Ai từng xem những đoạn clip cô bé xinh xắn, dễ thương mang hai dòng máu Việt – Thụy Sĩ nói được cả 3 thứ tiếng Việt, Anh và Ý, hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên và trầm trồ trước tài năng của cô bé này. Và đương nhiên, bạn cũng sẽ muốn biết mẹ cô bé là ai, sao lại có thể dạy con nói được tiếng mẹ đẻ sõi như vậy phải không? 

Đó chính là bà mẹ người Việt tên Hoàng Ngọc Đồng An, mẹ của hai "thiên thần nhí" Camilla Thy Thy và Annalisa LyLy. Cả hai cô bé đều nói tiếng Việt rất giỏi, thậm chí là còn nói được giọng Huế, quê hương của mẹ An. 

Đối với bất kỳ Việt kiều nào, dù đang ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này đều mong muốn được biết hoặc nói được dù chỉ là một chút tiếng mẹ đẻ của mình. Nhiều em bé gốc Việt sinh ra ở nước ngoài rồi nói luôn tiếng bản địa mà quên đi văn hóa và tiếng mẹ đẻ. 

Hiểu được tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ giúp gắn kết tình cảm mẹ con, ông bà với các cháu, và đặc biệt là để con không quên đi gốc rễ, nguồn cội của mình nên ngay từ khi mang bầu bé Thy Thy, mẹ Đồng An đã quyết tâm dạy con nói bằng được tiếng Việt để đi đâu con cũng có thể tự hào mà nói rằng: “Con là cô bé gốc Việt và con có thể nói được mẹ đẻ”.

Chị Đồng An cùng hai con gái xinh xắn, đáng yêu Thy Thy và Ly Ly.

Nói như vậy nhưng để dạy được một đứa trẻ nói một thứ tiếng mà xung quanh không có ai nói ngôn ngữ đó thì quả là một việc hết sức gian nan, thế nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực và lòng kiên trì, chị An đã thành công xuất sắc trong việc dạy con nói tiếng mẹ đẻ khiến bao người phải xuýt xoa khen ngợi và trầm trồ thán phục.

Cùng trò chuyện với chị Đồng An để xem chị đã dạy hai cô con gái xinh xắn, dễ thương của mình học nói tiếng Việt như thế nào nhé.

Chào chị Đồng An, được biết chị có hai cô con gái vô cùng dễ thương, đáng yêu là Camilla Thy Thy và Annalisa Ly Ly. Dù được sinh ra ở Thụy Sỹ, xung quanh toàn người bản địa, chỉ có mỗi mẹ nói tiếng Việt nhưng cả hai bé đều nói tiếng mẹ đẻ rất tốt. Chị đã dạy con như thế nào? 

Chào bạn, rất vui được trò chuyện với bạn. Thực ra, cách duy nhất để hai bé nói tiếng Việt tốt như hiện nay là mình rất nghiêm túc khi nói tiếng Việt với các con. Mình thường nói tiếng Việt hoàn toàn với các bé, hạn chế nói nhiều ngôn ngữ cùng lúc, kiểu như đang nói tiếng Anh lại chêm vài từ tiếng Việt. 


Cô bé Thy Thy từng làm chao đảo cộng đồng mạng với clip nói tiếng Việt với mẹ khi mới 4 tuổi.

Bé Camilla Thy Thy sở hữu vẻ đẹp lai vô cùng dễ thương, đầy cuốn hút.

Khi các bé "lỡ" có trả lời bằng ngôn ngữ khác hoặc vô tình trộn lẫn ngôn ngữ với nhau thì mình nhắc nhở và chỉnh sửa ngay. Nếu ai thường xuyên theo dõi các video cũng sẽ thấy điều này. Dạy ngôn ngữ cần sự kiên trì và nghiêm túc, nhất là trong một môi trường ít người sử dụng ngôn ngữ mà mình đang dạy, nếu không rất khó thành công.

Bên cạnh đó mình cũng thường khuyến khích các con nghe nhạc Việt và hát những bài tiếng Việt để tăng thêm vốn từ vựng cũng như niềm yêu thích tiếng mẹ đẻ của con. Vì vậy các con của mình yêu tiếng Việt lắm, có thể nói mọi lúc mọi nơi mà không hề cảm thấy mắc cỡ. Thậm chí Thy Thy còn hào hứng dạy lại cho người bên này khi họ muốn học một số từ nào đó nữa.

Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về quá trình dạy con nói tiếng Việt đã diễn ra như thế nào?

Ngay từ khi mới mang bầu Thy Thy, mình đã tìm hiểu và đọc được một số tài liệu nói rằng cho trẻ tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ thì sẽ kích thích phát triển, có lợi cho trí não. May mắn là Thy Thy sinh ra trong một gia đình có bố mẹ nói hai thứ tiếng, có bố là người Thụy Sĩ, mẹ là người Việt nên bé được học song song hai ngôn ngữ. 

Giờ đây, cô bé Thy Thy nhỏ nhắn xinh xắn đã 9 tuổi. Cô bé còn có hẳn một trang Fanpage
trên Facebook với hơn 100.000 lượt theo dõi.

Trong quá trình mang thai Thy Thy, lúc đó con vẫn nằm trong bụng mẹ, mình đã hát hò, đọc truyện và thủ thỉ với con để con nghe thấy tiếng mẹ mỗi ngày, giúp bé cảm nhận về sự quan tâm của mẹ, từ đó bé có thể quen dần với giọng nói và ngôn ngữ của mẹ

Từ khi sinh Thy Thy, mình chỉ nói chuyện với con bằng tiếng Việt, mình thường nhắn nhủ với con rằng con phải học giỏi tiếng Việt để trò chuyện với mẹ cho tình cảm và còn trò chuyện với ông bà ngoại nữa vì bà chỉ nói được tiếng Việt. Có vẻ như con đã nghe và hiểu được lòng mẹ nên bé học và bắt chước rất nhanh.

