều ý kiến chắt lọc, gợi mở khoa học, đưa ra những kinh nghiệm quốc tế rất có hữu ích. Ủy ban sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của kiều bào để gửi lên ban soạn thảo Luật đất đai (sửa đổi)”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu kết luận tại hội nghị.
Theo thoidai