"Cội nguồn Việt Nam luôn hiện hữu ở mỗi trái tim người Việt"
Chia sẻ tại cuộc gặp mặt, các ý kiến kiều bào đều bày tỏ xúc động trước sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các cơ quan và đồng bào trong nước với kiều bào thời gian qua; đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những thành tựu, kết quả phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; nêu một số đề xuất, góp ý, hiến kế về cơ chế, chính sách phát triển, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc…
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đồng cảm, chia sẻ với đồng bào khi ở xa quê hương, xa Tổ quốc và trân trọng cảm ơn sự có mặt của các kiều bào tại cuộc gặp mặt. "Cội nguồn Việt Nam luôn hiện hữu trong mỗi trái tim người Việt dù ở đâu trên trái đất này" – Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Thủ tướng cho biết, ở trong nước, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của Nhân dân, tác động hết sức tiêu cực tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ của Nhân dân, chúng ta đã vượt qua những khó khăn thách thức. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, vận động các nước tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống và phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức rất nhiều chuyến bay đưa hơn 200.000 bà con về nước trong suốt 2 năm qua.
Thủ tướng khẳng định, những thành tựu quan trọng đó của đất nước có cả sự đóng góp to lớn, hiệu quả, kịp thời và đầy tình cảm, trách nhiệm đối với quê hương đất nước của hơn 5,3 triệu bà con người Việt Nam ở nước ngoài. Dù còn gặp nhiều khó khăn ở nước sở tại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn sát cánh với đồng bào trong nước, hỗ trợ phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức.
Sự đóng góp lớn lao của bà con không chỉ thể hiện qua số tiền quyên góp đến 80 tỷ đồng, hàng nghìn máy thở, hàng chục nghìn liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế khác mà còn là sự đóng góp tri thức, kinh nghiệm thể hiện qua sự sáng tạo, tư vấn cho Chính phủ để vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả.
Chính phủ sẽ có giải pháp để "đường về quê" gần hơn với đồng bào
Để tiếp nối những thành tựu đạt được trong năm 2021, phấn đấu đạt cao nhất những mục tiêu đề ra cho năm 2022, Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính phủ sẽ có giải pháp thực hiện mục tiêu "Đường về quê gần hơn" để kiều bào luôn hướng về, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục đưa ra những chính sách, thể chế, giải pháp tổng thể để chăm lo, hỗ trợ bà con, nhất là ở những địa bàn khó khăn, tạo thuận lợi để bà con, anh em, cô bác có được địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội nước sở tại bền vững và chắc chắn hơn.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh, khuyến khích các cơ quan, hiệp hội tổ chức dạy tiếng Việt ở nước ngoài, tăng cường kết nối các cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước, đóng góp xây dựng đất nước và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chính sách nhằm huy động nguồn lực, lắng nghe, tạo môi trường thuận lợi để kiều bào đóng góp trí tuệ, chất xám, khát vọng cho phát triển đất nước.
Để "đường về quê gần hơn", việc trước mắt Chính phủ cần làm ngay là tiếp tục làm việc với các nước để sớm mở lại các đường bay thương mại. Chính phủ tiếp tục yêu cầu các hãng hàng không mở rộng các chuyến bay đến nhiều nơi trên thế giới, đến nhiều địa phương của các nước để việc đi lại dễ dàng hơn.
Với tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài "là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam", Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tất cả vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Chương trình thường niên Xuân Quê hương được tổ chức tại Hà Nội vào tối ngày 22/1. Đây là chương trình Xuân Quê hương đầu tiên được tổ chức trực tiếp và trực tuyến sau 2 năm kiều bào không thể về Việt Nam do đại dịch COVID-19. Hiện có hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lực lượng doanh nhân, trí thức Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 500.000 người. |
Hải Yến