Trong những ngày giãn cách, chị Huệ Thi có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình hơn.
Các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang sống trong những ngày áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cách ly xã hội để phòng chống đại dịch Covid 19. Cũng vì thế nhịp sống như chậm lại, mọi người chỉ ra đường khi có việc thật cần thiết. Tâm trạng xã hội tuy có phần nặng nề nhưng không hề ảm đạm vì trong tâm thức người Việt, gia đình bao giờ cũng là thành lũy vững chắc để con người tìm những khoảnh khắc bình yên giữa bao bề bộn, lo toan trong cuộc sống đầy biến động. Và những ngày này khi cả xã hội được khuyến khích ở nhà phòng dịch thì người thân trong gia đình cũng vì thế có thêm thời gian quây quần bên nhau.
Chị Trần Thị Huệ (nhà thơ Huệ Thi, 39 tuổi), Giám đốc công ty TNHH Huệ Thi chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang, áo dài ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chia sẻ: “Thú thật thời gian đầu địa bàn tôi kinh doanh giãn cách theo chỉ thị 15 rồi cách ly xã hội theo chỉ thị 16, tôi hơi bị sốc. Tiền mặt bằng, tiền lương nhân viên, điện, nước… hàng tháng là những khoản chi thường xuyên phải duy trì trong khi doanh số tụt giảm xuống gần 0%. Tuy nhiên, ý thức được tầm quan trọng chủ trương của Nhà nước là nhằm bảo vệ an toàn cho người dân, trong đó có tôi và gia đình nên tôi đã tìm cách ổn định tâm lý, thích nghi với thực tế để tồn tại”.
Chị Huệ tâm sự, trước đây do bận bịu công việc kinh doanh nên chị ít có thời gian tự thiết kế mẫu mã thời trang mới, chủ yếu do nhân viên trình duyệt. Việc chăm chút cho bếp ăn gia đình với chị lại càng thưa thớt. Trong thời gian giãn cách, áp lực công việc kinh doanh nhẹ hơn nên chị được thỏa sức sáng tạo, biến những ý tưởng trong đầu mình thành những sản phẩm độc đáo, chờ hết dịch bệnh tung ra thị trường. Rảnh rỗi, chị Huệ vào bếp chế biến những món ăn ngon mang hương vị đặc trưng của đất Quảng Nam quê chị cho cả nhà thưởng thức. Nhìn chồng, con ăn ngon lành những món ăn do chính tay mình nấu chị thấm thía một điều hạnh phúc có khi đến từ những điều rất bình dị mà có khi giữa tất bật lo toan trong cuộc sống hàng ngày khiến ta không cảm nhận hết.
Cùng hoàn cảnh với chị Huệ Thi, chị Minh Huyền (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cũng thường xuyên đi sớm về muộn, tất bật với công việc. Dù mới có bé được 6 tháng nhưng chị không có nhiều thời gian dành cho con, chỉ tới chiều tối mới đến nhà và có thời gian chăm sóc bé.
Chị Huyền tâm sự: "Dịch bệnh phức tạp nên hơn tuần nay, tôi chỉ ở nhà làm việc online. Ở nhà tôi chủ động sắp xếp để vừa làm được việc cơ quan giao, vừa có thời gian quan tâm, chăm sóc các con. Có những lúc tất bật chạy deadline, nhưng quay sang được nhìn thấy con đang chơi vui vẻ, mọi mệt nhọc tan biến hết".
Hay như anh Nguyễn Anh Tuấn (31 tuổi) ngụ ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, trong đợt cách ly này anh đã có thời gian để hiểu và thương vợ mình hơn.
Anh là nhân viên giao hàng của một công ty kinh doanh thực phẩm ở tận quận Ninh Kiều nên hàng ngày phải rời nhà từ 5 giờ sáng, tối mịt mới trở về, ăn uống rồi lăn ra ngủ để lấy sức cho ngày làm việc hôm sau. Hiện tại, công ty của anh Tuấn đã tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh Covid-19 nên anh chỉ ở quanh quẩn trong nhà. Chứng kiến cảnh vợ vất vả chăm sóc con thơ, cha mẹ già yếu còn phải quán xuyến công việc gia đình. Anh Tuấn “ngộ” ra rằng đàn ông không phải chỉ có việc ra đường kiếm tiền là đủ mà còn phải biết cảm thông, chia sẻ công việc với người bạn đời của mình.
Chính vì vậy, anh Tuấn tranh thủ thời gian tạm nghỉ việc để lợp lại chuồng heo bị dột, tráng xi măng lại lối đi cho đỡ trơn trợt… thậm chí anh không nề hà cả việc giặt giũ quần áo, vào bếp nấu ăn những khi vợ bận việc khác.
Đàn ông không chỉ kiếm tiền mà còn phải biết vun vén, làm việc nhà (Ảnh minh họa)
Nói về người chồng của mình, ánh mắt của chị Trinh lấp lánh niềm hạnh phúc: “Anh ấy thương vợ con, gia đình lắm các anh à. Nghỉ việc ở nhà anh ấy hay ra vườn hái lá khuynh diệp, lá ổi, lá sả… nấu nồi xông cho cả nhà nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Thu nhập của gia đình em mặc dù có giảm mạnh do dịch bệnh nhưng đó là tình hình chung, khéo co thì ấm. Miễn sao gia đình hạnh phúc là em vui rồi!”.
Không chỉ chị Huệ, chị Huyền hay anh Tuấn mà còn nhiều những người khác khi sống trong những ngày dịch dã mới thấm thía và nhận ra những điều trân quý giản đơn từ gia đình.
Họ là những người ý thức được rằng trách nhiệm xã hội và hạnh phúc gia đình có mối quan hệ hỗ tương lẫn nhau. Dịch bệnh sẽ qua đi, xã hội bình yên trở lại sớm hay muộn là do ý thức của mỗi người chúng ta quyết định. Hãy xem đợt giãn cách như một cơ hội được nghỉ ngơi, cảm nhận hạnh phúc gia đình để lấy sức cho hành trình sắp tới trong cuộc sống của chúng ta.
Theo giadinhonline