Trang Jena Nguyễn dạy sơ cấp cứu cho học sinh Việt Nam. (Ảnh: SSVN)
Những ai quan tâm đến lĩnh vực sơ cấp cứu và thoát hiểm đều biết Trang Jena vì cô là người đồng sáng lập chương trình phi lợi nhuận Survival Skills Vietnam (SSVN) ở Việt Nam cùng với chuyên gia hàng đầu của Australia về sơ cấp cứu phản ứng nhanh Tony Coffey. Bên cạnh hoạt động cộng đồng này, giờ đây, cô còn tìm thấy một công việc ý nghĩa nữa là gieo chữ Việt nơi xứ người.
Từ những lớp học “sinh tồn”
May mắn được tham gia khóa học Sơ cấp cứu do Lãnh sự quán Australia tổ chức cho nhóm cựu du học sinh Australia vào năm 2014, Trang Jena Nguyễn nhanh chóng nhận ra đây là nhóm kiến thức và kỹ năng sống vô cùng quan trọng nhưng chưa được phổ biến tại Việt Nam. Cô mong muốn đưa các khóa học này về nước và nhận thấy mỗi cá nhân cần phải học kỹ năng sinh tồn để cứu mình, cứu người.
Bởi vậy, ngay khi kết thúc khóa học khi ấy, cô đã gặp chuyên gia Tony Coffey để chia sẻ hiện trạng chung là đa phần người dân Việt Nam còn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của kỹ năng sơ cấp cứu và chưa được trang bị đào tạo kỹ năng này. Là người hoạt động cộng đồng, cô tha thiết đề nghị vị chuyên gia sắp xếp quay trở lại Việt Nam để cùng cô chia sẻ những kỹ năng này đến cộng đồng.
Với xuất phát điểm đó, chương trình SSVN được cô và ông Tony Coffey đồng thành lập và ra mắt tại Đà Nẵng. Năm 2016, SSVN chuyển vào TP. Hồ Chí Minh và hoạt động dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu & Hỗ trợ Sức khỏe Cộng đồng (CCHS).
Từ 2014 đến nay, SSVN đã trang bị kiến thức và đào tạo cho hàng ngàn người Việt Nam thông qua các chương trình cộng đồng tại trường học, mái ấm, các lớp kỹ năng cho công chúng trẻ em, học sinh, sinh viên, người lớn và các khách hàng doanh nghiệp.
Dù đã làm dâu đất nước Thụy Sỹ, nhưng trong suốt nhiều năm qua, Trang Jena Nguyễn vẫn thường xuyên về Việt Nam với các hoạt động huấn luyện, dạy kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu và thoát hiểm cho nhiều người.
Tại nhiều trường học, cô đã cùng chuyên gia Tony Coffey thực hành kỹ năng xử trí hiệu quả các ca chấn thương mà tuổi học trò thường gặp như gãy - rạn - nứt xương, bong gân, trật khớp, xử lý đuối nước. Tại đây, các em còn được tận tình hướng dẫn cách giúp người khác xử lý các trường hợp khẩn cấp thường gặp như cầm máu, đột quỵ, các ca bất tỉnh, ngưng tim, xử lý hóc dị vật khi ăn, xử lý điện giật...
... đến lớp học gieo chữ Việt
Đam mê với hoạt động cộng đồng nên việc Trang Jena Nguyễn đến với việc giảng dạy tiếng Việt cũng hoàn toàn do tình cờ. Là giáo viên không chuyên nên thời gian đầu, cô gặp khá nhiều thử thách như lớp học thiếu học sinh, phương pháp dạy chưa đúng...
Được trở về tham dự Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức mới đây, Trang Jena Nguyễn càng thấy yêu tiếng mẹ đẻ nhiều hơn. Sau khi tham gia Khóa tập huấn và trang bị nhiều kiến thức quý giá, sự kết nối với quê hương trong cô càng sâu đậm và thấy rõ nhiệm vụ mới phải duy trì, phát triển tiếng Việt ở xứ người.
Giờ đây, cô giáo không chuyên ấy đã cảm thấy tự tin hơn rất nhiều trong truyền bá tiếng Việt giống như một ngoại ngữ trên đất Thụy Sỹ. Không chỉ giảng dạy ở Zurich, cô vẫn duy trì việc học tiếng Đức để có thể hòa nhập tốt với cuộc sống tại đây. Ngoài ra, cô còn giảng dạy về văn hóa Việt Nam cho một số người nước ngoài có ý định, kế hoạch sang Việt Nam làm việc và công tác.
Trang Jena Nguyễn cũng dành nhiều tâm huyết để hỗ trợ cho trường Bình Minh - nơi dạy tiếng Việt cho con em người Việt sinh sống tại Thụy Sỹ và lớp giao tiếp tiếng Đức cho các phụ huynh Việt Nam. Ngôi trường này do cô Dung Moser thành lập được vài năm nên nhiều thứ còn mới mẻ, thiếu thốn nhưng luôn có được sự giảng dạy nhiệt tình và hoàn toàn tình nguyện của một số giáo viên Việt Nam.
“Trước đây, các lớp học ở Zurich chỉ được duy trì khi mượn địa điểm được vài tiếng ở một nhà hàng. Hiện tại, ông xã tôi đã quyết định tài trợ một số phòng làm việc để giúp cho việc giảng dạy thuận lợi hơn. Tín hiệu đáng mừng là số học sinh học tiếng Việt đã ngày càng tăng lên. Nếu như ngày trước các giáo viên phải đi vận động bà con cho con em tham gia học tiếng Việt thì hiện nay, các phụ huynh đã mong đến ngày thứ Bảy để đưa con em tới lớp”, cô Trang Jena Nguyễn chia sẻ.
Nói về nguyện vọng hiện tại, Trang Jena Nguyễn cho biết các học trò của mình cần có địa điểm học chính thức và ổn định so với hiện nay. Cô cũng mong bộ môn Tiếng Việt trong tương lai sẽ trở thành một ngoại ngữ được dạy trong trường học ở Thụy Sỹ giống như một số nước khác. Với cô, “ở đâu có tiếng Việt là ở đó có quê hương. Càng hiểu và gắn bó với nghề giảng dạy tiếng Việt, tôi càng thêm yêu công việc tình nguyện này và nhận thấy rõ hơn sứ mệnh cao cả của mình đối với ngôn ngữ mẹ đẻ đến từ trong hơi thở của mình”.
Theo Thế giới và Việt Nam