Bé Ba Dương với tiết mục độc tấu đàn bầu ''Việt Nam quê hương tôi''
Được tổ chức lần đầu tiên nhưng Hội Phụ huynh và Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã quy tụ được hơn 30 tài năng trẻ và số lượng khán giả lên tới gần 500 người.
Chương trình của Music Festival khá phong phú với hát, nhảy hip hop, ballet hiện đại, độc tấu piano, đàn bầu... Nhiều em tham gia chương trình đã từng đoạt các giải thưởng về nghệ thuật tại các cuộc thi ở tỉnh, thành phố, quốc gia và quốc tế.
Ông Hà Minh Xuân, đại diện Ban Tổ chức Music Festival, cho biết: Hội Phụ huynh là một nhóm người làm cha làm mẹ có con đang ở lứa tuổi thanh thiếu niên, mới tụ họp với nhau để thực hiện ý tưởng tạo ra một cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các cháu là thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba tại Séc.
Theo ông Xuân, nhiều cháu rất có tài năng, gặt hái thành công trong các cuộc thi tài với bạn bè Séc và quốc tế nhưng lại chưa được biết đến trong cộng đồng người Việt tại Séc. Bản thân các cháu cũng chưa hiểu làm thế nào để đóng góp tài năng và sự nhiệt tình của mình cho các hoạt động văn hóa-văn nghệ của cộng đồng.
Bà Trần Bạch Hường, có con trai là Daniel Nguyễn từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nhảy hip hop tại Séc và ở nước ngoài, là một trong những bậc phụ huynh nhiệt tình đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần cho Music Festival. Theo bà Trần Bạch Hường, Music Festival là một sân chơi lành mạnh, thiết thực để thanh thiếu niên người Việt ở Séc gặp gỡ nhau, thể hiện với nhau tài năng về nghệ thuật và thông qua đây các cháu có cơ hội tiếp cận các hoạt động của cộng đồng.
Hiện nay trong các gia đình người Việt ở Séc đang diễn ra tình trạng bố mẹ, ông bà ít hòa nhập với xã hội sở tại mà gắn kết với các tổ chức, đoàn thể của những người đồng hương, còn con cháu lại xa rời cộng đồng người Việt và nhiều cháu nói tiếng mẹ đẻ rất kém.
Bé Phương Thảo với bài hát "Chào Việt Nam"
Thông điệp của Music Festival Hội Trẻ Làng Chuối được thể hiện qua nội dung của bộ phim ngắn "Mất gốc" được chiếu vào đầu chương trình. Đây là tác phẩm đầu tay của Dương Việt Đức, sinh viên ngành quay phim-đạo diễn.
Đức sang Séc từ nhỏ, dần dần quên tiếng mẹ đẻ và có tư duy, lối sống như một người Séc. Đến một ngày nhận ra sự mất gốc của mình, Đức quyết định về Việt Nam để học lại tiếng Việt và em đi xe ôm, taxi dọc theo đất nước để quay những cảnh đẹp, những công trình kiến trúc, văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm tự nhắc nhở về nguồn cội.
Tên của bộ phim "Mất gốc" cũng là lời cảnh tỉnh chung đối với Hội Làng Chuối.
vietnamplus.vn