leftcenterrightdel
 

Gia đình chị Bùi Thảo - ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam - hiện có một bé trai sắp 5 tuổi, đang học mẫu giáo.

“Tôi là người chịu trách nhiệm phần nhiều về việc chăm sóc con. Trong ngày, tôi và chồng ai đi làm về sớm, ai rảnh thì người đó chăm con. Vì hoàn cảnh gia đình mẹ chồng mất, bố chồng có tuổi nhưng ở riêng, tôi không ở cùng bố mẹ chồng từ khi về làm dâu”, chị chia sẻ với Zing.

Với gia đình chị Thảo, áp lực lớn nhất trong vấn đề nuôi dạy con là tiền bạc, dù chi phí ở Nam Dương so với các thành phố khác tại Trung Quốc được coi là “khá dễ thở”.

Chị lo lắng về chi phí học tập và sức khỏe của cậu con trai 5 tuổi. Dù bé đang học mẫu giáo, chị Thảo đã suy nghĩ tới kỳ thi đại học.

“Tôi không chỉ lo trước mắt mà còn cả sau này, vì thí sinh có hộ khẩu Hà Nam được coi là cạnh tranh nhất nhì trong kỳ thi tốt nghiệp vào đại học. Do đó, việc học của các con từ cấp bé đã rất vất vả”, chị nói.

Viện Nghiên cứu Dân số Yuwa công bố báo cáo năm 2022 cho biết Trung Quốc là một trong những nơi nuôi con tốn kém hàng đầu, khi so sánh chi phí nuôi dạy tới năm 18 tuổi với tổng GDP ở các quốc gia khác nhau. Theo đó, ở Australia, con số này là 2,08 lần, trong khi Trung Quốc là 6,9 lần.

Theo Guardian, vào năm 2022, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ sơ sinh đến năm 17 tuổi ở khu vực thành thị Trung Quốc ước tính đạt 630.000 NDT. Năm 2019, nghiên cứu từ Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết gia đình có thu nhập thấp - khoảng dưới 50.000 NDT/năm - chi hơn 70% thu nhập cho một đứa trẻ.

Mẹ nhận trách nhiệm chính chăm sóc con

Anh Đôn Hải Nam - hiện làm hướng dẫn viên du lịch ở Trương Gia Giới - cùng vợ quyết định có con sau 6 năm kết hôn. Hai vợ chồng chuyển tới Thâm Quyến (Quảng Đông) để thuận tiện cho công việc, cũng như việc học của con cái trong tương lai. Gia đình anh đã chuẩn bị sẵn tinh thần và tài chính trước khi đón con chào đời.

Anh Nam cho biết hai vợ chồng lựa chọn bệnh viện nhi gần nơi sinh sống, với các dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, nhân viên y tế có chuyên môn, thái độ nhẹ nhàng, nhiệt tình.

Theo đánh giá của anh Nam, Thâm Quyến là một trong các thành phố hiện đại của Trung Quốc nên chi phí tương đối đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu khéo léo thì các gia đình vẫn có thể lựa chọn các dịch vụ phù hợp với điều kiện mỗi người.

“Ví dụ, việc tìm trường học cho con đều có nhiều lựa chọn cho người khá giả và người bình dân, dù tỉ lệ chọi khá cao do dân số rất đông”, anh nói.

“Vợ tôi nhập hộ khẩu Thâm Quyến và có đóng bảo hiểm y tế. Do đó, khi sinh con, chúng tôi chỉ phải chi trả 15% nên cũng không quá tốn kém”, anh Nam nói thêm, cho biết viện phí sinh con trước bảo hiểm là 20.000 NDT, nhưng chỉ cần trả 3.000 NDT.

Trong 2 tháng vừa qua, gia đình anh Nam chi khoảng 3.000 NDT/tháng cho em bé 2 tháng tuổi, tương đương 15% thu nhập bố mẹ. Anh chia sẻ vợ chồng anh có thu nhập trung bình - thấp ở Thâm Quyến.

Anh Nam cho biết vợ chồng cũng gặp một số khó khăn khi con ốm. Chẳng hạn, “thuốc thang đều là đông y, thủ tục khá phức tạp, không thuận tiện như dùng thuốc tây”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Gia đình chị Hoàng Thị Trinh ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Ảnh:NVCC.
 

Trong khi đó, ở thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến), chị Hoàng Thị Trinh có một bé trai 1,5 tuổi chưa đi nhà trẻ. Dù chưa có nhiều áp lực về việc nuôi dạy con học do có sự hỗ trợ từ chồng, chị Trinh chia sẻ tài chính vẫn là vấn đề khiến chị bận lòng.

“(Vấn đề này) ở đâu cũng vậy, không chỉ riêng Trung Quốc. Hiện tại, mỗi tháng gia đình tôi chi tiêu cho bé khoảng 7.000-8.000 NDT, chủ yếu là tiền ăn uống và bỉm sữa”, chị Trinh nói. “Chồng tôi nghe tôi mọi mặt trong nuôi dạy con, còn tôi cũng không ở với nhà chồng nên không có bất đồng gì”.

Chị Niệm Quang - chủ quán ăn ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây - hiện có một bé trai 3 tuổi đang học mẫu giáo. Vì tính chất công việc, hai vợ chồng chị thường đi sớm về muộn, do đó cậu bé thường được bà trông và lo ăn uống khi chưa đi học.

