leftcenterrightdel
 Đánh con đôi khi xuất phát từ sự nóng giận của cha mẹ hơn là mong muốn dạy con điều phải (Ảnh minh hoạ)

Dư luận quanh vụ việc bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị "dì ghẻ" bạo hành đến tử vong chưa giảm bức xúc, hôm nay tôi lại đọc được dòng tin về một bé gái 2 tuổi bị cha hờ đạp chết.

Rõ ràng những cái chết thương tâm như vậy bắt nguồn từ thói quen đánh con trẻ trong các gia đình, đến nỗi người ta quen mắt, quen tai với việc bạo hành, đánh trẻ. Việc bạo hành con ban đầu chỉ từ cái nhéo, cái tát, cho đến lúc người lớn tức giận, mất lý trí, thì dùng sức đạp, dùng gậy phang... Chỉ khi tai nạn ngoài ý muốn xảy ra, những người làm mẹ như tôi mới giật mình sợ hãi...

Trong thảo luận mới đây của một trang Facebook về nội dung: "Thương có thật sự phải cho roi cho vọt hay không?", hầu hết mọi người đều cho rằng roi vọt chưa bao giờ là biểu hiện của tình thương. Thậm chí còn rất nhiều người không quên được những trận đòn nhừ tử ngày bé và cảm thấy khó thở khi nhớ lại.

Bản thân tôi cũng là đứa trẻ bị đòn và sau này cũng từng đánh con. Tôi vẫn tự hỏi lý do bạo lực với con của tôi thực sự là gì, trong khi ý thức được là mình không nên đánh con và càng không muốn con bị đánh.

Dù ý thức có thừa, nhưng tiềm thức có lẽ đã ghi sâu những ký ức đòn roi, nên khi tôi đối diện với con trai - một cậu bé thông minh và nghịch ngợm - tôi đã không biết làm gì khi con ăn vạ.

Thực sự tôi bất lực khi con có yêu cầu quá đáng. Ví dụ như tôi nói với con rằng con viết bài xong sẽ được uống sữa. Thế nhưng, con đang viết bài bỗng đòi uống sữa.  Chủ yếu là muốn “thay đổi không khí”, không muốn viết bài nữa.

Nếu ba mẹ gặp trường hợp ấy nên làm thế nào? Tôi gặp tình huống con "kiếm chuyện" như vậy mỗi ngày, thậm chí mỗi buổi. Lúc đầu tôi còn khuyên, còn nhỏ nhẹ giải thích, nhưng thằng bé không đồng ý. Con khóc, con gào, con lăn lộn. Và trong những lúc như vậy, gặp hôm bình tĩnh tôi sẽ mặc kệ con. Nhưng có hôm thì tôi không kiềm chế được. Tôi la mắng con, tôi hét lớn tiếng, và sau cùng tôi đánh con.

Kết quả, thằng bé khóc lóc lớn tiếng, tiếp theo là những cái tét tay của tôi vào mông con, tôi hoàn toàn mất kiểm soát. Con càng gào khóc lớn, sau đó thì im bặt và nhốt mình trong chăn. Tới khi tôi bình tĩnh được thì lập tức cảm thấy hối hận. Sau đó là tôi khóc, rồi lại ôm con khóc.

Câu chuyện của Vân An, cô bé 8 tuổi đáng thương bị hành hạ đến chết, khiến tôi mặc cảm. Tôi cảm thấy đã đến lúc cần thay đổi triệt để, nhưng tôi chưa tìm ra cách kiểm soát cơn giận hiệu quả.

Tôi tự hỏi rằng liệu đánh trẻ có gây... nghiện không? Tức là đã đánh con lần một, cha mẹ sẽ dễ dàng đánh con những lần sau? Như bản thân tôi, chỉ cần cảm thấy bực bội vì con không nghe lời, nếu không kiềm chế được cảm xúc, tôi sẽ để cho cơn tức giận chiếm hữu bản thân và vung tay lên thân thể con.

Tôi tự lý giải rằng, những hành vi trên đều là do tôi hành xử bằng thói quen. Và chưa có thói quen mới thay thế cho các ứng xử cũ. 

May mắn cho tôi (và cả các con tôi) là tôi vừa học được một bí quyết từ người chị của mình, đó là phương pháp “thoả thuận”. Tôi bắt đầu nói với con về việc uống sữa. "Chúng ta sẽ uống sữa sau khi viết bài, hoặc sau ăn cơm 30 phút" và con sẽ không đồng ý ngay đâu. Nhưng việc của tôi hay của những người làm cha mẹ trong tình huống này là bám vào thoả thuận đã xác lập để giữ cho con thói quen và kỷ luật.

Khi đã thoả thuận là con sẽ viết bài xong mới uống sữa thì có nghĩa con có khóc giữa chừng tôi cũng kệ, không đánh, không mắng và không để cảm xúc tiêu cực dẫn dắt.

Tôi phải mở rộng suy nghĩ của mình để đặt và tự trả lời câu hỏi:  Cuối cùng thì, cái việc viết rồi uống ấy có thực sự quan trọng không? Mục đích của nó là gì? Có khi nào bài viết đó quá dài, quá chán khiến con không thấy hứng thú?

Tôi cũng hỏi một chuyên gia tâm lý, rằng đánh con liệu có gây nghiện không? Như cô "dì ghẻ" kia, làm sao có thể đánh một đứa bé yếu đuối suốt 1 năm dài như thế và đánh mắng liên tục trong 4 tiếng được, trong khi người bình thường không thể làm được điều kinh khủng đó?

Câu trả lời tôi nhận là: chẳng ai nghiện đánh con, nhưng một khi cách ứng xử đó đã dần thành thói quen thì rất khó để thay đổi. Đó là chưa kể những đòn roi có thể khiến đứa trẻ trở nên lì đòn. Và chúng ta có xu hướng lặp đi lặp lại thành thói quen với tần suất dày hơn. Đến lúc đó, bạo lực và cơn nóng giận hoàn toàn làm chủ chúng ta.

Tôi tin không ai muốn đánh con và không có đứa trẻ nào muốn bướng bỉnh để bị đánh. Vấn đề là chúng ta có giải pháp cho từng tình huống cụ thể hay không mà thôi. Khi cảm thấy cơn giận sắp nổi lên, tôi sẽ đi tắm. Trong nhà tắm tôi sẽ mang theo điện thoại, mở nhạc to, bắt đầu tắm và chà rửa nhà vệ sinh...

Lúc mọi việc hoàn thành, cũng là lúc cơn nóng giận trong tôi đã hạ nhiệt. Bọn trẻ cũng bình tĩnh hơn và chúng tôi nói chuyện "phải quấy". Tôi nghĩ đây là giải pháp hiệu quả với cá nhân tôi, quý phụ huynh có thể thử...

Theo phunuonline