Vấn đề kết hôn và ly hôn của "thế hệ con một" tại Trung Quốc làm các nhà chính sách đau đầu - Ảnh minh họa
Nếu thử tìm kiếm 2 từ khóa “kết hôn” và “ly hôn” trên trang tìm kiếm dành riêng cho Trung Quốc là baidu.com, bạn sẽ thấy 100 triệu kết quả cho mỗi từ khoá, tức sự quan tâm và thông tin liên quan tới việc kết hôn và ly hôn ngang nhau. Đây là số liệu phần nào thể hiện Trung Quốc đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ ly hôn cao nhất thế giới.
Những năm gần đây, tình trạng kết hôn - ly hôn trở thành vấn đề đau đầu với các nhà làm chính sách ở quốc gia châu Á này. Năm 2019, với tỷ lệ ly hôn khoảng 43%, toàn Trung Quốc có 9.471.000 cặp đôi đăng ký kết hôn thì con số ly hôn là 4.154.000. Năm 2020, bất chấp những tháng ảnh hưởng dịch COVID-19, tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc vẫn tăng, chiếm khoảng 43, 83% so với con số kết hôn.
Vì đâu việc ly hôn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này ngày càng tăng cao như vậy?
Đa phần việc ly hôn tại Trung Quốc đều là những cặp vợ chồng trẻ, yêu nhanh, kết hôn vội vã, ly hôn chớp nhoáng. Rất nhiều gia đình có cả vợ và chồng là con một, nên được cưng chiều từ nhỏ. Họ thiếu lòng bao dung, thấu hiểu, cảm thông chia sẻ nên chỉ cần một vài chuyện vặt vãnh, cỏn con như dầu, chè, mắm, muối… cũng đủ để họ đưa nhau ra tòa.
Dường như từ “ly hôn” luôn thường trực trong đầu của những cặp vợ chồng trẻ này. Chồng quên sinh nhật vợ - ly hôn. Vợ đi ăn ngoài mà quên điện thoại về báo chồng - ly hôn…
Luật Ly hôn ban bố năm 2003 tại Trung Quốc bỏ qua giai đoạn thẩm tra của cơ quan chức năng, nên chuyện ly hôn diễn ra nhanh chóng, dễ dàng. Trung Quốc cũng trở thành quốc gia có thủ tục chia đôi gia đình đơn giản nhất thế giới. Chỉ cần hai vợ chồng cùng tới tòa là có ngay giấy chứng nhận ly hôn.
Không ít cặp vợ chồng tối nay cãi cọ, sáng mai dắt nhau đến tòa thì đã chính thức thành người xa lạ, tới chiều hối hận thì đã muộn.
"30 ngày hòa giải" trước ly hôn của Trung Quốc hy vọng sẽ giảm thiểu tỷ lệ ly hôn đang tăng nhanh chóng mặt- Ảnh minh họa
Luật Ly hôn mới của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, trình tự việc đăng ký ly hôn bao gồm: nộp đơn, thụ lý, hòa giải, thẩm tra, đăng ký (cấp giấy chứng nhận ly hôn)… Trong đó, đáng chú ý là giai đoạn hòa giải, cụ thể là trước khi ly hôn các cặp vợ chồng ở Trung Quốc phải làm nhật ký hòa giải trong 30 ngày. Trong khoảng thời gian đó, chỉ cần một bên không muốn ly hôn có thể đến cơ quan có thẩm quyền xin hủy đơn. Sau 30 ngày, hai vợ chồng phải cùng có mặt tại cơ quan chức năng để xác nhận lại tình trạng ly hôn. Nếu cả vợ và chồng đều không đến thì xem như đơn xin ly hôn bị hủy bỏ.
Thời gian 30 ngày hòa giải của Trung Quốc có cần thiết hay không?
Hiện nay có nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa giai đoạn hòa giải vào luật ly hôn để hạn chế tỷ lệ ly hôn gia tăng cũng như cho hai vợ chồng có khoảng thời gian nhất định để suy nghĩ thật tường tận về mối quan hệ của mình.
Chẳng hạn như tại Mỹ phải mất 6 tháng chờ đợi mới hoàn tất được thủ tục ly hôn. Còn tại Pháp, nếu chỉ một hoặc cả hai bên tuyên bố ly hôn thì sau 9 tháng mà vẫn không thể nào hòa giải, hàn gắn được thì mối quan hệ vợ chồng mới thực sự chấm dứt.
Đặc biệt tại Canada, chỉ những người có hôn nhân đổ vỡ và ly thân trong vòng một năm mới được phép làm tủ tục ly hôn, ngoại trừ có bằng chứng ngoại tình hoặc lạm dụng... Tại Việt Nam, sau 15 ngày hòa giải không thành, Tòa án mới công nhận thuận tình ly hôn cùng những vấn đề liên quan khác.
Theo cơ quan chức năng của Trung Quốc, thời gian hòa giải 30 chỉ phù hợp cho những đối tượng mà cả vợ và chồng muốn ly hôn. Còn đối với các vụ bạo lực gia đình, đương sự có thể trực tiếp đưa đơn đến toà mà không cần chờ đợi 30 ngày hòa giải.
Luật Ly hôn mới năm 2021 của Trung Quốc chưa chắc giải quyết được vấn đề căn bản của hôn nhân và làm giảm đi tỷ lệ ly hôn đang tăng nhanh đến chóng mặt, nhưng thiết nghĩ đây là vấn đề hợp lý và cần thiết. 30 ngày hòa giải là cơ hội tốt để cả hai vợ chồng bình tâm nhìn nhận lại tình trạng hôn nhân một cách thấu đáo nhất, tránh việc nóng vội đưa ra quyết định ly hôn rồi lại hối hận. Ngoài ra, nếu cần thiết, trong thời gian này, hai bên có thể tham vấn các nhà tâm lý, chuyên gia tư vấn hôn nhân trước khi quyết định cuối cùng...
Tuy nhiên quy định về ly hôn mới cũng là áp lực đè nặng lên tỷ lệ kết hôn đang ngày một giảm của Trung Quốc. Vì nhận thấy thủ tục ly hôn rắc rối hơn, nên giới trẻ e ngại kết hôn bởi tâm lý "vào dễ ra khó", ngại những mệt mỏi, căng thẳng.
Nhiều người hay đùa: “Hôn nhân là mồ chôn tình yêu", "hôn nhân là cái lồng mà người ở ngoài muốn vào, kẻ ở trong muốn ra”. Các chuyên gia xã hội học, chuyên gia tâm lý thì luôn nhắc rằng: dù bạn đang đứng ở vị trí nào, trong hay ngoài hôn nhân, điều cần nhất vẫn là phải trân quý hiện tại, biết yêu thương và quý trọng bản thân, để vui tươi và hạnh phúc trong mọi phút giây sống...
Theo phunuonline