Chị Nguyễn Thị Thu, một mẹ Việt đang sống tại Nhật - người trong vài năm qua đã có rất nhiều những bài viết hữu ích về việc nuôi dạy con kiểu Nhật chia sẻ với các cha mẹ Việt. Chị vừa có một chia sẻ rất tâm huyết và cụ thể về “ám ảnh cân nặng, chiều cao” khi nuôi con của bố mẹ Việt vì nhận được rất nhiều câu hỏi của các bố mẹ về các loại thuốc tăng chiều cao cho con của Nhật có tốt không, thuốc tăng cân có hiệu quả không? Theo chị Thu: "Con không cần thuốc để tăng chiều cao, cân nặng; Không phải cứ cái gì của Nhật đem về đều tốt; Không phải cứ cho uống sữa, thuốc tăng chiều cao, thuốc tăng cân thì con cao lớn; Không phải cứ cho học thẻ, lớp giáo dục theo phương pháp ABC thì con sẽ thông minh… và chị đưa ra những thông tin cụ thể dưới đây để các bố mẹ tham khảo:
1. Dân trí càng thấp thì con càng bị béo phì, học kém
Tokyo có 23 quận, mình sống ở quận thuộc hàng giàu nhất (thứ tự từ dưới đổ lên), nơi mình ở bệnh viện răng hàm mọc nhản nhản như nấm sau mưa. Cậu bạn của mình là con một nha sĩ đã chỉ cho mình nguyên nhân thế này: Ở quận nào nghèo nhất thì càng có nhiều người bị bệnh về răng (sâu răng…) do thu nhập thấp, trình độ dân trí cũng thấp nên họ chỉ ăn những thực phẩm loại hai thôi và không chú trọng bảo vệ răng, vì thế nên dễ gặp vấn đề về răng miệng.
Mở rộng ra các vấn đề khác liên quan đến giáo dục, đời sống. Càng các quận nghèo, dân trí càng thấp thì tỉ lệ trẻ bị béo phì càng nhiều, trẻ đi ngủ trễ càng nhiều, thành tích học tập càng thấp so với những quận có thu nhập cao, trình độ dân trí cao như là Minato, Chiyoda hay Edogawa…
Ở những nước phát triển như Nhật chẳng hạn, bố mẹ càng hiểu biết thì càng chú trọng đến giáo dục con cái, nên con càng ít bị béo phì, càng có thói quen sinh hoạt đúng quy tắc (ngủ sớm, dậy sớm), càng được vận động nhiều, trải nghiệm nhiều. Họ sẽ tìm hiểu kỹ càng mọi thứ liên quan đến sức khỏe và sự phát triển của con, họ đủ hiểu biết để phản biện và nhận biết đâu là tốt cho con trước những thông tin quảng cáo nhan nhản ở Nhật nào là thuốc giúp con phát triển chiều cao, cân nặng, giáo dục sớm theo ABC…
Mình xin trả lời rằng ở Nhật những cha mẹ hiểu biết họ không bao giờ dùng mấy thứ thuốc đó cho con đâu. Ngay cả bác sĩ cũng không khuyên dùng nếu con bạn không bị bất cứ vấn đề gì khác thường. Những bạn bè xung quanh mình, họ đủ hiểu biết, và bác sĩ tư vấn giúp họ hiểu rằng cách giúp con phát triển chiều cao và cân nặng bền vững nhất chính là rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, vận động thích hợp chứ không thể dựa vào mấy lọ thuốc nhét vô người con được.
Vấn đề của phụ huynh ở Việt Nam là họ thiếu thông tin chính thống, rồi áp lực tâm lí con phải cao lớn, rồi đôi khi ít chịu tìm hiểu nên cứ nghe quảng cáo "của Nhật" là gật gù có vẻ tin được. Mà đây lại là tâm lí cực kỳ tai hại, vì nó khiến mình mù quáng không có sự tìm tòi phản biện để hiểu được đâu là bản chất đúng sai.
Thường xuyên được mẹ cho đi chơi công viên và hoạt động thể chất ngoài trời nên bé Bon là một em bé rất khỏe khoắn, vui vẻ.
(Ảnh: NVCC)
2. Bỏ đi nỗi ám ảnh chiều cao, cân nặng
Điều mình sung sướng nhất khi chơi với các ba mẹ Nhật là họ chưa bao giờ hỏi nhau con chị bao nhiêu kí, cao bao nhiêu hoặc chưa bao giờ nghe họ than thở ôi con tôi lười ăn lắm, còi lắm... Họ không thể hiện sự quan tâm cho người khác thấy, không đánh giá con người khác, cũng không chê và so sánh con mình.
