Sau nhiều năm lưu lạc, Khudadadi - người đã phải chạy trốn khỏi Afghanistan khi Taliban chiếm thủ đô Kabul - may mắn được nước Pháp đón nhận và tham gia thi đấu môn taekwondo ở hạng cân 47kg dành cho nữ tại Thế vận hội người khuyết tật (Paralympic Paris 2024) khai mạc ngày 28/8.

“Đây là cơ hội để truyền thông điệp rằng phụ nữ và trẻ em gái có nhiều giá trị hơn những gì Taliban tạo ra; để chứng minh rằng phụ nữ Afghanistan mạnh mẽ và có thể đạt được những điều tuyệt vời” - cô gái 25 tuổi nói.

Vận động viên taekwondo Zakia Khudadadi (Afghanistan) tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật 2024 ở Paris - Nguồn ảnh: IPC
Vận động viên taekwondo Zakia Khudadadi (Afghanistan) tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật 2024 ở Paris - Nguồn ảnh: IPC

Thế giới biết đến Khudadadi lần đầu tại Paralympic Tokyo 2021. Tại Paralympic Paris 2024, cô tham gia với tư cách thành viên đội tuyển người tị nạn của Ủy ban Olympic quốc tế. Mục tiêu của họ không đơn thuần là những tấm huy chương.

“Tôi đã sống sót sau khi đối mặt với tất cả hiểm nguy, từ Taliban, các trạm kiểm soát vũ trang... Giờ đây tôi ở đây để lên tiếng cho những người không thể lên tiếng ở Afghanistan. Tôi ở đây để đấu tranh cho phụ nữ Afghanistan và để chứng minh rằng ngay cả khi đối mặt với chiến tranh, chúng tôi vẫn mạnh mẽ và không thể im lặng” - Khudadadi nói.

Filippo Grandi - Đại diện Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn - nói: tại Paralympic Paris 2024, đội tuyển người tị nạn sẽ tỏa sáng với tư cách là “nguồn cảm hứng cho mọi người”.

Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế Andrew Parsons nói đội tuyển là một trong những câu chuyện tuyệt vời của Paralympic Paris 2024. Mỗi vận động viên trong số họ đã vượt qua những khó khăn lớn để hiện diện và mỗi người đều có một thông điệp để chia sẻ với thế giới.

Đội tuyển người tị nạn có 8 vận động viên và 2 huấn luyện viên (ở lần ra mắt đầu tiên tại Paralympic Rio 2016, đội tuyển chỉ có 2 thành viên). 8 người tị nạn được tiếp nhận tại 6 quốc gia sẽ thi đấu 6 môn gồm: điền kinh, cử tạ, bóng bàn, taekwondo, 3 môn phối hợp và đấu kiếm trên xe lăn.

Ước tính, thế giới có ít nhất 18 triệu người khuyết tật đã phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh, xung đột, bạo lực và vi phạm nhân quyền. Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ bạo lực, phân biệt đối xử, bóc lột, lạm dụng, các rào cản trong việc tiếp cận các cơ hội hỗ trợ, trợ giúp, giáo dục, thể thao và sinh kế.

Đội tuyển người tị nạn tại Paralympic Paris 2024 đã gửi đến hàng triệu người tị nạn trên toàn thế giới niềm hy vọng về một cuộc sống tốt hơn, nghị lực để vượt qua những nghịch cảnh mà họ đang gánh chịu.

Theo phụ nữ TPHCM