Bài viết dưới đây là ghi nhận của nhà giáo Nguyễn Quốc Vương - người đã sống tại Nhật 7 năm, hiện là nghiên cứu sinh về lịch sử, giáo dục tại Nhật sau năm 1945 - về sự thay đổi trong tâm lý ưa thích sinh con trai của người dân nước này. 

Các số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy rõ xu hướng "thích đẻ con trai" của người Việt. Dù là nông thôn hay thành thị, vẫn có những gia đình tan vỡ chỉ vì lý do "không có con trai" hay nhiều cặp vợ chồng dù có 2, 3 con gái vẫn ngược xuôi tìm cách để có được "con trai nối dõi". 

Xét ở khía cạnh này, xã hội Nhật Bản hiện tại có xu hướng gần như là đối ngược với Việt Nam. Điều này có thể thấy qua kết quả thu được từ cuộc điều tra về xu hướng sinh đẻ của Bộ Sức khỏe và Lao động Nhật Bản. Trong cuốn sách mới xuất bản tháng 3/2016 có tên Năng lực cơ bản của phụ nữ, tác giả Bando Mariko, đã dẫn lại kết quả điều tra toàn quốc cho thấy: có đến 77,8% các cặp vợ chồng được hỏi bày tỏ "Nếu chỉ sinh một người con thì tôi thích sinh con gái". 

Ảnh minh họa: Dariaratliff

Bà Bando Mariko, một người từng nhiều năm phụ trách công tác chính sách phụ nữ trong chính phủ Nhật, cho rằng, kết quả nói trên phản ánh sự biến đổi sâu sắc của nước Nhật. Bà lý giải: Ở nước Nhật trong thời kỳ mà chế độ gia đình truyền thống nhiều thế hệ cùng chung sống thịnh hành thì con trai sẽ là người kế nghiệp. Vì vậy, khi người vợ sinh được con trai, hàng xóm, họ hàng ai cũng đến chúc mừng. Trong các gia đình này, con dâu là người ít nhiều phải chịu đựng sự "hy sinh" khi vừa phải làm mẹ, làm vợ, làm dâu. Để có được địa vị vững chắc và vị thế cao trong gia đình nhà chồng và cộng đồng, người con dâu phải đẻ được con trai.

Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh dân số nước Nhật già hóa và tuổi thọ người dân tăng cao, nhu cầu phụng dưỡng về mặt kinh tế từ các con không còn quan trọng bằng giao lưu tinh thần, chăm sóc khi đau yếu. Do đó con gái sẽ trở thành lựa chọn tốt hơn con trai. Hơn nữa, ngày nay, đa số người Nhật nghĩ con trai một khi đã kết hôn sẽ trở thành "họ hàng" trong khi "con gái cho dù có lấy chồng thì vẫn là con gái mình". Ngoài ra, đàn ông nước Nhật khi trưởng thành bận lao động tối mặt để kiếm tiền nên không có thời gian chăm sóc bố mẹ. Ngay cả những người con có hiếu nhất cũng nghĩ "chuyện chăm sóc bố mẹ để vợ lo". 

Cũng theo tác giả Bando Mariko, những người đàn ông "không biết làm việc nhà" thường là những người ít có khả năng đáp ứng kỳ vọng chăm sóc bố mẹ khi già.

Bởi vậy trong xã hội Nhật Bản hiện đại, chuyện trọng nam khinh nữ dù vẫn tồn tại, đặc biệt là ở lĩnh vực tuyển dụng và đãi ngộ lao động, nhưng chuyện thích sinh con trai hơn con gái gần như đã trở thành "chuyện của ngày xưa". 

Nguyễn Quốc Vương/ VnExpress