Chỉ trong một tháng, Cốc Ái Lăng, 18 tuổi, đã nổi tiếng khắp Trung Quốc với tư cách là nhà vô địch bộ môn trượt tuyết trong Thế vận hội Mùa đông 2022 được tổ chức vào tháng 2 vừa qua. Kinh nghiệm sống và trải nghiệm của cô bắt đầu được các phương tiện truyền thông lớn đưa tin, mọi người mới biết thế nào là "thiếu nữ thiên tài" hay "thiên thần trượt tuyết".
Cốc Ái Lăng bắt đầu trượt tuyết từ năm 3 tuổi, giành chức vô địch trượt tuyết thiếu niên Hoa Kỳ năm 9 tuổi, tham gia các cuộc thi dành cho người lớn năm 13 tuổi, giành được hơn 50 huy chương vàng năm 15 tuổi, bắt đầu luyện tập cho Thế vận hội mùa đông khi 17 tuổi và hoàn thành động tác khó nhất trên bục ván đôi nữ và đứng trên bục cao nhất để nhận giải thưởng ở tuổi 18.
Ngoài đời, Ái Lăng giỏi bóng đá, bóng rổ, leo núi, lướt sóng và các môn thể thao khác, được nhận vào Đại học Stanford bằng nỗ lực của bản thân. Hiện tại, cô làm gương mặt đại diện cho gần 25 thương hiệu, sở hữu khối tài sản “khủng”.
Là người Mỹ gốc Hoa, Cốc Ái Lăng đã kết hợp nhuần nhuyễn lợi thế giáo dục của hai đất nước, điều này đã tạo nên tính cách tự tin, lạc quan và khiêm tốn của cô hiện tại. Đằng sau thành công của Cốc Ái Lăng chính là sự hướng dẫn của mẹ cô, Cốc Yến.
Thấm nhuần tư tưởng trong gia đình tri thức giàu có
Cốc Yến sinh ra ở Bắc Kinh vào những năm 1960. Cha bà là Cốc Chấn Quang và mẹ là Phùng Quốc Trân, hai người đều tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải, là thế hệ thành phần tri thức cao đầu tiên của Trung Quốc.
Ngoài học vấn cao, cha mẹ của Cốc Yến còn là những vận động viên giỏi. Cha bà là cầu thủ bóng đá, còn mẹ bà không chỉ là vận động viên bóng rổ mà còn giỏi hội họa, piano, bơi lội, trượt tuyết và các môn thể thao khác. Thời điểm đó, có thể được học những bộ môn thể thao trên cũng đủ chứng tỏ gia đình khá giả.
Bị ảnh hưởng bởi cha mẹ, Cốc Yến đã yêu thích trượt tuyết và trượt băng tốc độ trong mùa đông lạnh giá của Bắc Kinh. Những lần trượt ngã, chấn thương và leo trèo đã tạo nên tính cách ngoan cường và đặt nền tảng tâm lý cho sự nghiệp kinh doanh sau này của bà.
Cốc Yến được thừa hưởng gen ưu tú của cha mẹ. Năm 1981, bà trúng tuyển khoa Hóa học của Đại học Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, bà theo học thạc sĩ, trở thành “học trò ruột” của Thẩm Đồng, một nhà sinh vật học nổi tiếng người Trung Quốc.
Trong thời gian học tại Đại học Bắc Kinh, Cốc Yến làm huấn luyện viên trượt tuyết của trường và là thành viên đội trượt băng tốc độ cự ly ngắn. Bà đã đạt được thành tích xuất sắc trong cả học tập và thể thao. Tài năng của Cốc Ái Lăng trong lĩnh vực này rõ ràng được thừa hưởng từ mẹ cô, Cốc Yến.
Những năm 1980, Trung Quốc nổi lên xu hướng du học. Cốc Yến đến Đại học Auburn (Hoa Kỳ) để học hóa sinh và sinh học phân tử, sau đó đến Đại học Rockefeller để nghiên cứu di truyền phân tử và trở thành sinh viên hàng đầu trong lĩnh vực hóa sinh.
