"Nếu bạn nói chuyện với bất kỳ thanh niên người Mỹ gốc Việt nào bây giờ, họ có thể sẽ bày tỏ lo lắng về những thứ mà bố mẹ mình đang xem", Anh Thu Bui, một thành viên của PVIOT, nhóm các nhà tổ chức phát động Viet Fact Check, dự án kiểm tin do tình nguyện viên thực hiện.
Các kênh YouTube trở nên phổ biến ở nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt. Chúng lan truyền những thuyết âm mưu quanh đại dịch và tiêm chủng, bao gồm những lời dối trá như người đeo khẩu trang có nguy cơ nhiễm nCoV cao hơn, số người chết do Covid-19 bị phóng đại, hay nhiều người chết vì tiêm vaccine hơn là chết vì Covid-19.
Các video cũng lợi dụng sự chia rẽ chính trị trong nước và truyền bá sai thông tin về các cuộc biểu tình Black Lives Matters (Mạng sống người da màu quan trọng) mùa hè năm ngoái, cũng như cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
YouTube đã xóa một số video khi phóng viên BuzzFeed News đặt câu hỏi. Elena Hernandez, phát ngôn viên của YouTube, cho hay chính sách giải quyết thông tin sai của công ty áp dụng cho "mọi ngôn ngữ". Theo YouTube, Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách những quốc gia có nhiều video bị xóa nhất, nhưng công ty không cung cấp dữ liệu về các video có nội dung tiếng Việt tại những quốc gia khác.
Rào cản ngôn ngữ và thiếu hụt các kênh tin tức đáng tin cậy phát sóng bằng tiếng Việt và tiếng Anh là yếu tố chính khiến vấn đề trầm trọng hơn. Nhiều người thích xem các kênh YouTube hoặc Facebook đăng bằng tiếng Việt bởi cảm thấy quen thuộc và đáng tin cậy, nhưng thực tế những kênh này thường đưa sai thông tin.
"Họ coi YouTube và Facebook là thương hiệu lớn, cho rằng nếu nội dung đã được phát sóng trên YouTube thì chắc là đáng tin cậy", Diep Tran, tổng biên tập của Viet Fact Check, nói.
Các video trên YouTube phát liên tục cả ngày, đặt khán giả nào tình thế nguy hiểm. Trong khi các nhóm như PIVOT nỗ lực giải quyết thông tin sai lệch, nhiều thanh niên Mỹ gốc Việt cho hay họ đối mặt với rào cản ngôn ngữ và phản kháng khi chỉ trích thông tin sai lệch trên mạng. Vấn đề này khiến họ lo ngại cho sự an toàn của cha mẹ.
Calvin Truong, 15 tuổi, sống tại California, phải giấu bố chuyện chị gái đã tiêm chủng bởi ông tin rằng vaccine Covid-19 gây chết người, thường xuyên nói rằng "sẽ trốn sang Texas" nếu chính quyền California bắt tiêm chủng.
Tại Connecticut, bố mẹ của Peter Lai tuyên bố không tiêm vaccine, bởi video trên YouTube cho hay có thể chữa khỏi Covid-19 bằng vitamin và cam. Tại Nam California, Michelle Pham, sinh viên ngành điều dưỡng 22 tuổi, lo lắng cho mẹ, người 54 tuổi, bởi bà từ chối tiêm vaccine khi một chương trình yêu thích bằng tiếng Việt nói rằng vaccine chứa tế bào thai nhi.
"Bà nghĩ rằng vaccine sẽ không hiệu nghiệm với bất kỳ ai không phải là đàn ông da trắng, bởi video cho hay vaccine sử dụng tế bào từ bào thai nam để thử nghiệm", Pham giải thích, thất vọng vì không thể thuyết phục mẹ.
Mẹ cô biết đến các kênh này khi YouTube thêm chúng vào danh sách đề xuất video sau khi hai mẹ con xem những clip từ một chương trình âm nhạc nổi tiếng trong cộng đồng người Việt với gần 96.000 người đăng ký.
"Bà sẽ xem vài video, sau đó gọi điện cho bạn kể về nó trước khi đi ngủ", Pham nói. Cô đã cố thuyết phục mẹ, người từng làm trong ngành y tế, đi tiêm vaccine nhưng bạn của bà khuyên chớ đi.
Khi được hỏi về những thông tin Covid-19 đưa ra trong các video, chương trình do một người gốc Việt chủ trì này tuyên bố "đó là kênh truyền thông dành cho thính giả của tôi, cộng đồng của tôi, không giống những kênh thông tin khác".
Cookie Duong, 23 tuổi, người sáng tạo video TikTok, đồng sáng lập Phiên dịch viên, sáng kiến dịch những bài báo uy tín sang tiếng Việt, cho hay cô nhận được hàng nghìn bình luận từ những người trẻ tuổi trên TikTok bày tỏ bức xúc khi phải kéo gia đình khỏi ảnh hưởng của các video trên YouTube.
