"Những ngày cận Tết thường là khoảng thời gian tôi thấy nhớ nhà nhất trong năm. Thèm một bữa cơm tất niên, thèm được cùng gia đình tất bật chuẩn bị đón Tết, thèm được ngồi trông nồi bánh chưng cùng bố và nhiều điều khác nữa", Minh Thắng, hiện sống và làm việc tại thành phố Fukuoka, phía nam Nhật Bản, chia sẻ với VnExpress.
Thắng cho biết Nhật chỉ đón Tết dương lịch, nên hầu như người Việt ở đây vẫn phải đi làm như bình thường vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam. Công việc bận rộn cả ngày khiến anh phần nào vơi bớt cảm giác nhớ quê, nhưng khi trở về phòng trọ sau một ngày dài làm việc, nỗi nhớ ấy lại trở nên da diết.
"Mỗi lần gọi điện về nhà vào dịp Tết, thấy mọi người quây quần vui vẻ, tôi thực sự chỉ ước mình có thể trở về nhà ngay lập tức", anh nói. "Nhiều lần tôi phải cố kìm nước mắt vì sợ mọi người ở nhà buồn và lo lắng".
Thắng ban đầu dự định về thăm nhà vào giữa năm 2020, nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát khiến kế hoạch bị hoãn lại. Anh sau đó hy vọng có thể về vào dịp Tết năm ngoái, nhưng dự định cũng không thành vì Covid-19 chưa hạ nhiệt và các chuyến bay về Việt Nam còn hạn chế.
Giống như Minh Thắng, vợ chồng Thu Trang ở thành phố Kobe, tỉnh Hyogo cũng mong mỏi được sum vầy với gia đình trong dịp Tết. 6 năm xa quê và 5 cái Tết xa nhà, Trang thực sự thèm cảm giác được đón Tết ở Việt Nam.
"Đối với những người con xa quê, mỗi dịp tết đến xuân sang thực sự buồn lắm, vì không thể quây quần bên gia đình, bạn bè", Thu Trang tâm sự.
Vợ chồng Trang gần như tết nào cũng phải đi làm bình thường, thậm chí có năm làm cả đêm giao thừa và sáng mùng 1. "Đôi khi muốn ăn bữa cơm tất niên hoặc đón giao thừa cùng nhau cũng rất khó, vì hai vợ chồng làm lệch ca", cô nói.
Vợ chồng cô thường tìm mua một số đồ trang trí để căn nhà nhỏ ở Kobe có thêm chút không khí Tết cổ truyền. Cô cũng cố gắng duy trì phong tục bữa cơm tất niên vào ngày cuối cùng năm cũ, với một số món ăn đặc trưng như bánh chưng, thịt gà, xôi, giò.
Được thưởng thức những món ăn cổ truyền cũng là điều mà Hoàng Thắng, người Việt sống và làm việc tại thủ đô Tokyo, mong muốn vào mỗi dịp Tết xa nhà.
"Vào những năm không thể về Việt Nam đón Tết, tôi sẽ xin nghỉ phép ngày mùng 1 để tụ tập bạn bè thưởng thức các món ăn truyền thống của người Việt, đến khu China Town ở Yokohama để dạo phố và mua sắm, bởi nơi đây có không khí Tết khá giống với Việt Nam", anh chia sẻ.
Hưng An, chàng trai Việt Nam 28 tuổi sống ở Tokyo, cũng thường gọi điện về nhà chúc Tết và nói chuyện với mọi người sau giờ làm. Đây là năm thứ ba An lỡ hẹn về quê ăn Tết cùng bố mẹ và em gái. "Khi còn học đại học ở Việt Nam, mỗi lần nhớ nhà là có thể xách balo về quê ngay. Nhưng hiện tại, điều này lại là mong ước khá xa xỉ", An nói.
An cũng cố gắng tìm lại hương vị Tết bằng cách một quán ăn Việt Nam ở Tokyo để thưởng thức món ăn quê hương và tận hưởng chút không khí xuân cùng mọi người ở đó.
Tuy nhiên, những điều này có lẽ cũng chỉ giúp người Việt xa quê dịu đi phần nào nỗi nhớ.
"Không khí Tết ở Việt Nam, cảm giác được quây quần bên người thân yêu, hay chỉ đơn giản là được ăn những món mẹ nấu là điều khó có gì thay thế được", Hoàng Thắng nói.
Tết đoàn viên có lẽ là mơ ước lớn nhất đối với những người con xa quê hương. Được ở bên những người thân yêu và đón chào năm mới, một cái Tết đơn sơ nhất cũng sẽ trở nên thật ấm cúng và đủ đầy.
"Nếu được ước một điều cho năm 2022, tôi chỉ mong dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi và mọi người có thể đi lại thoải mái hơn. Khi đó các chuyến bay cũng nhiều hơn, giá vé rẻ hơn và con đường về quê ăn Tết với gia đình cũng sẽ không còn xa nữa", Trang tâm sự.
Theo vnexpress