Từ ngày 11-25/8, 80 học viên đến từ 10 quốc gia đã tham dự khóa đào tạo kỹ năng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Bên lề khóa tập huấn, các học viên, giảng viên của khóa học và đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những chia sẻ về tình yêu đối với tiếng Việt cũng như khát khao được gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho thế hệ tiếp nối ở nước ngoài.

Cô giáo Phạm Thị Tuyết (Thái Lan): Người biết ít dạy người chưa biết

Cô giáo Phạm Thị Tuyết năm nay đã 67 tuổi. Ảnh: Thế giới & Việt Nam

Suốt 4 năm nay, cô Phạm Thị Tuyết (67 tuổi) đã miệt mài gắn bó với lớp vỡ lòng mang tên Đồng Tâm tại trụ sở của Hội người Việt Nam ở Nong Khai (Thái Lan).

Khi được hỏi tại sao lại gắn bó với công việc dạy học tình nguyện này đến tận ngày nay, cô trả lời một cách giản dị: “Tại vì rất thương các em, nếu không biết tiếng mẹ đẻ thì tiếc lắm nên phải cố gắng giúp các em. Những giáo viên như chúng tôi dạy theo tinh thần “biết gì dạy nấy”, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết gì...

Chia sẻ mong đợi của mình sau khi hoàn thành khóa học, cô Tuyết cho biết: Mong có được những kiến thức chuyên môn tốt hơn để giúp đỡ học sinh. "Tôi cũng mong có thêm nhiều sách vở và những cuốn từ điển để phục vụ tốt hơn cho việc dạy học của mình,” cô tâm sự.

Cô giáo Lê Thị Thu Hiền (Đài Loan, Trung Quốc): Truyền tiếng mẹ đẻ cho con em mình

Cô giáo Lê Thị Thu Hiền tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Thế giới & VN

Theo chia sẻ của cô Lê Thị Thu Hiền, Đài Loan đã đưa chương trình dạy tiếng Việt vào trường học và khuyến khích phụ nữ người Việt mới di dân tới Đài Loan tham gia giảng dạy tiếng mẹ đẻ. Trong những năm gần đây, phong trào dạy và học tiếng Việt của bà con kiều bào tại Đài Loan đang phát triển rất mạnh mẽ, thu hút cả trẻ em bản địa.

“Tôi đã có ba năm dạy tiếng Việt ở các trường tiểu học, trung học và hiện tại còn tham gia chương trình dạy tiếng Việt trực tuyến. Tôi đến với công việc này vì được nói tiếng Việt và truyền tiếng mẹ đẻ cho con em mình, cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam cho người Đài Loan. Hiện tại, số giáo viên dạy tiếng Việt ở Đài Loan rất đông và nhiều người hy vọng có cơ hội tham dự lớp tập huấn”, cô Hiền chia sẻ.

PGS. TS Nguyễn Thiện Nam - Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: Dạy tiếng Việt là một nghệ thuật gắn bó sâu nặng với dân tộc

PGS.TS.Nguyễn Thiện Nam là người đã gắn bó nhiều năm với các khóa tập huấn dạy tiếng Việt. Ảnh: Việt Thanh

Là người gắn bó với khóa tập huấn từ những ngày đầu, với PGS.TS.Nguyễn Thiện Nam, dạy tiếng Việt không chỉ là một nghề, mà còn là một môn khoa học, một nghệ thuật gắn bó sâu nặng với dân tộc. Theo ông, đây chính là chiếc cầu nối đặc biệt với nước ngoài, bởi ở đâu có tiếng Việt, ở đó còn người Việt.

Khi được hỏi về những yêu cầu đối với giáo viên kiều bào, PGS.TS.Nguyễn Thiện Nam cho rằng: Họ cần có phẩm chất của người giáo viên (đúng giờ, gương mẫu, nhiệt tình, bao dung, thương học trò, sự nghiêm túc, kiên nhẫn, khiếu hài hước..), kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học và tri thức về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của tiếng Việt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị: tiếng Việt có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị. Ảnh: Trọng Thuấn

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, với cộng đồng gần 4,5 triệu người Việt đang sinh sống ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiếng Việt có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, duy trì mối liên hệ gắn bó với quê hương đất nước. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong gia đình có thế hệ thứ ba, thứ tư hoàn toàn được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Bởi vậy, việc dạy và học tiếng Việt cũng như bảo tồn tiếng Việt, đặc biệt là ở thế hệ trẻ, là nguyện vọng chính đáng và nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo thoidai