leftcenterrightdel
Hoạt động thiện nguyện của chị Trần Thị Chang cùng Hội phụ nữ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: NVCC) 

Trong rất nhiều hội đoàn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, có một tổ chức đặc thù được phát triển rộng khắp các địa bàn là hội, nhóm phụ nữ. Dù được tổ chức bài bản hay tự phát thì những hoạt động của chị em xa quê luôn mang lại tình cảm ấm áp trong cộng đồng.

“Mái ấm” nơi xa xứ

Được thành lập từ năm 2014, trong suốt 7 năm qua, Hội phụ nữ Việt Nam tại Malaysia thực sự trở thành “mái ấm” của các chị em và lao động Việt Nam ở xứ người.

Là người sáng lập Hội, Hội trưởng Trần Thị Chang hiện đang công tác tại Viện Tim quốc gia Malaysia đã cùng hàng trăm thành viên tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm quy tụ chị em và bà con người Việt, chia sẻ với nhau những lúc khó khăn, buồn vui và cùng một lòng hướng về quê hương, nguồn cội.

Không chỉ vậy, với sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam, các chị còn quyết tâm mở lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt hoặc các cô dâu Việt tại thủ đô Kuala Lumpur.

Cũng với sự giúp đỡ của Viện Tim quốc gia Malaysia, các thành viên trong Hội còn tổ chức tư vấn sức khỏe miễn phí cho cộng đồng về các bệnh tim mạch, ung thư, hướng dẫn sơ cứu cho các bệnh nhân bị đột quỵ...

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 suốt gần 2 năm qua, Hội luôn sát cánh cùng cộng đồng, nhất là những lao động Việt Nam gặp khó khăn ở sở tại.

Đây là thời gian mà chị Chang cùng các thành viên của Hội tích cực vận động, quyên góp và đi đến tận nơi, trao tận tay hàng nghìn món quà đến với cộng đồng người Việt ở các địa bàn xa xôi như Semenyih, Kepong, SungaiBuloh, Cheras , Balakong, Seri Kembangan, GM plaza Chowkit... Những món quà tuy giản đơn nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn, mất việc làm, nhiều người Việt tại Malaysia cảm thấy rất ấm lòng và trân quý.

Mới đây, Hội phụ nữ Việt Nam tại Malaysia thực hiện được một hoạt động rất ý nghĩa là hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19 cho người Việt tại nhiều khu vực.

Chị Chang khẳng định, xa quê hương nhưng tinh thần đoàn kết, gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau luôn có ở trong trái tim người Việt Nam. Dù việc đi lại trong thời điểm dịch bệnh rất khó khăn và không an toàn, nhưng các thành viên trong Hội vẫn nhiệt tình với những việc làm để giúp ích cho cộng đồng.

Điểm tựa của cộng đồng

Gửi gắm cuộc sống mới ở Hàn Quốc - một trong những quốc gia có số lượng cô dâu Việt cao nhất trên thế giới, nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn đang hằng ngày phấn đấu để có thể sống hạnh phúc và hòa nhập tốt vào xã hội sở tại. Và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc ra đời từ nhu cầu chia sẻ, tương trợ lẫn nhau, trao đổi thông tin, văn hóa, pháp luật, ngôn ngữ... để hội nhập tốt với nơi đây.

leftcenterrightdel
 Các thành viên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Chủ tịch Hội Mai Thị Hồng Ngọc cho biết, để có thể hòa nhập thành công vào nước sở tại, những phụ nữ Việt tại xứ sở kim chi luôn phải tự tin, vượt qua giới hạn của bản thân, tích cực học hỏi và có ý thức phấn đấu. Đó là lý do mà chị luôn khuyến khích các chị em quan tâm đến những khóa học như “phát triển bản thân”, “nói tiếng bản địa thành thạo” hay “trở thành thành viên của đội hỗ trợ nhân quyền phụ nữ”...

Các chị còn tổ chức chương trình giao lưu hướng dẫn Luật xuất nhập cảnh, Luật lao động, các thông tin bổ ích cho các chị em, tổ chức đi xem phim, ca nhạc để hiểu biết sâu hơn về văn hóa bản địa...

Sống xa quê hương nhưng những người phụ nữ ấy vẫn không quên nguồn cội. Từ ngày thành lập Hội đến nay, các chị thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa ý nghĩa và đứng ra phát động quyên góp hỗ trợ thiên tai bão lụt, các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại quê hương.

Đặc biệt, các chị đã tổ chức thành công chương trình gây quỹ tình thương và trực tiếp mang quà về thăm các cháu mồ côi, trao học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, hộ nghèo khắp các miền Bắc Trung Nam.