Dấn thân vào thương trường
Trong thời gian học đại học ở Mỹ, Cốc Yến vốn thích mạo hiểm và thử thách, dần yêu thích công việc đầu tư mạo hiểm đang thịnh hành ở Phố Wall lúc bấy giờ. Vì vậy, với số tiền dành dụm được, bà đã đến Học viện Kinh doanh thuộc Đại học Stanford để học lấy bằng MBA, hòng tăng sự tự tin trong sự nghiệp kinh doanh.
Trong khi các đàn anh đàn chị khóa trên của Cốc Yến tại Đại học Stanford bị ám ảnh bởi việc đầu quân vào công nghệ cao ở Thung lũng Silicon, Cốc Yến lại chọn Phố Wall. Bà làm trợ lý hành chính cho Lehman Brothers (tập đoàn chứng khoán và tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Hoa Kỳ) trong 4 tháng trong kỳ nghỉ hè và học về đầu tư kinh doanh. Bà nhận ra cốt lõi của lĩnh vực này là tầm nhìn và lòng dũng cảm.
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Học viện Kinh doanh Stanford, Cốc Yến gia nhập Bankers Trust (ngân hàng lớn thứ tám ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó), chịu trách nhiệm chính về các giao dịch của các loại sản phẩm phái sinh, đồng thời học các kỹ năng cần thiết với tư cách là một nhà đầu tư mạo hiểm.
Hai năm sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, Cốc Yến đã chọn rời Phố Wall và trở về San Francisco, nơi bà làm việc trong một công ty phần mềm ở Hoa Kỳ suốt 4 năm. Trong giai đoạn này, Cốc Yến chuyển trọng tâm đầu tư sang Trung Quốc và thành lập Công ty TNHH Công nghệ Thông tin Quốc tế Dongfang Weibo vào năm 1997.
Tôn chỉ của công ty Cốc Yến là: Sử dụng phương pháp quản lý hiện đại để thực hiện phương pháp phát triển bậc thang, giúp các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng phát triển thành các công ty niêm yết chứng khoán và các doanh nghiệp lớn quốc tế.
Với kinh nghiệm làm việc ở Phố Wall, Cốc Yến đã quen thuộc với hoạt động đầu tư mạo hiểm, có lẽ do sự phát triển kinh tế trong nước khác với triết lý đầu tư của Hoa Kỳ nên trong vài năm sau đó, công ty của Cốc Yến không phát triển vượt bậc, cuối cùng đã bị thu hồi vào năm 2002.
Gắn liền với quá trình trưởng thành của “thiên thần trượt tuyết”
Là một học giả cao cấp về di truyền sinh học, Cốc Yến nhận thức rõ tầm quan trọng của gen cha mẹ đối với sự phát triển sau này của con cái. Do đó, khi làm việc tại Hoa Kỳ, bà đã gặp cha của Cốc Ái Lăng, một sinh viên xuất sắc tốt nghiệp Đại học Harvard, cả ông nội của Cốc Ái Lăng cũng tốt nghiệp Đại học Stanford.
Vào tháng 9/2003, Cốc Ái Lăng được sinh ra ở California (Hoa Kỳ). Lúc này, Cốc Yến 36 tuổi cũng dần rút lui khỏi lĩnh vực đầu tư và tập trung vào việc nuôi dạy con gái.
Trong video phỏng vấn về Cốc Ái Lăng, ai tinh mắt cũng có thể thấy Cầu Cổng Vàng ở San Francisco bên ngoài cửa sổ ngôi nhà, cộng với việc đầu tư cho con như học piano, múa ba lê, khiêu vũ và thanh nhạc. Nhiêu đây thôi cũng đủ giải thích tình yêu và sự đầu tư của Cốc Yến dành cho con gái.
Từ dữ liệu video có thể suy ra rằng Cốc Yến đáng lẽ phải một mình nuôi con gái, trong hoàn cảnh sống như vậy, trên mặt Cốc Ái Lăng luôn tươi cười, đến những thời điểm quan trọng của trận đấu cô vẫn bình tĩnh thản nhiên.
Sau khi Cốc Yến rút khỏi lĩnh vực đầu tư, bà làm hướng dẫn trượt tuyết. Chịu ảnh hưởng của mẹ, Cốc Ái Lăng bắt đầu trượt tuyết từ năm 3 tuổi. Lúc đầu, Cốc Yến đưa con gái đi tập luyện với lý do rèn luyện sức khỏe, nhưng trong lòng bà không muốn con gái tham gia môn thể thao này.