Từ khi đến trường, bé được thầy cô lo ăn uống và cả nhà sẽ thay phiên nhau đưa đón vì muốn con có cảm giác được yêu thương.

“Việc chăm sóc, tắm rửa và cho con ăn uống chủ yếu là mẹ lo, nhưng khi mẹ bận thì bà và bố cũng có thể thay. Dù bận, mỗi tuần hai lần, gia đình tôi vẫn tranh thủ đưa con đi chơi công viên hoặc siêu thị, tối cùng con xem phim hoạt hình và đọc truyện”, chị nói.

Vấn đề khó thông

Ngoài việc chăm sóc sinh hoạt hàng ngày cho con, các bậc phụ huynh Việt tại Trung Quốc cũng bỏ nhiều tâm sức vào con đường học hành, vì lo ngại áp lực thi cử cao ở quốc gia tỷ dân.

Theo chị Bùi Thảo, Hà Nam là tỉnh đông dân nhất nhì Trung Quốc, “do đó việc để con thi đỗ vào một trường cấp 2 tốt và thuận lợi vào một trường cấp 3 rất khó”. Nhiều học sinh không thi được phải chuyển sang trường vừa học văn hoá vừa học nghề.

“Ở Hà Nam thi cử rất áp lực. Chẳng hạn, con tôi thi 700 điểm mới được vào một trường đại học nhưng con bạn ở tỉnh Quảng Đông chỉ cần 600 hay 580 điểm là đỗ. Mỗi tỉnh thi xong sẽ có bảng xếp hạng riêng. Trường đại học đa phần dựa vào đó chọn sinh viên”, chị nói.

leftcenterrightdel
 Anh Đôn Hải Nam và con ở Thâm Quyến, Quảng Đông. Ảnh:NVCC.

Theo chị Thảo, tại Trung Quốc, các bé đi học từ mẫu giáo đến cấp ba đều sẽ có nhóm chat cho các bậc cha mẹ. “Ví dụ, con tôi học lớp nhỡ A1 sẽ có nhóm chat của phụ huynh và thầy cô giáo. Khi có việc cần, tất nhiên tôi sẽ liên lạc trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm (gọi điện hoặc thông qua nhóm chat)”.

“Một nhóm chat có bao nhiêu người tùy vào số lượng phụ huynh học sinh muốn tham gia. Thành viên thường là bố hoặc mẹ (ngoài ra có thể cả ông bà nội ngoại). Nhóm của lớp con tôi hiện có 30 người”, chị giải thích.

“Tôi không gặp vấn đề về ngôn ngữ khi giao tiếp với mọi người vì nói được tiếng phổ thông. Đến hiện tại, tôi chưa bị quá tải vì tin nhắn trong nhóm chat do con mới học mẫu giáo nhỡ, chưa có bài tập về nhà”, chị Thảo nói thêm.

Về phía chị Trinh, dù con trai chưa đến độ tuổi đi học, chị cũng đang tham gia trước một vài nhóm chat để học hỏi kinh nghiệm. May mắn chị tự tìm tòi học hỏi tiếng Trung nên đã nhận biết và đánh chữ khá tốt, không mấy áp lực khi giao tiếp với các bậc cha mẹ khác.

leftcenterrightdel
 Việc học của con là áp lực lớn với cha mẹ Việt ở Trung Quốc. Ảnh:Reuters.
 

Ngoài áp lực bằng cấp và chi phí, các bậc cha mẹ Việt ở Trung Quốc cũng đối mặt với những mâu thuẫn trong gia đình, do bất đồng về cách nuôi dạy trẻ.

Chị Niệm Quang chia sẻ vì sinh sống ở một đất nước khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ và khoảng cách thế hệ, sự bất đồng trong cách nuôi dưỡng và giáo dục con là “vấn đề cực kỳ khó thông giữa tôi và mẹ chồng”.

Với khúc mắc này, mỗi gia đình lại có những cách xử lý riêng. Về phía chị Bùi Thảo, vì con là bé trai nên chị nhận thức rõ vai trò cần thiết của người cha trong quá trình dạy dỗ.

“Khi chồng dạy con, dù sai, tôi cũng thường không can thiệp ngay lúc đó mà đợi cả nhà bình tĩnh lại rồi cùng bàn bạc, nhìn nhận vấn đề”, chị nói với Zing.

“Về phần ông bà nội, tôi sẽ nói trực tiếp với ông bà rằng ‘đây là con của chúng con, chúng con có quyền trên hết mọi người khi dạy dỗ cháu, bố mẹ phải tôn trọng cách dạy của chúng con’”, chị chia sẻ.

Anh Nam cũng cho hay đôi khi 2 vợ chồng có những tranh cãi nhỏ do khác biệt văn hóa. “Tuy nhiên, nếu thật sự quan yêu thương con cái thì 2 vợ chồng sẽ biết nhường nhịn, lắng nghe đối phương”.

“Chúng tôi xác định cùng nhau chăm sóc và giáo dục con cái. (Chẳng hạn) trong gia đình, tôi sẽ nói tiếng Việt, vợ tôi nói tiếng Trung. Dù vợ tôi nói tiếng Việt rất tốt, chúng tôi vẫn chọn cách này để con có thể học hai ngôn ngữ từ chính người bản xứ”, anh Nam chia sẻ.

Theo zingnews