leftcenterrightdel
 Căn lều phát đồ cứu trợ của nhóm anh Thành và anh Ngọc tại của khẩu Zosin-Uscilug cách thủ đô Warsaw của Ba Lan 350 km. Ảnh: NVCC.

Chiều muộn 26/2, anh Ngọc cùng một người khác gác lại hết công việc và cuộc sống riêng tư, đánh chuyến xe đầu tiên ra cửa khẩu Zosin-Uscilug. Chiếc lều phát hàng cứu trợ của người Việt Nam ở Ba Lan được dựng lên vào khoảng 21h30 tối 26/2, trong cái lạnh -3 độ C, sau hành trình dài 350 km của hai anh.

Anh Châu Thành - trưởng nhóm cứu trợ mà anh Ngọc tham gia - đặt tên đó là “Lều của chúng ta”. “Gọi là ‘Lều của chúng ta’ vì đó là tâm huyết và sự phối hợp của 3 dân tộc Việt Nam - Ukraine - Ba Lan”, anh Thành nói.

“Rất khổ và mệt, nhưng tôi vẫn sẽ tham gia, cho đến khi tôi không còn sức để làm nữa”, anh Ngọc chia sẻ với Zing sau khi túc trực gần một ngày không ngủ tại cửa khẩu.

Tại cửa khẩu Parkowa 5, ở Dorohusk, “Chuyến xe cứu hộ 01” của anh Nguyễn Phương đã có mặt vào lúc 7h30 sáng 27/2, sau khi vượt khoảng 300 km ngay trong đêm.

Anh và cả đoàn phải bỏ dở rất nhiều công việc để thực hiện chuyến đi cứu trợ người lánh nạn từ Ukraine sang, giữa lúc Nga thực hiện một chiến dịch quân sự nhắm vào nước này. Dẫu vậy, khi chia sẻ với Zing, anh vui vẻ đáp: “Công việc gì tầm này! Đây là lúc chúng ta cần đùm bọc nhau nhất”.

Anh Phương, anh Thành, hay anh Ngọc là 3 trong số rất nhiều người Việt tại Ba Lan đang tất bật những ngày gần đây để kêu gọi, thực hiện, hoặc đóng góp hỗ trợ cho hàng trăm nghìn người dân từ Ukraine đổ sang biên giới Ba Lan để tránh bom đạn, sau nhiều ngày Nga tấn công Ukraine.

Lòng người ấm áp nơi biên giới lạnh

Tại cửa khẩu Zosin-Uscilug, anh Ngọc và anh Thành cho biết thời tiết ban đêm có lúc xuống đến -4 hoặc -6 độ C.

“Nhiều người người đã xếp hàng khoảng 20 giờ để chờ được nhập cảnh”, anh Thành nói.

Anh Ngọc mô tả thêm: “Tôi chỉ mới trực ở đây một đêm thôi mà đã lạnh thấu xương và như kiệt sức. Vậy mà dòng người xếp hàng bên kia vạch ngăn biên giới đã phải chờ suốt nhiều ngày trời, trong cái buốt của mùa đông và trong nỗi buồn khi phải rời khỏi đất nước”.

“Trong đám đông, rất dễ nhận ra đâu là người ở Ba Lan, đâu là người từ Ukraine sang. Quan sát nét mặt họ thôi, ta sẽ hiểu được tất cả. Chỉ nhìn họ, tôi lắm lúc cũng muốn khóc”, anh nói thêm.

Tại cửa khẩu Parkowa 5, Dorohusk, anh Phương mô tả tương tự, cho biết hàng người từ Ukraine đến dài tới 30 km. Anh Phương bắt chuyện với một người đàn ông Ukraine đang đứng ở biên giới phía Ba Lan chờ đón vợ con.

leftcenterrightdel
 Một phần hàng cứu trợ người tị nạn mà anh Phương vận động được. Ảnh: Facebook Phương Oanh Nguyễn.

“Vợ tôi ở thành phố Rovno cách đây chỉ 300 km mà đi mất 2 ngày 2 đêm, nhưng chỉ còn cách cửa khẩu 900 m nữa thì xe hết xăng. Tôi phải xin biên phòng cho đi bộ sang bên kia biên giới để tiếp tế xăng cho vợ. Thật may vì họ thông cảm”, anh Phương kể lại lời người đàn ông.

Dẫu vậy, anh Ngọc tin rằng trời có lạnh đến đâu, thì tấm lòng của những tình nguyện viên - cả người Việt, người Ukraine, người Ba Lan - đang túc trực đón người tị nạn cũng đủ ẩm để chữa lành những nỗi đau mà họ phải gánh chịu.

Ngoài đồ dùng, thức ăn, các nhóm cứu trợ tập trung ở đây còn sẵn sàng cung cấp hoặc giới thiệu nơi ở cho người tị nạn. Không chỉ vậy, các dịch vụ phiên dịch, giúp làm giấy tờ, xe đưa rước miễn phí cũng được các nhóm hỗ trợ tính đến để người tị nạn có điều kiện tốt nhất.

“Mỗi giờ có khoảng 100 người qua cửa khẩu. Có người sang đến đây gặp người quen, đôi bên ôm nhau khóc. Hầu hết người con lại không có người thân. Họ được đưa ra một khu vực có rất nhiều người tình nguyện đứng chờ. Biên phòng sẽ hỏi ai nhận những người này. Nếu có người nhận, biên phòng sẽ trao tay. Họ không hề biết nhau”, anh Ngọc kể và nhấn mạnh.

