leftcenterrightdel
 Hình ảnh Hằng Du Mục bị bạo hành được cô chia sẻ lên mạng xã hội

Sau nhiều đồn đoán của cộng đồng mạng, sáng 10/8, fanpage chính thức của Hằng Du Mục trên Facebook đã đăng bài kèm hình ảnh cô bị người chồng Trung Quốc bạo hành, để giải thích cho “những gì đã xảy ra trong suốt thời gian dài vừa qua”.

Hằng Du Mục là nickname của Nguyễn Thái Hằng, sinh năm 1995, là một TikToker nổi tiếng trên mạng xã hội với những phiên livestream bán hàng thu hút hàng triệu lượt xem. Cô kết hôn vào năm 2019 với Tôn Bằng, người Trung Quốc, lớn hơn cô 14 tuổi, đã có 2 con trai riêng.

Như mọi người nổi tiếng khác, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc của Hằng Du Mục thường xuyên được chia sẻ với cảnh vợ chồng thương yêu nhau, cùng du lịch, gia đình đầm ấm… Hằng Du Mục sinh 2 cậu con trai kháu khỉnh với Tôn Bằng.

Tuy nhiên, cho đến thời gian gần đây thì nhiều thông tin cho biết hôn nhân của cô gặp trục trặc, vợ chồng thường xuyên cãi vã. Tháng Sáu năm nay, Tôn Bằng đòi ly hôn, cho rằng Hằng bỏ bê con cái để về Việt Nam lo livestream. Đỉnh điểm là việc Hằng chia sẻ cô bị chồng đánh đập. Trong status mới nhất trên Facebook, Hằng chia sẻ ảnh mình bị đánh rách mặt, cho biết phải khâu nhiều mũi. Cô cũng bày tỏ lòng biết ơn khi con riêng của chồng đã lao vào bảo vệ mình và hy vọng sự việc này sẽ giúp cô giành được quyền nuôi con khi ly hôn.

Sẽ cần một cuộc điều tra của cảnh sát để xác nhận các chi tiết. Nguyên nhân đổ vỡ cuộc hôn nhân giữa Hằng Du Mục và Tôn Bằng cùng những yếu tố liên quan rồi sẽ sáng tỏ tại tòa. Điều lớn hơn nằm ở chia sẻ của Hằng, rằng bấy lâu cô “im lặng và nhẫn nhịn chịu đựng sự khống chế và đe dọa” nhằm “bảo vệ những đứa trẻ được lớn lên bình yên”.

leftcenterrightdel
 Cảnh sát trấn áp người chồng bạo hành (Ảnh từ Facebook Hằng Du Mục)

Trong hầu hết các cuộc bạo hành gia đình, chúng ta dễ dàng bắt gặp thái độ “nhẫn nhịn”, “chịu đựng” của phụ nữ để “bảo vệ gia đình”, “bảo vệ những đứa trẻ”, “để con có cha”… - những lý do đã hết sức lỗi thời trước câu hỏi liệu một gia đình luôn trong trạng thái căng thẳng, đầy mầm mống đổ vỡ và nhất là kèm yếu tố bạo lực thì liệu có thể xem là một gia đình.

Khoa học đã chứng minh: những đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực sẽ có khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề khi trưởng thành. Thế nên sự chịu đựng bạo lực thực chất không hề mang lại điều tốt đẹp cho trẻ em mà trái lại có thể khiến trẻ học theo. Sự chịu đựng cũng không ngăn chặn được bạo lực, mà chỉ khiến các hành vi bạo lực tăng lên theo thời gian, khi những “nguyên nhân” gây ra bạo lực ngày càng tích tụ thêm dày, khi kẻ tấn công nhận thấy mình không bị trừng phạt, không gặp sự kháng cự nào đáng kể.

Cũng khó nói đúng - sai trong việc Hằng quay lại Trung Quốc, chấp nhận bị chồng đánh để có bằng chứng xác thực, nhằm gia tăng cơ hội giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn. Vì những đứa con, phụ nữ có thể làm vô số việc mà lý lẽ bình thường có khi không thể giải thích. Dù vậy, các chuyên gia về phòng chống bạo lực gia đình vẫn khuyên đừng để sự việc đến mức phải đánh đổi như vậy.

Phụ nữ đã chịu đựng quá nhiều và quá lâu rồi. Tư duy ấy rất cần thay đổi. Nếu một gia đình đã không còn là một gia đình, chúng ta có quyền tìm kiếm một điều kiện sống khác tốt hơn. Chỉ cần phụ nữ hiểu vậy, họ sẽ thoát được món nợ đồng lần bấy lâu đeo bám thân phận phụ nữ qua nhiều thế hệ. Rồi Hằng Du Mục sẽ có một gia đình khác - nơi những đứa trẻ không phải sống trong không khí thù địch của cha mẹ. Tôi tin vậy.

Chỉ trong buổi sáng nay, rất nhiều bình luận, status trên mạng bày tỏ sự ủng hộ Hằng. Việc còn lại là chờ xem tòa án Trung Quốc sẽ xử lý một người chồng bạo hành ra sao. Còn bạn, nếu bạn cũng đang phải im lặng, chịu đựng; bạn có thể chọn đứng lên bảo vệ mình và con.

Theo phụ nữ TPHCM