Coi giáo dục là ưu tiên số 1
Khi trẻ lên 4, cha mẹ bắt đầu dạy con đếm từ 1 đến 100, làm một số bài toán số học cơ bản và ghi nhớ bảng cửu chương. Song song với đó, cha mẹ yêu cầu trẻ học thuộc và trích dẫn được các bài thơ cổ từ đời nhà Đường. Và không quên sắp xếp các buổi học nhạc càng sớm càng tốt nhưng thường chỉ có hai lựa chọn là piano và violin.
Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ luôn đảm bảo có những buổi phụ đạo riêng và các lớp học tăng cường dịp nghỉ hè. Cha mẹ luôn thúc bách trẻ học thật chăm chỉ trong một môi trường cạnh tranh gay gắt, trước hết để vào các trường điểm và sau đó là đạt điểm cao trong kỳ thi đại học để đặt chân vào các trường danh tiếng như trường Dược, Luật, Xây dựng, Kinh tế.
Luôn theo sát con mọi lúc mọi nơi
Quên khái niệm về “mẹ hổ” đi nhé vì người Trung Quốc chọn cách làm cha mẹ kiểu trực thăng - nghĩa là lúc nào cũng bay vè vè trên đầu con giống một chiếc trực thăng. Một số phụ huynh chi số tiền bằng cả một gia tài để cho con học các khóa bồi dưỡng kỹ năng, tài năng như học nhảy, học đàn, học vẽ vào cuối tuần, kỳ nghỉ, sau giờ học. Một số phụ huynh khác cấm con chơi trò chơi điện tử, không bao giờ cho con ngủ lại nhà bạn qua đêm và yêu cầu trẻ có mặt ở nhà trước giờ ăn tối.
Cha mẹ cũng luôn đảm bảo rằng đứa trẻ phải được mặc thật ấm bất cứ khi nào có việc ra ngoài. Ngay cả khi con cái trưởng thành hết, cha mẹ vẫn khuyến khích chúng sống cùng nhà cho tới khi chúng kết hôn. Khi con cái cuối cùng cũng chuyển ra ngoài sống, cha mẹ thường bắt đầu mỗi cuộc điện thoại bằng câu hỏi: “Con đã ăn chưa?” cùng các câu hỏi khác về những chi tiết trong ngày hôm đó của con.
Nói chuyện về quá khứ, về truyền thống gia đình và đạo Khổng
Nếu đứa trẻ thuộc dạng lười ăn, cha mẹ sẽ nói với chúng về việc các thế hệ trước đã phải lớn lên trong thiếu thốn như thế nào, khi mà các loại thực phẩm như gạo, thịt, dầu đều được chia khẩu phần một cách cẩn thận. Họ cũng nhắc nhở trẻ về việc người lớn trong họ hàng từng phải làm việc 15 tiếng mỗi ngày trong nhà máy hoặc trên cánh đồng. Người Trung Quốc cũngdạy con cách xưng hô phù hợp với anh chị em họ hàng và thường nhắc chúng về sự ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, người lớn tuổi như một đạo hiếu. Và nếu cần chia sẻ câu nói thông thái nào đó, họ luôn trích dẫn đạo Khổng.
Thay đổi thái độ về chuyện yêu đương
Phần lớn người Trung Quốc cấm con mình không được yêu đương sau khi tốt nghiệp cấp 3. Họ coi việc yêu sớm trước khi học xong phổ thông là có hại, gây xao nhãng chuyện học hành và lãng phí thời gian. Một số bậc cha mẹ thậm chí còn từ chối thảo luận chuyện yêu đương và hiếm người chịu trò chuyện với con cái về tình dục.
Nhưng một khi đứa trẻ trở thành người trưởng thành thì chuyện tình yêu lại là mối bận tâm hàng đầu: “Tại sao cháu vẫn chưa có người yêu vậy?”.
Luôn thể hiện tình yêu “không lời”
Rất hiếm người nói với con họ rằng: “Cha mẹ yêu con” hay “Cha mẹ rất tự hào về con”. Thay vào đó, họ thể hiện tình yêu dành cho con bằng việc thúc con học thật chăm chỉ, thay đổi thói quen xấu, giảm cân. Khi lớn lên với những lời nhận xét không đổi, trẻ có thể học cách đối phó với việc bị chỉ trích và vượt qua.
Nếu bạn là một phụ huynh Trung Quốc, bạn sẽ nấu cho con bạn những món ăn ngon sau một ngày làm việc, sử dụng tiền tiết kiệm cả đời bạn để cho con cơ hội được nuôi dưỡng tốt nhất, thậm chí nhập cư vào nước khác để có cuộc sống tươi đẹp hơn. Và khi con bạn thành công ở lĩnh vực nào đó, bạn sẽ thực sự thể hiện niềm hãnh diện, tự hào của mình trước toàn thể bạn bè, họ hàng, người quen…
Vài nét về tác giả Yilin Wang là một nhà văn, nhiếp ảnh gia và gia sư. Cô đặc biệt đam mê kể chuyện, những quá trình đòi hỏi sáng tạo cao, dạy học và kết nối đa văn hóa. Những áng thơ và tiểu thuyết của Wang đã được xuất bản trên tạp chí Ricepaper, Cerebration Journal, Fault Lines Poetry Journal và tạp chí What If? Những bài viết thực tế của cô xuất hiện trên Matador Network, Business Insider, tạp chí Asian Traveler, Canadian Newcomer |
Theo Trí Thức Trẻ/ Afamily.vn