Ảnh minh họa. (Nguồn: Eurotopics)
Bộ trưởng Y tế Papua New Guinea Jelta Wong cho rằng tin tức giả lan truyền trên mạng xã hội Facebook là thách thức lớn nhất đối với các nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại quốc gia Thái Bình Dương này.
Trong một sự kiện trực tuyến do Viện Lowy ở thành phố Sydney (Australia) tổ chức ngày 1/4, ông Jelta Wong nhấn mạnh các bài đăng "nguy hiểm" và thuyết âm mưu chống vaccine đã cản trở nỗ lực khuyến khích người dân xét nghiệm và điều trị bệnh COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao.
Mô tả về hành vi lan truyền tin giả về dịch COVID-19 trên Facebook, Bộ trưởng Jelta Wong nói: "Khi Facebook đến Papua New Guinea, mọi người đều trở thành chuyên gia."
Trong 1 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Papua New Guinea, nước này ghi nhận khoảng 1 triệu ca nhiễm, song chỉ riêng tháng 3 vừa qua nước này có thêm 5.000 ca nhiễm mới. Theo ông Wong, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều vì tỷ lệ người đi xét nghiệm ở nước này ở mức thấp.
Hiện hệ thống y tế của Papua New Guinea đang trong tình trạng căng thẳng vì chính lực lượng y tế cũng có nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 và nhà chức trách ở thủ đô Port Moresby đã phải lập một cơ sở tạm điều trị COVID-19 tại sân vận động.
Tuần trước, Australia đã cử một đoàn chuyên gia và đưa 8.000 liều vaccine tới Port Moresby để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch ở Papua New Guinea trước khi thực hiện tiêm chủng mở rộng.
Theo giới chức y tế Papua New Guinea, có khoảng 40% trong tổng số 1.600 nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa Port Moresby đồng ý tiêm chủng, số vaccine còn lại sẽ được vận chuyển tới các điểm nóng dịch bệnh như Lae, Goroka và Vanimo.
Ngoài vấn đề có vaccine để tiêm chủng cho người dân, ông Wong cho biết một rào cản lớn là thuyết phục mọi người tiêm chủng khi mà các chương trình tiêm chủng dành cho người trưởng thành vốn đã hiếm hoi tại nước này lại đối mặt với tình trạng tin giả về virus tràn lan.
Ông Wong cho rằng Facebook phải chịu trách nhiệm về những bài đăng trên mạng xã hội này phát tán tin giả về công tác tiêm chủng phòng COVID-19 tại Papua New Guine.
Trong khi đó, Facebook cho biết công ty đã chủ động lược bỏ các thông tin sai lệch về vaccine ngừa COVID-19 và hợp tác với các chuyên gia y tế chống các thuyết âm mưu.
Theo Vietnamplus