M. thân mến,

Khác hẳn sự sôi động lộng lẫy của lễ khai mạc Olympic, khai mạc Paralympic tối 28/8 đã diễn ra ngọt ngào, rung động. Với chủ đề “Nghịch lý” và chọn quảng trường Concorde (hòa hợp) khai mạc Paralympic, đạo diễn Thomas Joly giải thích quảng trường Concorde - biểu trưng cho Cách mạng 1789, nơi đặt máy chém nhà vua và hoàng hậu - ban tổ chức Paralympic Pháp muốn nói đến cuộc “cách mạng” khác. Đó là sự thay đổi cách nhìn người khuyết tật - những người bị xem khiếm khuyết phần nào đó sẽ chứng minh phần năng lực họ có thể.

Với chủ đề “Nghịch lý” và chọn quảng trường Concorde (hòa hợp) khai mạc Paralympic, ban tổ chức Paralympic Pháp muốn nói đến cuộc “cách mạng” khác: sự thay đổi cách nhìn người khuyết tật
Với chủ đề “Nghịch lý” và chọn quảng trường Concorde (hòa hợp) khai mạc Paralympic, ban tổ chức Paralympic Pháp muốn nói đến cuộc “cách mạng” khác: sự thay đổi cách nhìn người khuyết tật

Vốn nổi tiếng là đất nước văn minh, khi nghe câu “Mời mọi người đứng lên, nếu có thể” lúc chào cờ khai mạc Olympic, mình không lưu ý lắm nhưng nghe lại ở Paralympic, mình cảm ra tính nhân văn của câu nói lưu tâm, giải tỏa sự áy náy của những người không thể đứng. Chi tiết nhỏ nhưng là chỉ dấu lớn cho xứ sở tôn trọng sự khác biệt. Sự tôn trọng đó đã diễn ra trong các cuộc thi đấu khiến khán giả dù xem trực tiếp hay qua vô tuyến đều rưng rưng, khi nhìn các vận động viên hết mình thi đấu với thân thể khiếm khuyết, khi 2 nữ taekwondo đối thủ ôm nhau bằng cánh tay cụt. Đến với Paralympic, mình không phải để thưởng thức tài năng mà để tỉnh thức quyền năng ý chí.

Xem Paralympic, nhìn từng khung hình nâng niu sức mạnh nhân văn, mình bỗng nhớ phim tài liệu Khoa của đạo diễn Phan Huyền Thư được Liên hoan phim phụ nữ Créteil mời đến Pháp năm 2006. Phim nói về nữ vận động viên khuyết tật nhưng người xem chỉ thấy sự rạng rỡ. Hỏi vì sao có sự rạng rỡ đó, Thư nói: “Em nghĩ phim tài liệu là phép ẩn dụ của cuộc sống, nơi người ta có thể thông qua một sự thật để thấy nhiều sự thật khác. Điện ảnh tài liệu là thể loại mang tính tác giả rất cao. Nếu em nhìn thấy nhân vật của em đi dép đứt quai, ngón tay cái bị cụt, múc nước giếng bằng mũ sắt chống đạn...; chắc chắn khán giả của em bắt buộc phải nhìn thấy những chi tiết đó. Chị xem Khoa, thấy cô ấy lành lặn, bình đẳng với chúng ta về mọi mặt vì em muốn giấu đôi chân tàn tật của cô ấy trên màn ảnh. Em hỏi khán giả có thấy thương Khoa không. Mọi người nói: Không, chỉ thấy khâm phục sự phi thường”.

Paralympic Paris cũng vậy, bình đẳng và phi thường.

Khi Paralympic Paris 2024 khai mạc, nước Pháp đã 45 ngày không có chính phủ chính quy. Tình hình chính trị nước Pháp hoàn toàn bế tắc khi tại Quốc hội mới bầu lại ngày 7/7 không có đảng phái hay liên minh đảng phái nào đủ đa số để thành lập chính phủ mới. Đây là ngõ cụt của chính quyền Macron sau khi tổng thống quyết định giải thể Quốc hội hôm 9/6, kết quả bầu cử lại xác nhận tuyệt đại đa số công dân không còn tin tưởng chính quyền. Tình hình suy thoái kinh tế thế giới sau dịch, lẫn chính trị Pháp dẫn theo nhiều hệ lụy trực tiếp vào đời sống: lạm phát, sức mua giảm, chợ búa vắng hẳn những mặt hàng không thiết yếu như hoa tươi, quần áo…Đời sống khó khăn, cướp vặt, lừa đảo tinh vi, táo tợn.

Nhưng nước Pháp rất lạ, cứ như mọi vấn đề không liên đới: suy thoái kinh tế, lòng dân bất an, Olympic vẫn diễn ra, các chủ trương văn hóa, dân sinh, môi trường vẫn tiếp tục, ví như chủ trương xanh hóa thủ đô. Mặc dù có mục tiêu chuẩn bị Olympic phải đẩy nhanh tiến độ nhưng phong trào xanh hóa đô thị đã manh nha nhiều năm trước và tiếp tục kéo dài. Trở lại Paris sau 8 tháng, mình có cảm giác thành phố xanh hơn, thậm chí vài chỗ cây lá tự do rậm rạp thay vì bị tỉa cắt, màu xanh đôi khi chỉ là dây leo, cỏ dại… Paralympic rồi sẽ kết thúc, những ngày vui rồi sẽ qua, những khó khăn sẽ lại trồi lên. Nhưng như lịch sử chứng minh, văn hóa nhân văn của một đất nước vẫn là nền tảng, nước Pháp vẫn sẽ vượt lên khó khăn bằng nền tảng văn hóa của mình.

Là người Việt, mình còn quan tâm sự kiện khác liên quan thời điểm này. Đó là phiên tòa phúc thẩm vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Phiên tòa bất lợi cho nguyên đơn nhưng bà Tố Nga và các luật sư sẽ tiếp tục tìm lại công bằng cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam. Phiên tòa này có thể không chiến thắng nhưng chúng ta không bỏ cuộc, như Madeleine Riffaut từng nói: “Người đấu tranh không bao giờ thua. Kể cả khi chúng ta chết đi thì chúng ta cũng thắng, bởi chúng ta đã giành được nhân phẩm”.

Theo phụ nữ TPHCM