leftcenterrightdel
Các nhà chức trách khuyến nghị cho phép bên thứ 3 đăng ký lệnh bảo vệ cho các nạn nhân trong trường hợp cấp bách để bảo vệ tính mạng và sức khỏe tâm lý của họ. Ảnh minh họa: ST FILE. 

Theo Straits Times, một phụ nữ 60 tuổi ở Singapore phải chung sống với người chồng bạo hành hơn 40 năm qua.

Người chồng đánh đập bà ngay từ những ngày đầu kết hôn, khiến bà sảy thai khi còn trẻ, còn gãy xương sườn trong thời gian gần đây.

Người này từng nhận mức án một năm tù giam vì tội lạm dụng, nhưng tiếp tục trút giận lên vợ ngay sau khi được thả tự do.

Kristine Lam, nhân viên công tác xã hội tại Care Corner Project StART, cho biết sau 5 năm cố gắng thuyết phục, người vợ vẫn từ chối rời bỏ bạn đời hay xin lệnh bảo vệ cá nhân (PPO) để cấm hành vi bạo lực từ chồng.

"Bà ấy cảm thấy có lỗi vì không thể sinh con cho chồng. Cuộc sống của người phụ nữ này chỉ xoay quanh bạn đời. Dù biết rằng chồng có thể đánh chết mình, bà ấy chỉ nhẫn nhịn", Lam kể.

Kristine Lam cho biết nhiều phụ nữ chọn cách im lặng khi bị bạo hành gia đình vì sợ hãi, hoặc lo lắng người thân có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tố cáo.

Trước đây, cô từng gặp trường hợp một bà nội trợ ở độ tuổi 30 đã 2 lần chạy trốn khỏi đòn roi từ người chồng bạo lực nhưng không thành công.

Anh ta lần theo dấu vết của cô, dọa giết mẹ mình và đe dọa làm hại 3 đứa con nếu cô bỏ đi. Cô từng bị đánh bằng đủ loại vật dụng, bị nhốt trong nhà suốt vài tháng, ép buộc quan hệ tình dục để không chạy trốn.

"Cô ấy hoàn toàn tuyệt vọng. Người phụ nữ ấy nghĩ rằng nếu tìm kiếm giúp đỡ, anh ta sẽ giết cô ấy, con cái họ và cả nhà cô", Lam nói.

Cuối cùng, đơn vị của Lam tìm được cách cứu người vợ và 3 đứa trẻ, đưa họ tới một nơi tạm trú cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Khi đã an toàn, người phụ nữ này mới xin lệnh PPO từ tòa án và ly hôn.

Với những trường hợp như trên, luật pháp cho phép các bên thứ 3 đăng ký lệnh PPO cho cá nhân dễ bị tổn thương để bảo vệ tính mạng và hạnh phúc của họ.

Ngày 23/9, Bộ trưởng Phát triển Xã hội và Gia đình Sun Xueling và Bộ trưởng Nội vụ Muhammad Faishal Ibrahim thành lập nhóm đặc nhiệm nhằm giải quyết tình trạng trên.

Ngoài ra, các nhà chức trách còn khuyến nghị xử phạt hành vi từ chối tham gia những buổi trị liệu, tham vấn của thủ phạm.

Tiến sĩ Sudha Nair, thành viên nhóm đặc nhiệm, cho biết khoảng 10% thủ phạm bạo hành gia đình không xuất hiện tại buổi tư vấn. "Đây là một trong những thách thức lớn vì luật pháp hiện hành chưa đủ răn đe và buộc họ phải tuân theo", cô nói.

Trong khi đó, một nghiên cứu từ Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình và Hội đồng Dịch vụ Xã hội Quốc gia phát hiện ra 2,5% các cặp vợ chồng tham gia khảo sát từng nộp đơn xin lệnh bảo vệ cá nhân.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng đang tạo nên những yếu tố mới gây bất hòa trong gia đình, cụ thể như vấn đề tài chính, gánh nặng tâm lý trong thời gian giãn cách xã hội.

Straits Times đưa tin từ tháng 1 tới tháng 8 năm nay, Đường dây Trợ giúp Chống bạo lực Quốc gia nhận được 5.300 cuộc gọi báo cáo về tình trạng bạo hành gia đình.

Theo zingnews