Sau một thời gian tập luyện, Cốc Yến phát hiện ra tài năng trượt tuyết của con gái. Cốc Ái Lăng chỉ cần tập 2-3 lần là thành thục một động tác, trong khi những đứa bé cùng tuổi cần đến 2 ngày.
Cùng với thực tế là môn thể thao này cực kỳ mạo hiểm và thử thách, lại phù hợp với tính cách của Cốc Ái Lăng, một thế hệ mới các cô gái thiên tài trượt tuyết đã chính thức ra khơi. Và mẹ cô, Cốc Yến, chỉ có một yêu cầu đối với sự lựa chọn trượt tuyết của Cốc Ái Lăng: "Nếu con đã chọn, đừng bỏ cuộc!".
Chịu ảnh hưởng từ mẹ, Cốc Ái Lăng từ nhỏ đã có khả năng tự chủ siêu phàm, cô lập thời gian biểu theo độ tuổi của mình, dậy lúc mấy giờ, tập thể dục lúc mấy giờ, đi ngủ lúc mấy giờ, học bài lúc nào. Khi vui chơi, dù là mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh giá, cô vẫn kiên trì mỗi ngày.
Trường học của Cốc Ái Lăng cách khu nghỉ dưỡng trượt tuyết 4 giờ lái xe, để không lãng phí thời gian, cô đã học cách ăn, ngủ, thay quần áo và thậm chí làm bài tập trong ô tô.
Với sự nỗ lực không ngừng, Cốc Ái Lăng bắt đầu nổi bật trong cuộc thi, cô tham gia Giải đấu toàn quốc khi mới 9 tuổi và dễ dàng giành chức vô địch nhờ những động tác cực khó so với các bạn cùng lứa tuổi.
Phương pháp dạy con của Cốc Yến
"Nuôi thả", tập trung bồi dưỡng sở thích
Là một người mẹ, Cốc Yến luôn dạy Cốc Ái Lăng trở thành người có kết hợp giữa khiêm tốn và tự tin.
Theo Cốc Yến, muốn con phát triển thành tài thì bậc phụ huynh nên có trình độ văn hóa nhất định, đồng thời cố gắng hòa nhập với cuộc sống bên ngoài. không ngừng trau dồi khả năng sáng tạo của con trẻ, chứ không phải hoạch định trước hướng phát triển trong tương lai của chúng.
Cốc Yến quan niệm: Đừng cố gắng sửa sai cho con, đừng ngăn cản sự sáng tạo của con, bớt khen con thông minh, thay vào đó là khen chúng biết nỗ lực chăm chỉ.
Cốc Ái Lăng được tiếp xúc với nguyên tắc giáo dục “nuôi thả” từ nhỏ. Cốc Yến không bao giờ hạn chế sở thích của con gái mà thay vào đó, chỉ còn con thích thứ gì thì bà đều đầu tư hết sức có thể. Đơn cử chính là Cốc Ái Lăng yêu thích trượt tuyết và khiêu vũ. Bà đã đích thân lái xe 8 tiếng đưa con đến khu trượt tuyết thường xuyên.
Cốc Yến rèn cho con sự độc lập và tự giác, sống có nguyên tắc. Đây chính là một trong những yếu tố giúp Cốc Ái Lăng “đánh đâu thắng đó”, học gì cũng giỏi.
Cốc Yến cho con gái nhập học trường nữ sinh khi ở cấp bậc trung học cơ sở. Phương châm của trường là: giáo dục, tạo động lực và trao cho phụ nữ nhiều quyền lợi hơn. Bà muốn hình thành trong Cốc Ái Lăng nhận thức tiếng nói của phụ nữ, đấu tranh cho phụ nữ và khả năng suy nghĩ độc lập, cách ứng xử trong môi trường đám đông. Điều này đã hun đúc cho Cốc Ái Lăng sự tự tin và mạnh dạn để có thể bày tỏ nhiều ý tưởng trưởng thành ở tuổi 18.