Chia sẻ cái nhìn tương tự, anh Phương cho biết chỉ sau 2 tiếng vận động trên Facebook, anh đã nhận được hàng cứu trợ đủ chất đầy 2 xe buýt để chở ra biên giới, chủ yếu là đồ ăn thiết yếu như bánh mì, bơ, sữa, cà phê, chocolate, trái cây,... cùng một số quần áo.

leftcenterrightdel
Phân phát đồ cứu trợ tại một nhà thờ gần cửa khẩu Parkowa 5. Ảnh: Facebook Phương Oanh Nguyễn.

“Hàng bà con gửi đến xếp chật xe, đến muỗi cũng không chui vào được”, anh mô tả vui, ngụ ý chỉ tấm lòng đùm bọc và đầy ắp tình thương của cộng đồng người Việt nơi đất khách.

Xung quanh cửa khẩu Parkowa 5, nhà văn hóa, sân thể thao, nhà thờ, và một số công trình công cộng khác đều được trưng dụng thành nơi đón người tị nạn.

Tại Warsaw, anh Châu Thành - cùng nhóm với anh Ngọc - vẫn tất bật tổng hợp thông tin, nhận hàng, mua hàng, đóng gói, và chỉ đạo các thành viên khác - người Việt có, Ukraine có, Ba Lan có - lên kế hoạch cho các chuyến đi tiếp theo.

“Đa số người nhập cảnh vào Ba Lan là phụ nữ, người già, và trẻ em. Họ thực sự cần giúp đỡ. Điều kiện tại các cửa khẩu rất khổ, đêm lạnh, mọi người phải làm việc liên tục”, anh nói và kêu gọi thêm tình nguyện viên tham gia để “chia lửa” cùng với các nhóm cứu trợ và với người tị nạn tại cửa khẩu.

Vận động hàng hóa cứu trợ, chị Huệ Chi - sống tại Warsaw - vui mừng khi nhận được phản hồi nhanh chóng và tích cực từ cộng đồng người Việt ở Ba Lan.

“Ngạc nhiên khi chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ, tôi được hứa cho hơn 300 miếng bánh mì, trong khi chủ nhật tất cả cửa hàng đóng cửa. Sau khi chúng tôi chế biến, gần 400 người tị nạn phía bên kia cửa khẩu sẽ có miếng bánh mì lót dạ buổi sáng, sau một đêm dài lạnh lẽo xếp hàng chờ. Ấm lòng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng”, chị nói.

Các nhóm đều chia sẻ dự định tiếp tục vận động và đi đến toàn bộ 8 cửa khẩu của Ba Lan hiện nay mở cửa đón người Ukraine sang, tiếp đón và hỗ trợ họ bất kể là người Việt hay người Ukraine.

Nhiều người Việt bị mắc kẹt

Anh Phương cho biết anh và đoàn tiếp nhận rất ít người Việt từ Ukraine sang Ba Lan tị nạn. Tính đến hết ngày 27/2, đoàn anh chỉ nhận được thông tin 3 người Việt Nam đã vào đến đất Ba Lan tại cửa khẩu anh ghé ngày hôm đó. Họ đang chờ để được giúp đỡ đưa lên thủ đô Warsaw của Ba Lan.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 Hàng hóa cứu trợ mà nhóm của chị Huệ Chi vận động được. Ảnh: Facebook Hue Chi Ha Thi.

“Theo dõi các yêu cầu giúp đỡ từ cộng đồng người Việt ở Ukraine, rất nhiều người trong số họ không thể ra khỏi thành phố vì lo sợ bom rơi đạn lạc. Một số người khác không thể tìm xe hoặc không thể mua được xăng và cách quá xa biên giới”, theo anh Phương.

Trong khi đó, nhóm của anh Ngọc cho biết dù đã túc trực ở cửa khẩu Zosin-Uscilug một ngày, và cứ 1 giờ thì có khoảng 100 người được phép vào biên giới Ba Lan, nhưng anh chưa thấy có gia đình người Việt nào, tính đến hết ngày 27/2.

Những người liên lạc với nhóm anh cũng than thở về các nguyên nhân như trên.

Dẫu vậy, cả nhóm của anh Phương, anh Ngọc, anh Thành và chị Chi vẫn liên tục thông tin hỗ trợ trên các trang, nhóm Facebook của cộng đồng người Việt ở Ukraine, hướng dẫn cho những ai muốn rời đi nhưng còn gặp khó khăn.

Họ cũng sẵn sàng từ đồ dùng vật chất, đến chỗ ở tạm thời, để có thể tiếp đón đồng bào người Việt từ Ukraine sang bất cứ lúc nào, nhưng cũng chỉ ra giới hạn của họ: “Chúng tôi chỉ có thể giúp khi mọi người tới được biên giới”.

“Nhà chúng tôi không rộng, chỉ khảng 90 m2, nhưng chúng tôi sẵn sàng dành một phòng để tiếp đón một gia đình người Việt từ Ukraine sang. Tôi và các anh chị em trong nhóm cũng sẽ cố thu xếp chỗ ở, cũng như công việc tạm thời cho những đồng bào cần đến”, anh Phương nhấn mạnh.

Theo zingnews