Mình nghĩ hiện nay cha mẹ Việt Nam cũng đã thay đổi nhận thức về chuyện chiều cao, cân nặng, nhưng có vẻ áp lực từ xã hội và từ phía ông bà còn khá lớn. Mình mong mọi người hãy quẳng cái cân và ngừng so sánh chiều cao, cân nặng của con mình với con bạn, ngừng nghe mấy ống bác sĩ phán rằng con bạn bị suy dinh dưỡng trong khi nó vẫn lớn, vẫn khỏe mạnh.
Tâm lí muốn con cao lớn chính là một tâm lí vô hình tiếp tay cho những chiêu PR về thuốc “thần dược” giúp con cao lên, nặng lên. Trong khi những thuốc đó cha mẹ hiểu biết và bác sĩ Nhật không bao giờ khuyến khích dùng. Ăn uống đủ dinh dưỡng (chú trọng lấy dinh dưỡng từ thực phẩm lành mạnh) và vận động, ngủ đủ giấc chính là chìa khóa quan trọng nhất để xây dựng nền tảng thể chất cho con. Cha mẹ ở Nhật rất chú trọng điểm này để giúp con cao lớn.
Mình không muốn ám chỉ bất kỳ nơi bán thuốc nào, chỉ mong mỗi cha mẹ hãy dành thời gian đọc sách, tìm hiểu thông tin chính xác để chọn cái gì tốt nhất cho con mình, tránh thông tin “nghe đồn”, tránh tâm lí “của Nhật thì chắc tốt”, vì như thế sẽ chỉ có hại cho con.
Rất nhiều mẹ kể với mình rằng hiện nay bạn bè xung quanh họ đang phải đối mặt với việc con bị dậy thì sớm do quá chú trọng tăng cân nặng chiều cao, bổ sung dưỡng chất mà quên đi rèn luyện thể chất và thói quen sinh hoạt khỏe mạnh cho con. Điều ba mẹ Việt Nam thiệt thòi nhất chính là có một hệ thống thông tin tư vấn chính thống để giúp cha mẹ hiểu đâu là cái gì tốt nhất cho con.
3. Món quà quý báu mà cha mẹ tặng con: thói quen ăn uống lành mạnh, sinh hoạt vận động thể chất đầy đủ
Mình nghĩ rằng nuôi con không bao giờ là dễ dàng nên con đường dễ dàng nhất là con đường chứa nhiều hiểm họa nhất. Chỉ cần cho con vài lọ thuốc con sẽ cao lên hoàn toàn không phải là cách nuôi con mình tán thành. Hay cho con tham gia vào các lớp giáo dục theo ABC cũng không phải là cách mình làm với con, vì con cần thời gian, cần ba mẹ dụng tâm nhiều hơn là để phó thác con cho một nơi nào đó.
Nuôi một con heo chỉ 3 tháng là bán nên người ta cố dùng cám tăng trọng để tăng kí. Nuôi heo để bán, con heo ăn cám tăng trọng thì thịt nó toàn nước, đâu có ngon lành gì.
Nhưng con người đâu phải là heo, con người phải hoài thai 9 tháng trong bụng mẹ, phải mất 1 năm để biết đi, mất 18 năm để trở thành một con người trưởng thành, hoàn thiện các kỹ năng để bước vào cuộc sống xã hội. Thế thì hành trình ấy rất cần cha mẹ phải tốn thời gian, tốn công sức để giúp con hình thành những kỹ năng ấy. Giúp con lớn lên thông qua thói quen ăn uống lành mạnh khoa học, thói quen vận động cơ thể, thói quen sinh hoạt điều độ chính là món quà lớn nhất ba mẹ có thể dành cho con trên hành trình cần sự bền bỉ này.
Vài nét về tác giả: Là mẹ Việt có một cậu con trai 2 tuổi đáng yêu đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản, chị Nguyễn Thị Thu từng có nhiều quan điểm nuôi dạy con thú vị được nhiều bà mẹ chia sẻ. Chị đồng thời là dịch giả của cuốn sách: “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” được rất nhiều bà mẹ trẻ tìm đọc. Chị là người đầu tiên giới thiệu văn hóa đọc ehon (truyện có tranh minh họa cho trẻ 0-10 tuổi) cho con của cha mẹ Nhật đến đông đảo cha mẹ Việt Nam. |
Theo Nguyễn Thị Thu / Trí Thức Trẻ/ Afamily.vn