leftcenterrightdel
Đức và Mio đã kết hôn được 4 năm 

Chàng trai người Việt sinh năm 1994 và cô vợ người Nhật Bản sinh năm 1999. Sau gần 4 năm làm TikTok, đến nay kênh của cặp đôi đã có tới 2 triệu lượt theo dõi và gần 60 triệu lượt xem. Họ là Lê Chiêu Đức và Nakamura Mio. Cặp vợ chồng trẻ hiện sống ở Tokyo, hàng ngày giúp cộng đồng 2 quốc gia trở nên gắn kết, gần gũi hơn bằng những video trẻ trung, vui tươi đúng lứa tuổi của họ. 

Học tập và sinh sống ở Nhật Bản từ năm 2014, Lê Chiêu Đức (TP.HCM) nói, Nhật Bản giống như quê hương thứ hai của anh. Hiện tại, anh gần như không gặp bất cứ rào cản nào khi sinh sống ở thủ đô Tokyo.

Đức đang làm việc cho một công ty Việt Nam chuyên về viễn thông tại Nhật, còn Mio làm công việc bán thời gian tại nhà. 

Đức chia sẻ, anh quen Mio khi cả hai cùng đi làm thêm ở một quán ăn. Thấy Mio vui vẻ, hoà đồng, Đức lân la làm quen, rồi rủ cô đi chơi, đi ăn. Không lâu sau, anh tỏ tình và được chấp thuận. Chỉ sau 1 năm yêu nhau, cặp đôi đăng ký kết hôn, trở thành vợ chồng hợp pháp mặc dù chưa tổ chức đám cưới. “Vì thời điểm đó vướng dịch Covid-19 nên chúng tôi chưa làm đám cưới được” - Đức kể.

leftcenterrightdel
Đức và Mio hiện sống ở thủ đô Tokyo 

Suốt 4 năm hôn nhân, họ ở bên nhau, cùng điều chỉnh bản thân để hoà hợp với cuộc sống mới, văn hoá mới. Hàng ngày, Đức đi làm ở công ty từ 11h sáng đến 19h. Mio ở nhà làm bán thời gian, sau đó hoàn thành các công việc nội trợ. Khi Đức trở về nhà, luôn có sẵn một mâm cơm nóng hổi chờ anh. 

Trong cuộc nói chuyện, Đức không ngần ngại dành những lời “có cánh” cho vợ. 

Mặc dù kết hôn khi mới 20 tuổi nhưng Mio là một người vợ lý tưởng trong mắt chồng. “Cô ấy nói chuyện rất thông minh và luôn là người tư vấn, góp ý cho tôi trong công việc. Cô ấy cũng rất dịu dàng và ngọt ngào”.

Đức chia sẻ, có một điều anh nhận ra ở vợ mình và những người vợ Nhật Bản nói chung, đó là “họ rất yêu chồng, luôn nghĩ về chồng, quan tâm tới chồng từng chút một”. “Khi nấu ăn, cô ấy luôn nấu rất cẩn thận, từ khâu chọn món cho đến chế biến, luôn phải đúng công thức của món ăn đó, chứ không phải có gì nấu ấy, làm qua loa cho xong”. 

Anh cho rằng, có thể đó là một phẩm chất của người Nhật nói chung - thích làm đúng quy trình và cẩn thận trong mọi việc. Cả trong việc dọn dẹp nhà cửa, Mio cũng rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Đức không hề khó chịu trước sự kỹ tính đó, mà luôn học cách thích nghi, thay đổi bản thân để cùng chung sống, bởi vì anh biết đó là những thói quen tốt.

leftcenterrightdel
Hai vợ chồng Đức và bố của Mio 

Rào cản lớn nhất, nếu có, theo Đức, chính là ngôn ngữ, dù anh nói tiếng Nhật rất tốt. “Có những vấn đề dù tôi đã giải thích nhưng vợ không hiểu hết. Mình cũng không biết làm thế nào để diễn đạt cho cô ấy hiểu. Ví dụ chuyện nhiều người Việt sang Nhật làm việc và gửi tiền về cho gia đình. Cô ấy không thể hiểu được tại sao chúng ta không thể sống cho bản thân mình mà lại phải chịu trách nhiệm với gia đình nhiều đến vậy”. 

“Người Nhật sống rất độc lập. Bố mẹ già cũng không nhờ cậy đến con cái nên họ không thể hiểu được cách suy nghĩ của người Việt. Ở Nhật, thường chỉ có bố mẹ chăm lo và cho con cái mọi thứ, chứ ít khi có chuyện ngược lại”.

Chính vì những tình huống không thể giải thích một cách cặn kẽ và sâu sắc cho vợ hiểu, Đức gợi ý cô học tiếng Việt. “Một là để nói chuyện với chồng, bạn bè của chồng. Hai là để sau này còn về Việt Nam sống, bởi vì chúng tôi có kế hoạch vài năm nữa sẽ về Việt Nam” - anh giải thích.

Mio đồng ý ngay trước đề nghị này của chồng. Ban đầu, Đức định tự dạy tiếng Việt cho vợ. Nhưng chỉ sau 2 ngày dạy, cả hai nhận ra “bụt chùa nhà không thiêng”, kết quả không đạt được như mong muốn. Bẵng đi một thời gian, cách ngày về Việt Nam chơi khoảng 6 tháng, Mio quyết tâm học tiếng Việt để có thể nói chuyện được với gia đình chồng. 

Lần này, cô tham gia một lớp học tiếng Việt online do giáo viên người Việt dạy. Từ đó đến nay, Mio đã học tiếng Việt được gần 1 năm. Theo nhận xét của Đức, trình độ tiếng Việt của Mio hiện tại đã ở mức “một đứa trẻ 4-5 tuổi nói tiếng mẹ đẻ”. Để đạt được trình độ này là cả một quá trình nỗ lực, kiên trì của cô gái Nhật. Mio cho rằng, tiếng Việt với cô khó nhất là phần phát âm các dấu, bởi vì thanh âm khác nhau một chút là đã cho ra những từ khác hẳn nhau. 

Sau mỗi bài học online với cô giáo, Mio thường cố gắng luyện tập tiếng Việt với chồng. Trong 2 lần về thăm Việt Nam, Mio đã có thể giao tiếp những câu đơn giản với mọi người. Thậm chí, Đức còn dạy vợ nói chuyện với mẹ chồng bằng giọng Quảng Bình. 

Trong các video của 2 vợ chồng, Mio thường là “ngôi sao”, được người xem yêu mến nhờ sự vui vẻ. Ban đầu, Đức chỉ có ý định quay video đăng TikTok vì thấy vợ dễ thương. Nhưng sau khi nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người, anh chịu khó đầu tư quay kỳ công hơn những video ghi lại cuộc sống của 2 vợ chồng, những khác biệt giữa văn hoá Việt Nam và Nhật Bản. 

Kế hoạch của vợ chồng anh là vài năm nữa sẽ về Việt Nam sống. Mio ban đầu cũng e ngại về quyết định này, nhưng sau 2 lần về Việt Nam, được đi chơi và trải nghiệm cuộc sống ở TP.HCM và Phú Quốc, cô cảm thấy thoải mái và nghĩ mình có thể thích nghi được với cuộc sống ở Việt Nam. Hiện tại, cô vợ Nhật đang cố gắng học tiếng Việt thật tốt để chuẩn bị cho kế hoạch này.

Theo vietnamnet