Nhốt bạn gái trong phòng trọ

Anh Nguyễn Ngọc (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM) chia sẻ chuyện một cô gái bị người yêu “nhốt” trong phòng tại khu anh trọ. Cặp đôi này chênh lệch tuổi tác, bạn nam đã đi làm còn bạn nữ đang là sinh viên.

“Rõ ràng tôi thấy phòng bên cạnh khóa cửa từ bên ngoài, nhưng không hiểu sao lại nghe tiếng vòi nước chảy, tiếng nồi niêu va chạm” - anh Ngọc kể.
Ban đầu, anh Ngọc nghĩ mình nghe nhầm, sau đó anh nghĩ mình gặp… ma. Để giải tỏa thắc mắc, anh quyết tâm gõ cửa phòng. “Bất ngờ, một giọng nữ hỏi tôi có việc gì không” - anh Ngọc nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Sau một hồi gặng hỏi vì sao ở trong phòng mà khóa ngoài, lỡ hỏa hoạn thì làm sao chạy thoát, anh Ngọc mới nhận được câu trả lời từ bạn nữ: “Em bị người yêu nhốt”.

Tìm hiểu kỹ hơn, anh Ngọc biết cặp đôi quen nhau qua Facebook, yêu nhau được nửa năm thì dọn về sống chung. Cô gái không ngờ người yêu có tính chiếm hữu cao như vậy, nhưng “lỡ yêu rồi nên đành chịu”. Mỗi buổi sáng đi làm, bạn trai khóa cửa ngoài, không cho cô gái đi đâu, kể cả đi học. Thay vì lên giảng đường, nữ sinh này quanh quẩn trong phòng nằm bấm điện thoại và nấu cơm sẵn, chờ buổi chiều người yêu về cùng ăn.

Thời gian sau, anh Ngọc và người trong khu trọ dần chứng kiến những trận cãi vã của cặp đôi. Những tưởng cô gái sau đó sẽ có động thái dứt khoát, nhưng cô vẫn chấp nhận tiếp tục yêu đương vì tin rằng bạn trai vì quá yêu nên mới hành xử như vậy.

Quản lý điện thoại, “méc” cha mẹ người yêu

Là đồng nghiệp, chênh nhau 10 tuổi, anh Văn Minh và chị Mỹ Tiên nảy sinh tình cảm và dọn về ở chung. Sự rạn nứt bắt đầu từ lúc chị muốn biết mật khẩu điện thoại của anh. Vì yêu chị, anh đồng ý. Từ đó, chị thường xuyên dùng điện thoại của anh, ban đầu chỉ xem, sau là lục lọi đủ thứ. Các nhóm chat bạn bè, làm việc của anh, chị cũng ngang nhiên thay anh nhắn tin trò chuyện.

Dấn sâu hơn, chị lục lại các tin nhắn giữa anh và các cô người yêu cũ rồi ghen tuông, gây sự. Anh đổi mật khẩu, thế là chị khóc lóc, la hét. Cả tuần lễ chị liên tục “khủng bố”, tra tấn tinh thần để buộc anh đưa mật khẩu mới. Anh hối hận vì ban đầu đã quá dễ dãi với chị.

Tuấn Hải và Quỳnh Như (cùng 24 tuổi) là đồng hương, có cảm tình với nhau từ khi còn đi học, đến khi ra trường có việc làm họ mới chính thức yêu nhau. Sau 1 năm, họ thuê nhà trọ ở chung và rắc rối bắt đầu phát sinh. Ban đầu là những thứ nhỏ nhặt như giờ giấc, thói quen sinh hoạt, cách xài tiền cho đến khẩu vị khác biệt, nhưng không ai chịu ai, dần dần dẫn đến mâu thuẫn lớn.

Quỳnh Như gây áp lực bằng cách gọi điện về quê “méc” cha mẹ người yêu. Hầu như ngày nào chị cũng gọi. Mẹ anh Hải nghe chuyện thì gọi mắng con, khiến anh có cảm giác như mình có 2 người mẹ, một giám sát tại chỗ và một ở quê. Anh sống trong áp lực phải sống theo ý của cả cha mẹ lẫn người yêu.

Phải biết chia tay “cuộc tình sợ hãi”

Một thời gian sau, cha mẹ anh Tuấn Hải không còn hào hứng nghe những cuộc điện thoại của Quỳnh Như nữa. Anh thì muốn chia tay nhưng chị không chấp thuận, cứ bám riết, làm đủ mọi cách không cho anh rời xa. Mất cả năm trời dùng sự lạnh nhạt và bất cần, anh mới dứt ra được cuộc tình mà anh gọi bằng 2 chữ “sợ hãi”.

Trường hợp của Văn Minh và Mỹ Tiên, không chịu nổi cảnh bạn gái kiểm soát điện thoại và thao túng đời sống, anh đành nói lời chia tay.

Thế nhưng, không phải ai cũng thoát ra được mối tình độc hại. “Cái vòng luẩn quẩn, lặp đi lặp lại” là lời nhận xét của anh Nguyễn Ngọc về mối tình của cô gái bị bạn trai nhốt trong phòng trọ.

Anh Ngọc kể thêm, nhiều lúc hàng xóm và chủ trọ tranh thủ khuyên nhủ riêng, phân tích đúng sai, nhưng cô gái vẫn một mực bênh vực bạn trai. “Lâu lâu lại nghe tiếng họ cãi cọ, nhưng hôm sau cả 2 diện đồ đẹp rồi chở nhau đi ăn ngoài, xem phim vui vẻ. Hôm sau nữa lại cãi nhau. Cứ vậy, không hồi kết…” - anh Ngọc cho biết.

Theo các chuyên gia trên trang HealthCentral, sau đây là 10 dấu hiệu của một mối quan hệ bạo hành:

1. Cách ly bạn khỏi bạn bè và gia đình: Kẻ bạo hành muốn sở hữu riêng bạn, ngăn cản bạn giao du với người khác.

2. Sỉ nhục bạn: Dùng lời lẽ xúc phạm, dù dưới vỏ bọc đùa giỡn, để làm tổn thương bạn.

3. Luôn đổ lỗi: Không bao giờ nhận trách nhiệm, luôn đổ lỗi cho bạn khi có vấn đề xảy ra.

4. Dùng rượu, ma túy: Nhiều kẻ bạo hành có hành vi thất thường và thô lỗ do nghiện rượu hoặc ma túy.

5. Truyền nỗi sợ hãi: Dọa nạt bạn bằng bạo lực hoặc quyền lực.

6. Trừng phạt khi bạn không ở bên: La hét, đe dọa hoặc hành hung.

7. Kỳ vọng bạn đóng vai người hầu: Đòi hỏi bạn phục vụ họ như vua chúa mà không giúp đỡ lại.

8. Cực kỳ ghen tuông: Ghen với mọi thứ trong cuộc sống của bạn, từ người khác đến mục tiêu cá nhân của bạn.

9. Kiểm soát bạn thông qua cảm xúc của họ: Hờn dỗi, đe dọa bỏ đi, hoặc trừng phạt về tình cảm để kiểm soát bạn.

10. Dùng vũ lực: Hành vi bạo lực leo thang từ những hành động nhỏ đến nghiêm trọng.


Theo phụ nữ TPHCM