Ảnh minh họa
Bố mẹ nào cũng muốn nuôi dạy con tốt nhưng thường lúng túng khi tìm phương pháp phù hợp, không biết nên dạy con theo kiểu “cứng” của người Nhật, hay bình đẳng của người Mỹ… Thạc sĩ Phạm Thị Thúy nhìn nhận, hiện nay có rất nhiều phương pháp dạy con từ các nước “nhập khẩu” vào Việt Nam, ví dụ cách giáo dục con của Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Do Thái. “Vì có quá nhiều phương án nên nhiều phụ huynh băn khoăn không biết đâu là phương pháp phù hợp để áp dụng”, bà Thúy nói.
Thực tế mọi cha mẹ đều dành hết tình yêu thương và mong muốn trẻ phát triển tốt nhất. Cuộc khảo sát của thạc sĩ Thúy thực hiện năm 2011 trên 467 phụ huynh, ghi nhận: Tỷ lệ cha mẹ muốn con trở thành người tốt là cao nhất, số còn lại mong con giàu có (chiếm 1,1%), thành đạt (17,8%), tự tin (13,1%), hạnh phúc (10,9%).
Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng họ cảm thấy rất mệt mỏi, phiền phức, thậm chí bất lực vì không tìm được phương pháp dạy con hiệu quả. Bà Thúy khyên, muốn tìm được một phương pháp giáo dục phù hợp, cha mẹ cần hiểu rõ ưu nhược điểm của từng phương pháp giáo dục khác nhau, chẳng hạn như:
1. Dạy con kiểu Nhật
Cha mẹ Nhật vỗ về, yêu thương con, nhưng không phải trẻ muốn gì là có cái đó. Họ tôn trọng sở thích, ghi nhận những ưu điểm đang có của con. Đứa trẻ nào cũng có ưu điểm riêng, bố mẹ nhạy cảm sẽ nhận ra được một đứa trẻ học chưa tốt nhưng lại có lòng nhân hậu, một đứa trẻ chậm chạp nhưng lại rất cẩn thận. Khi được khen ngợi trẻ sẽ tự tin hơn.
2. Người Do Thái
Họ quan điểm “Trời sinh ra ta, ắt hữu dụng”, ai cũng có khả năng làm việc gì đó, không có kẻ bất tài vô dụng. Trong quá trình mang thai, họ áp dụng thai giáo, điển hình như việc bà bầu rèn luyện môn toán để con họ thông minh. Người Do Thái yêu thích đọc sách nên khuyến khích sự chú ý, giúp trẻ biết đặt câu hỏi để học được nhiều cái mới. Trẻ được học ngoại ngữ và Kinh Thánh từ nhỏ.
Họ giáo dục con biết quản lý tài chính từ sớm: 3 tuổi nhận biết được tiền và 5 tuổi biết kiếm tiền. Trẻ phải biết tự lập, tự cường, không sợ thất bại, được dạy lao động từ sớm. Chúng cũng được dạy giao lưu thân thiện với mọi người.
3. Mỹ
Người Mỹ giúp con độc lập, dũng cảm bằng cách cho bé ngủ một mình, ngã phải tự đứng lên, muốn làm gì phải dựa vào chính mình. Trẻ được tạo điều kiện phát triển khả năng sáng tạo: Có thể tự làm đồ chơi, khi hư thì tự sửa.
Trẻ em có quyền tự do sắp xếp thời gian và quyết định thời gian. Cha mẹ tôn trọng, yêu thương nhưng không chiều con. Trước khi quyết định điều gì, họ hỏi ý kiến con. Trẻ em được học tự giác xếp hàng từ nhỏ, không ồn ào nơi công cộng.
4. Pháp
Không phải lúc nào cũng chiều theo ý trẻ, không đáp ứng ngay yêu cầu của con. “Chờ đã” và “không” là câu nói nơi cửa miệng của cha mẹ. Họ rất tôn trọng con, “hãy để bé sống cuộc đời của nó”. Cha mẹ thiết lập những giới hạn nhưng để chúng có quyền tự do quyết định, như việc chọn bạn, thời gian đi chơi.
5. Khúc chiến ca của mẹ Hổ
Muốn con thành đạt phải hành hạ chúng: Không xem tivi, không chơi điện tử, không tham gia bất cứ chương trình nào nếu không có sự đồng ý của mẹ, không được thấp hơn điểm A, không chơi loại nhạc cụ nào ngoài dương cầm và vĩ cầm.
Đây là phương pháp gây tranh cãi dữ dội, nhiều người đồng tình nhưng không ít người lo ngại khi bị gò ép quá mức sẽ ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ. Bà mẹ Hổ Amy Chua tự hào khi áp dụng rất thành công phương pháp này với đứa con đầu và thất bại hoàn toàn với đứa con thứ hai, nó đã không chấp nhận và nổi loạn.
6. Phương pháp giáo dục sớm của Glenn Doman và Phương án 0 tuổi của giáo sư Phùng Đức Toàn
Các phương pháp này chú trọng phát triển toàn diện từ sớm. Glenn Doman khuyến khích cha mẹ trực tiếp dạy con bằng cách nói chuyện, chơi với trẻ. Chúng được học thông qua trò chơi, chơi mà học, học mà chơi. Phương pháp này đang được đề cao trên toàn thế giới.
Theo bà Thúy, mỗi phương pháp trên đều có những giá trị riêng. Đối với trẻ Việt Nam, muốn thành công cần phải hòa hợp được với môi trường, phong tục tập quán và con người. Do đó cha mẹ có thể dựa trên những phương pháp giáo dục con truyền thống, đồng thời học hỏi thêm những điều hay từ các nước.
Cách giáo dục của người Việt xưa có mục tiêu dạy con nên người, coi trọng đạo đức, lễ giáo, tình nghĩa, chăm chỉ lao động, lễ phép, “lá lành đùm lá rách”. Người Việt chú trọng hy sinh lợi ích của bản thân, vì lợi ích gia đình, dòng họ, coi trọng thứ bậc và trách nhiệm. Cha mẹ sống có trách nhiệm với con cái và con phải hiếu với bố mẹ. Chính điều này mà gia đình người Việt gắn kết với nhau hơn. Người phương Tây khi về già phải vào viện dưỡng lão, trong khi người già ở nước ta thường được con cái chăm sóc.
Người Việt với quan điểm “yêu cho roi cho vọt” cũng tạo nên sự nghiêm khắc, từ đó đưa trẻ vào nề nếp, biết vâng lời. Nhưng mặt trái là khiến trẻ vì nghe lời quá mà ngại đặt lại vấn đề, ngại nêu quan điểm và từ đó trở nên tự ti.
Ý kiến cá nhân bà Thúy cho rằng, cha mẹ nên dạy con theo phương pháp chiết trung, nghĩa là chọn những gì hay nhất, phù hợp nhất từ các phương pháp trên nhưng cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo. Ngoài ra, cần phải có sự thống nhất trong cách dạy con, không để tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Cha mẹ cũng cần nhạy cảm để hiểu con có hạnh phúc với cách mình dạy không, phương pháp mình đang dùng đã phù hợp hay chưa, từ đó thay đổi cho phù hợp.
Theo VnExpress