Khi con bắt đầu tập nói, mình nói chuyện với con bằng tiếng Việt 100%. Mình dạy con hát, đọc thơ và kể chuyện bằng tiếng Việt cho con mỗi ngày. Khi kể chuyện cho con, mình thường chọn những mẩu chuyện ngắn với những từ ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất. 

Trong mỗi câu chuyện, nếu có từ nào mình chưa từng nói với con, mình thường giải thích nghĩa của từ đó cho con rồi mới tiếp tục câu chuyện. Nhờ vậy mà càng lớn Thy Thy càng để tâm và luôn thắc mắc mỗi khi nghe những từ ngữ lạ. Thế nên không ít lần mình bối rối không biết trả lời con thế nào, lại phải bảo con đợi mẹ kiểm tra lại rồi giải thích cho con sau.

Có một kỷ niệm vui thế này, hôm đó trời mưa, mình kêu Thy Thy ra: “Thy Thy ơi, nhìn ngoài kia, mưa đang bay”, con bé bất ngờ hỏi lại mẹ: “Làm sao mưa bay vậy mẹ? Mưa đâu có cánh mà bay”. Mình “đứng hình” luôn, không biết phải giải thích sao cho con hiểu.

Còn ông xã thì cố gắng hiểu những gì Thy Thy muốn nói, đáp ứng nhu cầu của con để con nói được tiếng Việt. Có điều may mắn nữa là ông xã mình rất hiểu, đồng cảm và cố gắng giúp mình dạy con nói tiếng mẹ đẻ vì ở vùng mình sống hầu như không có ai nói tiếng Việt. Ông xã cũng cố gắng hiểu những từ đơn giản và thông dụng mỗi ngày trong tiếng Việt để chăm sóc con. Khi trả lời con thì ông xã mình dùng tiếng Anh, nhờ thế vốn tiếng Anh của bé cũng khá hơn nhiều.

Cứ như vậy, ngày qua ngày, nhờ những bài hát, bài thơ, những câu chuyện mẹ kể, dù đơn giản thôi nhưng tình yêu tiếng Việt trong Thy Thy lớn dần, bé có thể nói được rất nhiều câu từ và biết diễn đạt cảm xúc của mình bằng tiếng mẹ đẻ rồi trò chuyện qua Internet với ông bà ngoại ở bên Mỹ.

Theo chị thì điều gì là quan trọng nhất trong quá trình dạy con nói tiếng mẹ đẻ trong môi trường ngoại quốc?

Có rất nhiều yếu tố tác động, nó có thể là yếu tố tích cực giúp con học nhanh hoặc yếu tố tiêu cực khiến con cảm thấy chán. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là phải có sự kiên trì, không bỏ cuộc giữa chừng và biết cách động viên khích lệ con.

An cho rằng, muốn con thích học nói và nói nhiều thì người lớn chúng ta phải siêng trò chuyện và kiên trì lập lại từ mỗi ngày kể từ khi bé còn ẵm ngửa, chưa biết lật, biết ngồi thì tới giai đoạn học nói bé sẽ tiếp thu rất nhanh. Bên cạnh đó hãy siêng hát hò, đọc truyện mỗi ngày cho bé cũng là cách giúp bé học thêm nhiều từ mới và bé yêu thích âm nhạc cũng rất có lợi cho trí não của bé nữa.

Bé Ly Ly, em gái Thy Thy, cũng sở hữu nét đẹp lại không kém gì chị.

Dễ thương thế này thì ai mà không yêu cho được.


Dù mới 3 tuổi nhưng Ly Ly cũng nói tiếng Việt rất tốt.

Càng nói thì trẻ sẽ càng giỏi ngôn ngữ hơn, vì có những từ ngữ phải nhắc đi nhắc lại mỗi ngày và mất một thời gian rất dài bé mới tự nhớ được. Nếu chúng ta không đủ kiên nhẫn thì rất dễ bỏ cuộc trong quá trình dạy con. Thy Thy cũng vậy, nhiều lúc mình dạy những từ đơn giản nhưng phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần con mới nhớ. 

Bên cạnh đó là những lời động viên, khích lệ con đúng lúc. Mỗi khi con nói được hoặc làm được việc gì tốt thì cần có những lời khen kịp thời để con cảm thấy vui, hứng thú hơn.

Giờ đây, khả năng nói tiếng Việt của Thy Thy đã khá tốt. Mỗi khi ra ngoài, con bé có thể tự hào khoe rằng cháu có thể nói được 3 ngôn ngữ. Khi nghe bé nói được tiếng Việt, mọi người xung quanh khen ngợi, giúp bé càng yêu thích và tự hào hơn về tiếng mẹ đẻ của mình.

Dù ở nhà hay ra ngoài chơi thì bé luôn nói chuyện với mình bằng tiếng Việt. Con không hề cảm thấy mắc cỡ khi nói và hát tiếng Việt cho những người ở đây nghe. Cũng nhờ những lời khen tặng mọi người, dù họ không hiểu những gì Thy Thy nói, mình càng tự tin hơn trong việc dạy tiếng Việt cho con.

Gia đình hạnh phúc của hai bé Thy Thy và Ly Ly.

Đó là những kinh nghiệm mình rút ra được trong quá trình dạy con nói tiếng mẹ đẻ. Cho đến sau này, khi sinh bé thứ 2 là Ly Ly mình cũng áp dụng phương pháp này, kết quả là bé cũng nói được tiếng Việt, thậm chí còn nói tốt hơn cả chị khi bằng tuổi.

 (Ảnh: FBVV)

Theo Trí Thức Trẻ/ Afamily.vn