leftcenterrightdel
Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức tặng kỷ niệm chương ông Nguyễn Ngọc Chiến, thương binh tại chiến trường Quảng Trị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) 

Nhân dịp những ngày tháng 7 tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ, đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Đức phối hợp với Hội Tân Trào tổ chức thăm hỏi và tặng quà 3 gia đình chính sách đang sống và làm việc tại thành phố Cottbus, bang Brendenburg.

Đây cũng là một trong những hoạt động truyền thống nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những đóng góp, hy sinh của các thương-bệnh binh, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thay mặt đoàn công tác, Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức và Chủ tịch Hội Tân Trào Lê Hồng Cường đã ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống của các gia đình và gửi lời tri ân sâu sắc tới những đóng góp của những người có công với cách mạng, đã chiến đấu, hy sinh hoặc mất đi một phần cơ thể để giành độc lập dân tộc.

Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức mong muốn các gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia các phong trào hội đoàn, hội nhập thành công, góp phần xây dựng quê hương thứ hai, nhưng vẫn luôn luôn giữ quan hệ gắn bó và hướng về đất nước.

leftcenterrightdel
 Ông Lê Hồng Cường, Chủ tịch Hội Tân Trào tặng kỷ niệm chương chị Nguyễn Lan Hương (váy vàng), con liệt sỹ Nguyễn Hồng Kỳ hy sinh tại chiến trường Campuchhia. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhân dịp này, đoàn cũng đã trao quà, kỷ niệm chương của Đại sứ quán và Hội Tân Trào cho các gia đình có công. Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức khẳng định với vai trò của mình, Đại sứ quán sẽ hỗ trợ hết sức trong việc thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Chiến, thương binh chống Mỹ, không khỏi bùi ngùi khi nhắc lại cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) mà ông đã tham gia.

Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng nghìn người con ưu tú, trong đó có nhiều đồng đội của ông đã mất đi một phần cơ thể, thậm chí cho đến nay vẫn còn nằm lại nơi đây. Xương máu của các anh đã hóa thân vào từng tấc đất, hòa vào sóng nước của dòng Thạch Hãn.

Cá nhân ông, dù mang trên mình tới 3 vết thương và vẫn đau nhức mỗi khi trời trở gió, nhưng ông cảm thấy mình thật may mắn khi được trở về bên gia đình và người thân sau “mùa Hè đỏ lửa” đi đã vào lịch sử Việt Nam là trận chiến khốc liệt nhất.

Chị Nguyễn Lan Hương nói trong nước mắt, chị mất cha khi mới 5 tuổi. Ký ức về người sinh thành dường như không nhớ rõ, hình ảnh cha chỉ biết qua những tấm hình cũ mờ và lời kể của mẹ. Suốt những năm tháng tuổi thơ, nỗi nhớ nhung, khao khát được gọi cha phải chôn chặt nơi đáy lòng. Người cha thân yêu của chị đã ra đi không bao giờ trở lại, chị chỉ biết mẹ và gia đình đã lấy ngày cha lên đường làm ngày giỗ.

leftcenterrightdel
 Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức (thứ ba từ phải) cùng đoàn công tác thăm gia đình chị Phạm Phương Nga (thứ sáu từ phải) là con thương binh chống Pháp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau không bao giờ nguôi. Anh Chiến, chị Hương và các thế hệ con cháu sau này sẽ mãi ghi nhớ và biết ơn những hy sinh, mất mát mà chính họ, cũng như những đồng đội, gia đình, người thân phải trải qua trong những năm tháng đất nước lầm than, đau khổ./.

Theo vietnamplus