"Họ nói các kênh YouTube này bật trong nhà 24/7, kể cả trong bữa tối", Duong nói.
Những kênh này có lượng người theo dõi đáng kể là người Việt Nam lớn tuổi, có khuynh hướng bảo thủ và trình độ tiếng Anh hạn chế. Người Mỹ gốc Việt là nhóm gốc Á duy nhất yêu thích Donald Trump hơn Joe Biden trong một cuộc khảo sát do AAPI thực hiện trước bầu cử năm 2020.
Những video trên YouTube biết "gãi đúng chỗ ngứa" như khẳng định đảng Dân chủ có liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Duong cho hay cô thậm chí còn nhìn thấy ảnh chụp Ngoại trưởng Antony Blinken cúi chào quan chức Trung Quốc lan truyền trong các nhóm Facebook tiếng Việt, nhằm tạo cảm giác "đảng Dân chủ có vẻ phụ thuộc vào Trung Quốc".
Các kênh YouTube cũng tận dụng tội ác thù hận chống lại người Mỹ gốc Á để thúc đẩy luận điệu chống người da đen. Henry Nguyen, 33 tuổi, sống tại Hawthorne, California cùng bố mẹ, đã thuyết phục hai người đi tiêm vaccine nhưng giờ, anh hướng tới thuyết phục họ tránh xa các quan điểm chống người da màu trên YouTube.
Nguyen cho hay bố anh rất sợ ra khỏi nhà bởi các cuộc tấn công người gốc Á từ khi đại dịch bắt đầu. Ông thậm chí không dám trình báo cảnh sát từng bị đánh ở San Jose vì sợ bị người da đen và Latinh trả thù, những người mà bạn bè của ông đổ lỗi cho vụ tấn công. Nguyen cho hay nỗi sợ liên tục được nhắc lại trên các kênh YouTube tiếng Việt.
Nỗi sợ cũng cản trở nỗ lực ngăn chặn thông tin sai lệch. Các tình nguyện viên của Viet Fact Check cho hay nỗ lực ra mắt một tờ báo giấy và phát tờ rơi quảng cáo của họ gặp khó khăn bởi e ngại họ sẽ bị tẩy chay.
Duong đối mặt những vấn đề tương tự trên mạng xã hội khi làm dự án Phiên dịch viên. Trên mạng, người ta tin rằng Phiên dịch viên do "thế lực nước ngoài hậu thuẫn" nhằm phá hủy nước Mỹ. Còn ở nhà, bố mẹ bảo cô đã bị trường học "tẩy não".
Những người đang cố gắng chống lại tin tức sai lệch như Duong chỉ trích các công ty truyền thông xã hội đã bỏ qua khiếu nại về nội dung của các video. Họ thậm chí còn bị những người sáng tạo nội dung video đe dọa.
Chương trình âm nhạc nổi tiếng trong cộng động người Việt trên chuyên quảng cáo thuốc cường dương Viagra, kem trộn được quảng cáo do "người nhà tự làm" để dành cho khán giả theo dõi YouTube, người mua có thể đặt hàng qua số điện thoại trên kênh. Một người giấu tên cho biết mẹ của mình đã chi hơn 700 USD mua kem trộn từ kênh. Cô đã rất hoảng sợ khi không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về nhãn hiệu này trên mạng.
Duong đã báo cáo nhiều video chứa tin giả trên YouTube và Facebook. Cô cho hay nhiều báo cáo bị phớt lờ hoặc bị xóa do chính sách của các công ty mạng xã hội. Chính sách của Facebook nêu rõ họ không xóa bài đăng bị báo cáo đưa tin sai, còn YouTube chỉ xóa bài tùy trường hợp và mức độ nó ảnh hưởng theo đánh giá của công ty.
Viet Fact Check đã nói chuyện trực tiếp với nhân viên YouTube về các video vi phạm chính sách, đề nghị giúp tìm dịch vụ phiên dịch các video ngoại ngữ.
"Tôi nhận ra họ không coi nội dung không phải tiếng Anh là vấn đề", Dede Tran nói.
Nick Nguyen, trưởng nhóm nghiên cứu của Viet Fact Check, cho hay đã nói chuyện với các nhân viên của YouTube, những người bày tỏ họ ý thức được những thông tin sai đăng bằng tiếng Việt trên nền tảng này.
"Nhân viên muốn giải quyết, nhưng họ không đủ thẩm quyền", Nguyen nói. "Người duy nhất có thẩm quyền lại cố tình phớt lờ".
Bui tin rằng thế hệ trẻ người Việt tại Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi suy nghĩ của thế hệ trước, trên phương diện cá nhân và bằng cách tạo ra những sáng kiến cộng đồng rộng hơn. Cô cho rằng điều khó nhất để thuyết phục các phụ huynh, là họ làm điều này vì lòng biết ơn và tình thương yêu, chứ không phải sự thiếu tôn trọng.
Theo vnexpress