Reuters dẫn nguồn ông Serhiy Popko, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự thành phố Kyiv cho biết cuộc tấn công chưa từng có liền lệ về quy mô với "số lượng tên lửa nhiều nhất được phóng đi trong khoảng thời gian ngắn nhất".
Nhiều người Việt đang bám trụ lại Ukraine cũng cảm nhận được sự ác liệt này.
"Quen với chuông báo động"
Ông Phạm Văn Bằng (63 tuổi, Chủ tịch Hội người Việt ở thủ đô Kyiv, Ukraine) cho biết, vợ chồng ông và cộng đồng người Việt vẫn an toàn. Khi chiến sự mới nổ ra, ông có về Việt Nam sơ tán khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, ở Ukraine ông có nhà máy sản xuất bao bì, công việc liên quan đến nhiều người nên ông trở lại. Ông xác định trước xung đột có thể diễn ra trong thời gian dài nên sẽ sống chung, không còn lựa chọn nào khác.
Theo ông, thủ đô Kyiv là một trong những nơi được bảo vệ tốt nhất. Dù vậy, rạng sáng 16.5, khi đang ngủ ở nhà (chung cư ở tầng 14) ông nghe tiếng động lớn nên giật mình tỉnh dậy. Mở cửa sổ, ông thấy tên lửa bắn chi chít. Một quả tên lửa bị bắn hạ nên các mảnh vỡ rơi cách nhà ông khoảng 1km.
"Cuộc không kích lần này họ bắn nhiều loại, thời gian diễn ra chỉ khoảng 15 phút nhưng rất dồn dập. Một năm trước, mỗi khi nghe tiếng báo động vợ chồng tôi liền kéo nhau xuống hầm trú ẩn nhưng giờ đã quen rồi, chúng tôi vẫn ở nhà", ông chia sẻ.
Cũng theo ông Bằng, trước đó ít tiếng đồng hồ, khi Nga bắt đầu bắn tên lửa, điện thoại đã báo động và còi báo động vang lên khắp thành phố. Sau khoảng thời gian đó, cuộc sống của vợ chồng ông trở lại bình thường.
"Tôi ở nhà nghe rất rõ tiếng tên lửa bắn, cuộc không kích hôm đó có vẻ lớn hơn, dồn dập hơn những lần trước. Giờ tôi nói không lo cũng không đúng nhưng giờ nhà tôi tin tưởng vào số phận, cứ bám trụ lại và hi vọng một ngày không xa, cuộc sống bình yên sẽ trở lại", ông nói và cho hay hiện ông vẫn đi làm bình thường.
Ông Bằng quê ở H.Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Đại học ở Nga, ông đến Ukraine lập nghiệp và gắn bó đến giờ. Trước chiến sự, cộng đồng người Việt ở Kyiv có khoảng gần 1.000 người nhưng hiện chỉ còn khoảng 100 người do mọi người đã di tản sang nước khác.
"Nhiều đêm vẫn không ngủ được"
Ông Lê Xuân Công (ở thủ đô Kyiv, Ukraine) nhớ lại, khoảng 2 – 3 giờ sáng, ông nghe tiếng nổ rung trời. Ông không ở nhà chung cư mà ở nhà riêng 3 tầng và cảm nhận được rõ sự rung chuyển. Cả nhà phải chui xuống nơi tránh bom đạn ở khu ông sinh sống.
"Chó mèo nghe tiếng nổ chạy nháo nhác, không ai ngủ được cả. Trước đó, tôi cũng biết những cuộc tấn công nhưng không kích hôm 16.5 lớn chưa từng có. Những mảnh vỡ rơi vào các tòa nhà nhưng không gây thiệt hại lớn. Tôi đã từng là một người lính, chỉ thương vợ và các cháu nhỏ khi phải chứng kiến những hình ảnh chiến sự", ông bộc bạch.
Từ khi chiến sự nổ ra, con trai lớn và các cháu ruột của ông di tản sang Đức. Vợ chồng ông và hai con gái sinh đôi nhỏ vẫn ở lại.
Ông Trịnh Anh Tuấn (55 tuổi, ở Kharkiv, Ukraine) chia sẻ, hôm 16.5, vì nhà ông cách thủ đô Kyiv 500km nên ông không cảm nhận được tiếng tên lửa bắn. Tuy nhiên, ông vẫn nghe thấy tiếng còi báo động. Hiện ông vẫn kinh doanh, buôn bán ở chợ. Ông Tuấn có con trai lớn đang làm trong ngành an ninh của Ukraine. Chiến sự nổ ra, thay vì di tản như nhiều người, họ quyết định ở lại vì không muốn bỏ con một mình, muốn biết tình hình của con.
"Trước đây thỉnh thoảng tôi vẫn nghe tiếng tên lửa bắn. Mọi người xung quanh nghe còi báo động nhưng họ đã quen, không phải đi trú ẩn hay sợ hãi như thời gian đầu. Vợ chồng tôi vẫn an toàn", ông Tuấn thông tin.
Theo Thanh niên