Thời gian gần đây, các chị em luôn là những nhân tố tích cực cùng với Hội người Việt Nam phát động các chương trình hướng về Tổ quốc. Họ đã phát động chương trình “Trao gửi yêu thương”, phối hợp cùng các tổ chức cộng đồng của người Việt tại Hàn để gây quỹ ủng hộ bằng hình thức trao tặng các phần quà như: Thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang phòng dịch... tiếp sức cho quê hương trong cuộc chiến chống Covid-19.

Dù cuộc sống ở đất khách quê hương còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi người đều mong muốn được đóng góp và chia sẻ tình yêu thương cùng quê nhà.

Tâm tình của những bà mẹ Việt

Nếu như ở quê hương có những hội nhóm như Hội các bà mẹ bỉm sửa, Hội các bà mẹ đơn thân... thì ở xứ người, phụ nữ Việt cũng tìm đến nhau bằng những hội nhóm tự phát như vậy.

Điển hình như nhóm Mẹ Việt tại Australia do chị Nguyễn Bảo Châu hiện đang sinh sống ở Melbourne thành lập với mong ước được đóng góp một phần nào đó để cùng xây dựng tình cảm đoàn kết, thân ái giữa các bà mẹ người Việt đang sống tại đây.

Là nơi gặp gỡ giao lưu, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau về mọi mặt trong cuộc sống cũng như chia sẻ các kinh nghiệm nuôi dạy con trẻ tại xứ người, hiện nhóm thu hút hơn 12.000 tham gia. Những hoạt động của các bà mẹ càng ý nghĩa hơn vào lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến cuộc sống của những người Việt tại Australia, đặc biệt những người mẹ và lao động thất nghiệp.

Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, có hai nhóm đối tượng được các chị quan tâm hỗ trợ là người già neo đơn và các mẹ có con nhỏ bị mất việc. Bởi vậy, những ai thực sự cần giúp đỡ chỉ cần gọi đến đường dây nóng của nhóm là có thể nhận được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong mùa dịch. Các thành viên của nhóm còn hỗ trợ nơi ở cho các bà mẹ vô gia cư.

Những ngày này, nhóm Mẹ Việt tại Australia vẫn miệt mài với hoạt động vận động quỹ nhằm tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và bà con gặp khó khăn do dịch bệnh ở quê hương.

Hiện hoạt động hỗ trợ của nhóm đã mở rộng tại tất cả các tiểu bang trên toàn Austraila với mong muốn cộng đồng người Việt cùng chung tay giúp nhau vượt qua dịch bệnh.

Chị Châu chia sẻ: “Tôi luôn động viên chị em phải tự hào khi được sinh ra và ở lên ở mảnh đất hình chữ S và cần thể hiện cho các con biết được tấm lòng của mẹ dành cho quê hương xứ xở như thế nào”.

leftcenterrightdel

Chị Nguyễn Bảo Châu (ở giữa) cùng chị em trong nhóm Mẹ Việt tại Australia tham gia các hoạt động tình nguyện mùa dịch. (Ảnh: NVCC) 

Cùng với nhóm Mẹ Việt tại Australia, Tiệm Mọt cũng là minh chứng rằng những người phụ nữ Việt luôn có cách để tìm đến nhau. Đây là dự án tuyệt vời của 5 người đang sinh sống ở Phần Lan, Pháp, Thụy Điển, Na Uy và Đức. Dù mỗi người một nơi nhưng họ đã gặp nhau ở niềm đam mê sách và mong muốn gìn giữ vốn tiếng Việt cho con mình khi lớn lên ở nước ngoài.

Được khởi xướng từ ý tưởng của chị Quỳnh Hạnh (Phần Lan), Tiệm Mọt may mắn đã được những người bạn là Ngọc Linh (Thụy Điển), Thu Hà (Na Uy), Thu Mai (Pháp), Quỳnh Trang (Đức) ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, tủ sách yêu thương này đã dần dần có mặt tại nhiều nước châu Âu và Canada.

Có thể nhìn thấy ở Tiệm Mọt những cuốn sách tiếng Việt dễ tiếp cận với các độc giả ở châu Âu và những cuốn sách về Việt Nam, phần nào làm dịu bớt nỗi nhớ nhà và giúp các em nhỏ lớn lên xa quê hiểu thêm về đất nước quê hương mình.

Các chị hy vọng dự án Tiệm Mọt sẽ góp phần đưa tiếng Việt đi thật xa, giữ gìn nét đẹp của tiếng mẹ đẻ trong trái tim mỗi người con xa xứ.

 Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm thứ 4:

"Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam".

Theo baoquocte