leftcenterrightdel
 Sayuri Fujita quyết định trở thành mẹ đơn thân. Ảnh: Sayuri Fujita.

Sayuri Fujita, ngôi sao truyền hình Nhật Bản sống ở Seoul, gây chấn động làng giải trí Hàn Quốc khi công khai quyết định trở thành mẹ đơn thân vào năm 2020, theo The Korea Times.

Cô sinh con trai Zen nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở Nhật Bản. Phương pháp này gần như là bất khả thi đối với những phụ nữ chưa lập gia đình ở Hàn Quốc.

Nhiều tháng sau, sự xuất hiện của Sayuri trên chương trình thực tế của đài KBS, The Return of Superman, chia sẻ những khó khăn hàng ngày trong việc nuôi dạy con cái, đã tiếp tục thu hút sự quan tâm. Đây là lần đầu tiên chương trình ăn khách công khai cuộc sống của một bà mẹ đơn thân kể từ khi lên sóng vào năm 2013.

Trong những năm gần đây, Sayuri không phải là người duy nhất gây chú ý vì đại diện cho một hình thức gia đình "thay thế".

Hiện tượng này không còn hiếm gặp trong bối cảnh số lượng các hộ gia đình truyền thống bao gồm cha, mẹ, con cái đang giảm dần trên khắp châu Á.

Không có gia đình hoàn hảo

Chương trình thực tế của JTBC, Brave Solo Parenting: I Raise, kết thúc vào tháng 12 năm ngoái, đã mời những người nổi tiếng ly hôn kể về hành trình một mình nuôi dạy con cái của họ.

Chương trình thu hút sự chú ý khi giới thiệu cả những niềm vui và thách thức của việc làm cha mẹ đơn thân. Trong đó, câu chuyện của Lee Ji-hyun, cựu thành viên nhóm nhạc nữ Jewelry, người mẹ nuôi dạy cậu con trai mắc chứng tăng động giảm chú ý, gây ấn tượng mạnh.

Những câu chuyện khác liên quan đến các hình thức gia đình đa dạng cũng bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều trên các kệ sách.

I am Single by Choice and I Raise Children của tác giả Baek Ji-seon, người nhiều năm chứng kiến cuộc hôn nhân bất hạnh của cha mẹ và quyết định sống độc thân, trở thành sách bán chạy tại Hàn Quốc.

leftcenterrightdel
Lee Ji-hyun một mình nuôi các con sau khi ly hôn. Ảnh: Lee Ji-hyun. 

Bằng cách chia sẻ trải nghiệm nhận nuôi, chăm sóc và giáo dục con cái với sự giúp đỡ của mẹ và anh chị em, tác giả đã đưa ra cái nhìn mới mẻ về một hình thức gia đình phi truyền thống nhưng hoàn toàn khả thi.

"Nhiều người mắc kẹt trong suy nghĩa rằng gia đình chỉ có thể được hình thành thông qua hôn nhân. Nhưng không có gì xa lạ khi chính vợ/chồng lại là người đe dọa sự an toàn và hạnh phúc của con cái họ nhiều nhất. Suy nghĩ gia đình nhất thiết phải có cả mẹ và cha có thể gây hại cho những đứa trẻ".

Một cuốn sách khác, Lives of Women Forming a Two-Person Household, kể về hai người bạn chọn sống chung như thành viên trong một gia đình. Tác giả giải thích rằng hai cô gái ở với nhau không chỉ để chia sẻ chi phí thuê nhà và sinh hoạt, mà còn xây dựng mối liên kết tình cảm với nhau như những phụ nữ độc thân, độc lập.

"Đó là khoảnh khắc mà ước mơ mơ hồ của chúng tôi về việc xây dựng 'tình cảm chị em bền chặt' trở thành hiện thực", tác giả viết.

Mở rộng khái niệm gia đình

Tại nhiều nước châu Á, câu hỏi "Bạn đã lập gia đình chưa?" đồng nghĩa với "Bạn đã kết hôn chưa?". Gia đình từng được định nghĩa hạn hẹp là bao gồm vợ chồng và con cái, chỉ được hình thành dựa trên hôn nhân hoặc quan hệ huyết thống.

Tuy nhiên, với sự gia tăng số lượng người độc thân, cha mẹ đơn thân và việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại nhiều nơi, gia đình đang ngày càng đa dạng và được hiểu theo nghĩa rộng hơn.

Năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình một người ở Hàn Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục là 40,4%. Những người ở độ tuổi 20-30 là nhóm tuổi lớn nhất của hộ gia đình độc thân.

Tỷ lệ kết hôn và sinh con ở nước này đang ở mức thấp kỷ lục. Giới trẻ cho biết chi phí sinh hoạt và giá nhà cao khiến họ ngại lập gia đình.

Ở Hàn Quốc, sở hữu một ngôi nhà được xem là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Nhưng trong 4 năm qua, giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi.

Việc nuôi dạy con cái cũng trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí giáo dục tư nhân tăng cao đã khiến nhiều người phải tạm hoãn kế hoạch lập gia đình.

leftcenterrightdel
 Số lượng hộ gia đình một người không ngừng tăng tại các nước châu Á. Ảnh: AFP.

Chính phủ nước này thông báo sẽ xem xét việc mở rộng khái niệm "gia đình" bao gồm cả những người độc thân, sống thử và cha mẹ đơn thân.

Còn tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, những năm gần đây, nhiều người đang thành lập mạng lưới hỗ trợ giữa những người bạn thân hoặc đang sống cùng nhau như gia đình. Nhóm này cảm thấy hạnh phúc khi có quan hệ thân mật ngay cả khi họ không kết hôn.

Ở Đài Loan, thuật ngữ “gia đình đa dạng” dùng để chỉ sự đa dạng của cấu trúc gia đình.

Bên cạnh hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa từ năm 2019, xu hướng xây dựng gia đình với thú cưng cũng ngày một phổ biến. Khi tỷ lệ sinh giảm, số người nuôi chó hoặc mèo tăng nhanh. Một số thậm chí nhìn nhận và chăm sóc thú cưng như những đứa trẻ.

Theo zingnews