Quy định “ngặt nghèo” 
Để phòng dịch Covid-19, tiểu bang California đưa ra quy định các nhà hàng phải in thực đơn giấy sử dụng một lần hoặc thực đơn trên mạng để khách có thể xem trên điện thoại. Nếu không, nhà hàng phải khử trùng các quyển thực đơn trước và sau khi khách xem.
Nhà hàng Nha Trang ở San Jose chỉ bán cho khách mang về trong mùa dịch Covi-19.

 

Dao, nĩa, khăn giấy, lọ gia vị, nước sốt và các món tráng miệng như kẹo, bánh không được bày sẵn trên bàn như trước. Nhân viên sẽ đem ra cho khách khi dọn món ăn hay khi khách yêu cầu. Các loại nước sốt phải được đựng trong hộp nhỏ, đủ một phần cho khách. Nếu không làm được điều đó, nhà hàng vẫn có thể để chai lớn dùng chung nhưng phải khử trùng sau khi khách sử dụng.
Đường phố ở San Jose vắng lặng vì dịch Covid-19

 

Nhà hàng cũng phải khuyến khích thực khách đặt bàn và món ăn trước. Các món ăn trước đây được nấu hoặc bày biện tại bàn thì nay không được phép thực hiện. Đây là quy định dành riêng cho các nhà hàng dimsum, hibachi kiểu Nhật và sushi băng chuyền. Do đó, thực khách cũng không được lấy thức ăn cùng một nơi như quầy salad, quầy bar hoặc buffet.
Thêm vào đó, thực khách chỉ ngồi bàn chung với gia đình và bạn bè. Các loại bàn ghép để ngồi chung với người không quen biết sẽ không còn. Thực khách được khuyến khích đeo khẩu trang khi di chuyển trong nhà hàng, trừ khi ngồi vào bàn ăn, uống. Khoảng cách giữa các bàn ăn và người với người là 6 feet (gần 2m).
Chị Helen Nguyễn (Nguyễn Thị Minh Huyền, chủ nhà hàng Phở Hà Nội ở hạt Santa Clara, bang California) cho biết, hiện ở California vẫn chưa cho mở nhà hàng lại và cũng không biết khi nào được mở.

Chuẩn bị cho ngày đón khách trở lại

Trước những quy định nghiêm ngặt được đưa ra, chia sẻ với Thanh Niên, các chủ nhà hàng Việt tại Mỹ cho biết đang gấp rút chuẩn bị để sẵn sàng mở cửa hoạt động trở lại.
Chị Nguyễn Xuân Hồng (45 tuổi, định cư ở Mỹ hơn 20 năm và mở nhà hàng Nha Trang ở San Jose, California được 15 năm) cho biết chị đã nhận được thông tin về những quy định khi nhà hàng được phép hoạt động trở lại.
Chị cho biết hiện tại nhà hàng chị vẫn hoạt động nhưng theo hình thức cho khách mang đi chứ không nhận khách ngồi lại ăn. Để tuân thủ theo quy định, nhà hàng của chị Hồng yêu cầu khách giữ khoảng cách an toàn khi ăn trong tiệm. Nhà hàng cũng lau dọn và khử trùng thường xuyên.
Trong thời gian tạm nghỉ buôn bán, nhiều nhà hàng Việt Nam trở thành nơi nấu đồ ăn miễn phí cho các bệnh viện

 

Chị cũng trang bị cho nhân viên nước rửa tay, khẩu trang, huấn luyện cho nhân viên làm việc theo quy định mới. Nhà hàng chuyên về món ăn Việt Nam của chị Hồng khá lớn nhưng chị cho biết sẽ giảm số lượng bàn ghế để đảm bảo khoảng cách giữa khách hàng, bố trí in thực đơn dùng một lần, trang bị thiết bị đo nhiệt độ.
Chị Hồng hoặc quản lý của nhà hàng sẽ trực tiếp kiểm tra thân nhiệt hàng ngày đối với khách hàng và nhân viên.
“Bây giờ chưa có thông báo chính thức để hoạt động bình thường trở lại nhưng mình cũng sẽ cố gắng để tuân theo những quy định mà Chính phủ ban hành để phòng dịch Covid-19 được tốt nhất. Tình hình này kéo dài thì lượng thu nhập ít hơn trước rất nhiều nhưng tôi chấp nhận điều đó”, chị nói.
Chị Xuân Hồng (chủ nhà hàng Nha Trang) cho biết chị đang gấp rút công tác chuẩn bị để nhà hàng đón khách ngồi lại tại quán

 

Cũng bị thiệt hại doanh thu vì dịch Covid-19, anh Việt Phạm (38 tuổi, chủ nhà hàng The Recess Room) chia sẻ: “Thời gian dịch bệnh diễn ra chúng tôi chỉ được phép làm món ăn và bán mang đi cho thực khách, như vậy nên việc kinh doanh không được thuận lợi như trước đây khiến thiệt hại mỗi tháng là khoảng 200.000 USD. Tôi biết tất cả các nhà hàng không chỉ riêng chúng tôi đang vật lộn vì mất doanh số. Là một người chủ nhà hàng rơi vào tình hình này tôi cũng cảm thấy buồn vui lẫn lộn nhưng luôn đầy hy vọng qua nhanh thời gian dịch”.
Với anh, điều quan trọng là các biện pháp an toàn tại chỗ cho khách, còn lợi nhuận xếp sau. Khi mở bán, anh phải giữ khoảng cách cho khách, giới hạn công suất chỉ còn 50% so với trước đây. Đặc biệt, đeo khẩu trang là việc không thể thiếu.
“Về điều mà Chính phủ vừa ban hành, tôi biết phải chú ý đến sự an toàn của khách hàng trước tiên nên tôi sẽ chấp thuận”, anh Việt bày tỏ.
 Chị Helen Nguyễn nhận định với những quy định như phục vụ cho khách mà đứng cách xa 6 feet (hơn 1,8m), bàn kê cách nhau cũng 6 foot, rồi khi nào ăn mới được tháo khẩu trang thì không mở nhà hàng tốt hơn. Vì bán hàng trong tình trạng như vậy không đủ lượng khách đến nhà hàng, làm sao trả tiền thuê nhân viên? Nếu như vậy thì thà đóng cửa hoặc chỉ bán mang đi như hiện nay.
Trong thời gian dịch bệnh, nhà hàng Phở Hà Nội của chị Helen Nguyễn bán dạng mang đi, hạ giá thật rẻ để nhiều người mua được. Nhà hàng chị cũng được Chính phủ hỗ trợ 10.000 USD và chị cũng đã chia bớt lại cho nhân viên.
Trước đây, chị đã tặng nhiều suất ăn cho các bác sĩ, y tá ở bệnh viện nên giờ đây, họ đã đặt hàng phần ăn từ nhà hàng chị với 450 suất/tuần do đồ ăn Việt quá ngon. Tuy nhiên, chị vẫn bán giá thật rẻ để hỗ trợ, vì chính các đội ngũ bác sĩ, y tá hiện nay cũng rơi vào khó khăn do bệnh nhân ít.

Theo Thanh Niên