|
|
Một điểm xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 ở Singapore, ngày 28/9. Ảnh: Reuters. |
“Tôi đã mong mỏi trở lại cuộc sống bình thường, được lên công ty làm việc, tụ tập với bạn bè, đồng nghiệp. Thế nhưng nới lỏng chưa được bao lâu thì tôi lại phải tiếp tục làm việc ở nhà. Một số kế hoạch và dự định của tôi tiếp tục bị hoãn lại”, Nguyễn Trâm (28 tuổi), lao động Việt tại Singapore, chia sẻ với Zing. Cô không giấu thất vọng khi chính phủ Singapore quyết định thắt chặt các hạn chế về Covid-19, dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đã đạt khoảng 82% dân số.
Sau đợt triển khai vaccine thành công và đại dịch phần nào được kiểm soát nhờ các quy định nghiêm ngặt, Singapore vào tháng 8 đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang sống chung với Covid-19.
Các quan chức Singapore đã tính toán chương trình xét nghiệm của họ đủ toàn diện để phát hiện nhanh chóng các ổ dịch mới, trong khi chiến dịch tiêm chủng cũng đủ tốt để giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện. Hệ thống y tế cũng được cho là đủ mạnh để đối phó với bất kỳ sự gia tăng số ca bệnh nào.
Đầu tháng 9, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nói: “Chúng ta đang trên con đường chuyển đổi sang một cuộc sống bình thường mới với Covid-19”.
Tuy nhiên, họ đã không thể lường trước được sự bùng phát quá nhanh của biến chủng Delta. Dù chính phủ Singapore đã nhanh chóng ứng phó với đợt bùng phát từ một số quán karaoke và một chợ hải sản lớn, họ vẫn không thể kìm hãm sự lây lan của virus.
Số ca nhiễm tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Hơn 30.000 ca mắc mới đã được ghi nhận trong vòng 29 ngày, tính đến ngày 1/10, ở quốc gia 5,5 triệu dân. Bộ Y tế dự đoán số ca mắc mới hàng ngày có thể vượt quá 3.200 ca trong những ngày tới với tốc độ lây lan hiện tại, và thậm chí có thể lên đến 5.000 ca vào khoảng giữa tháng 10.
Hiện tại, có 34 người đang phải điều trị trong ICU và con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng.
Chính phủ đã thắt chặt một số biện pháp hạn chế, giảm quy mô nhóm tụ tập và ăn uống trong nhà hàng kể từ ngày 27/9 đến ngày 24/10 nhằm làm chậm sự lây lan trong cộng đồng.
“Tôi thất vọng”
Đầu tháng 7, khi nghe tin Singapore đang xem xét kế hoạch sống chung với Covid-19, Trâm tỏ ra rất háo hức và mong chờ. Là người thích giao lưu xã hội, chị vui mừng nghĩ đến ngày được lên văn phòng thoải mái, những buổi tụ họp hay các kế hoạch du lịch.
Khi một số hạn chế được nới lỏng, chị thậm chí đã làm đơn xin visa để đi Mỹ vì chị đã được tiêm vaccine đầy đủ như phần lớn người ở Singapore khác.
“Thế nhưng vì số ca nhiễm tăng quá cao, chính phủ trở lại siết rất chặt các hạn chế dù tỷ lệ tiêm chủng cao. Các dự định và mong mỏi của tôi buộc phải dời lại khiến tôi khá thất vọng”, Trâm chia sẻ.
|
|
Nguyễn Trâm (28 tuổi), lao động Việt Nam tại Singapore. Ảnh: NVCC. |
Tử Khuyên, một kỹ sư và công nhân người Việt tại Singapore, chia sẻ tương tự.
“Tôi đã dự định đi học thêm bằng lái ôtô với sự hỗ trợ của công ty một khi Singapore bước vào cuộc sống bình thường mới. Thế nhưng, khi chính phủ quyết định siết chặt hạn chế, công ty không hỗ trợ nữa và tôi không biết khi nào mới có thể hoàn thành dự định này”, anh nói.
Bên cạnh những dự định nhỏ xung quanh cuộc sống thường ngày, anh cho biết các kế hoạch lớn hơn như về thăm gia đình, đưa người yêu về nước để ra mắt gia đình và cưới hỏi, đi du lịch và thăm bạn bè ở nước khác,... cũng đã bị hoãn lại vô thời hạn, không chỉ do chuyển biến ở Singapore, mà còn do tình hình dịch bệnh phức tạp ở Việt Nam.
“Chết đói cũng là chết”
Theo Bộ Y tế Singapore, đại đa số - hơn 98% - người bị nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, và chỉ có 0,3% cần chăm sóc ICU hoặc tử vong.
|
|
Một điểm tiêm ngừa Covid-19 ở Singapore. Ảnh: Business Times. |
“Rất nhiều bạn bè của tôi đã bị mất việc, thất nghiệp”, chị nói với Zing, cho biết mình may mắn hơn rất nhiều bạn bè vì làm trong một công ty ổn định hơn. “Tôi hiểu rằng chính phủ đang lo sợ đất nước sẽ bùng dịch mạnh như Indonesia, Việt Nam, Philippines, nhưng với tỷ lệ tiêm chủng cao như hiện nay, cũng như số người bị bệnh nặng rất ít, tôi không hoan nghênh việc siết chặt hạn chế này”.
Trâm hiểu rằng lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của những người dễ tổn thương là điều quan trọng, nhưng chị cho rằng chính phủ cũng nên cân nhắc thiệt hơn và suy nghĩ cho những người bị mất việc.
“Đói mà chết thì cũng là chết”, chị nói.
Tuy biết rằng chính phủ Singapore đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh để bảo vệ người dân, Tử Khuyên cũng không khỏi buồn rầu khi các biện pháp hạn chế bị siết chặt trở lại, khiến kế hoạch sống chung với Covid-19 bị chững lại.
Anh cho biết trong đợt dịch năm ngoái, có thời điểm anh chỉ được đi làm 3 ngày một tuần. Sau đó, tuy tình hình dịch bệnh có ổn hơn, mức lương của anh và đồng nghiệp cũng bị giảm 20%.
“Tôi đã mong mỏi ngày mở cửa và sống chúng với dịch. Khi đó, thu nhập của chúng tôi có thể cải thiện lại. Thế nhưng, dịch tiếp tục bùng lên, thậm chí lớn hơn các đợt dịch trước đây. Điều này khiến tôi thật sự thất vọng, kèm với đó là sự lo lắng”, anh nói với Zing. “Các công ty tiếp tục bị đặt vào nguy cơ phá sản. Công nhân như chúng tôi lại không được tăng ca, lương lậu bị cắt giảm, và tiếp tục lo sợ mất việc”.
Theo zingnews