Đối mặt với cảnh "gà trống nuôi con" hậu ly hôn không hề dễ dàng?. Ảnh minh họa
Đọc các bài viết trên diễn đàn Đàn ông hậu ly hôn, tôi thấy chỉ nhắc tới các anh bỏ chạy khỏi hôn nhân mà không vướng bận con cái. Thực tế, khá đông những người đàn ông giành giật con để nuôi và họ thắng tại tòa, nhưng cuộc sống hậu ly hôn không hề dễ thở.
Cảnh “già trống nuôi con” khiến nhiều người cha rơi vào trầm cảm và đứa trẻ ở cùng anh ta "lãnh đủ". Dù cha giàu hay cha nghèo, đã có không ít những đứa trẻ phải chịu đựng những bi kịch khác.
Cũng dễ hiểu, trước khi ly hôn, việc nuôi dạy con trong các gia đình chủ yếu do người vợ đảm nhận, người chồng chỉ hỗ trợ chăm sóc con một phần, hoặc chỉ lo kinh tế.
Vậy nhưng khi ly hôn, ít người đàn ông nghĩ tới việc con trẻ cần tình mẹ, cần được gắn bó với anh em ruột của chúng trong một mái nhà. Họ thường cố giành quyền nuôi con không phải vì lo cho đứa trẻ, mà với mục đích "cho vợ biết mặt", thỏa mãn cái tôi.
Tôi nhớ mãi câu chuyện của cậu học trò tên Quang ở lớp tôi làm giáo viên chủ nhiệm. Lúc trước, Quang là một học sinh ngoan, học lực ở mức khá. Em luôn đến lớp với áo quần tươm tất, đầu tóc gọn gàng.
Sau khi ba mẹ ly hôn, Quang sống với ba và mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Em thường xuyên đi học trễ, bài tập không làm, có hôm ngất xỉu trên lớp vì không ăn sáng.
Nỗi oán giận cuộc hôn nhân tan vỡ, ba Quang trút cả vào đứa con trai mới học lớp 8. Không chỉ phải làm việc nhà, nấu cơm thay cho mẹ, Quang còn phải thức khuya phục vụ những nhóm đánh bạc do ba tổ chức tại nhà. Em không có thời gian học bài, thường nhịn ăn sáng để đi học. Cũng vì sống trong cảnh chồng cờ bạc, nợ nần mà mẹ em buộc phải ly hôn.
Mẹ Quang muốn nuôi cả hai đứa con và yêu cầu chồng trợ cấp hàng tháng, nhưng ba Quang không đồng ý nên gia đình đành chia hai. Mỗi lần tôi mời phụ huynh lên làm việc, ba Quang luôn nói anh muốn Quang sống cùng mình để có tương lai tốt đẹp hơn với mẹ.
Nhưng thực tế, hoàn cảnh của cha con Quang ngày càng bế tắc. Tới tận khi ba Quang bị bắt do tổ chức đánh bạc, em mới được mẹ đón về nuôi. Hiện Quang đang học năm thứ nhất đại học. Nhiều hàng xóm nói, ba Quang đi tù lại là... may mắn với em.
Việc con sống cùng ai, ba mẹ cũng nên dẹp bỏ cái tôi của mình để có sự lựa chọn tốt nhất cho con - Ảnh minh họa
Trường hợp bạn tôi, năm lần bảy lượt ra tòa anh mới giành được quyền nuôi con, nhưng chỉ vài tháng tự mình xoay xở cảnh gà trống nuôi con, anh đã đầu hàng, vì biết vất vả thế nào. Từ một người chỉ sáng sáng xách cặp ra khỏi nhà, trở về khi tối muộn, cả tuần không thấy mặt con, nay phải tự tay chăm sóc một đứa trẻ lớp Một anh kiệt sức.
Anh giành con một phần vì tự ái khi vợ lấy lý do “anh là người cha vô trách nhiệm” để kết thúc hôn nhân. Nhưng khi đơn thân nuôi con, anh mới công nhận với bạn bè "mình vô trách nhiệm thật". Những buổi sáng vật vã cho con ăn rồi chở đến lớp, anh thấm thía cảm giác của vợ khi cả ngày phải lăn lộn cùng hai đứa trẻ cùng mớ việc của công ty.
Có sáng, khó khăn lắm anh mới cho con ăn hết một chén mì gói, nhưng con vùng vằng không chịu mặc đồng phục rồi khóc lóc đến ói hết số thức ăn. Anh cố gắng thu dọn nhanh nhưng vẫn muộn giờ làm, để khách hàng đợi nên bị sếp mắng.
Đến tối về, phòng ngủ nồng nặc mùi từ bãi ói của con lúc sáng chưa dọn, anh chán nản, uể oải. Chưa kể, việc học hành của con không suôn sẻ, giáo viên liên tục yêu cầu phụ huynh kèm con đọc, viết và làm toán, trong khi anh không thể. Cuối cùng, anh phải “trả” con cho vợ để cân bằng cuộc sống sau hai nỗi đau cộng dồn: tan vỡ gia đình và phải xa rời con.
Tôi nghĩ, ly hôn là điều không ai mong muốn, nhưng vào trường hợp không thể khác được, người trong cuộc cần cân nhắc thật kỹ để tránh thiệt thòi cho con trẻ. Hậu ly hôn với cá nhân một người đàn ông đã không hề dễ dàng, nói gì kéo theo một hoặc hai con nhỏ.
Những ông chồng không đủ điều kiện kinh tế, giáo dục và kỹ năng chăm sóc con cái thì đừng cố giành con mà làm khổ bọn trẻ, đó chính là tội ác.
Theo phunuonline