Là một người mẹ từng trải qua sóng to gió lớn, Cốc Yến luôn tỏ ra bình tĩnh trước mặt con gái, ngay cả khi bị thương trong lúc luyện tập, bị sốt… bà vẫn luôn ứng phó điềm tĩnh. Bản thân Cốc Yến cũng thường xuyên bị thương trong quá trình tập luyện với con gái. Bà không những trở thành người thầy tốt, mà còn là người bạn hữu ích và người đồng hành ấm áp bên cạnh con. Từ đó ảnh hưởng đến Cốc Ái Lăng và giúp cô sở hữu sự vững chắc trong tư duy và ý chí.
Trong Thế vận hội mùa đông 2022, Cốc Ái Lăng nhiều lần lội ngược dòng và giành chiến thắng trong lần nhảy cuối cùng. Điều này cho thấy cô có khả năng xây dựng tâm lý vững vàng và sự tập trung cao độ khi thi đấu. Để có được kết quả như ngày hôm nay, chính là nhờ sự huấn luyện của mẹ Cốc Yến từ khi Cốc Ái Lăng còn là một đứa trẻ.
Mặc dù Cốc Ái Lăng sinh ra và học tập tại Hoa Kỳ, Cốc Yến đã đặc biệt chú ý đến việc tiếp thu và thấm nhuần văn hóa truyền thống Trung Quốc của con gái. Mỗi kỳ nghỉ hè, bà sẽ cùng con trở về Trung Quốc, cho con cơ hội để mở rộng sự hiểu biết về di sản dân tộc.
Vào tháng 6/2019, Cốc Ái Lăng, 16 tuổi, từ bỏ quốc tịch Mỹ và chính thức chuyển sang quốc tịch Trung Quốc, trở thành một cô gái có gốc gác ở Bắc Kinh với khuôn mặt phương Tây và trái tim Trung Quốc.
“Con được quyền quyết định vì đây là trò chơi của con”
Trong quá trình giáo dục con cái, Cốc Yến đã cho con nhiều tự do hơn. Cốc Ái Lăng cũng có một số khuyết điểm nhỏ, ví dụ như cô ấy không thích gấp chăn. Nhưng Cốc Yến chưa bao giờ nghiêm khắc khiển trách những vấn đề này.
Khi Cốc Ái Lăng muốn chấp nhận rủi ro và thử thách những động tác siêu khó trên sân, Cốc Yến đã nói với con: “Con được quyền quyết định vì đây là trò chơi của con”. Sự khoan dung và cởi mở như vậy đã giúp Cốc Ái Lăng có thêm tự tin để làm những gì cô muốn.
Trong quá trình cùng con gái trượt tuyết, Cốc Yến phải bỏ ra rất nhiều công sức, thậm chí là những vết thương đau đớn. Nhưng bà không bao giờ nghĩ con nên cảm ơn vì sự cống hiến của mình, và cũng không yêu cầu con phải đạt điểm cao. Thay vào đó, bà cảm thấy chỉ cần con hạnh phúc là được.
Bà thường nói với Cốc Ái Lăng: “Mẹ không cần con cảm ơn mẹ, mẹ nên cảm ơn con mới đúng”. Điều này hoàn toàn trái ngược với những bậc cha mẹ thường đề cao sự hy sinh của mình dành cho con. Những đứa trẻ được giáo dục theo cách này sẽ không có gánh nặng tâm lý.
Thật sự không khó khi cảm nhận mối quan hệ giữa Cốc Yến và con gái rất tốt. Cốc Ái Lăng đã nhận xét về mẹ như thế này: "Mẹ tôi là người có trái tim cởi mở nhất thế giới".
Từ đó, chúng ta có thể biết rằng Cốc Yến là hình mẫu chuẩn mực trong lòng con gái. Bà luôn đặt bản thân vào vị trí của con để nhìn nhận, suy nghĩ, hiểu đứa trẻ nghĩ gì và muốn gì, cố gắng thu hẹp thứ được gọi là “khoảng cách thế hệ”.
Tính cách của Cốc Ái Lăng ấm áp và vui vẻ, rất hướng ngoại. Nhiều người ghen tị với thành tích của cô mà bỏ qua điều quý giá nhất là sự thư thái và hạnh phúc.
Ngay cả khi đối mặt với áp lực lớn, màn trình diễn của Cốc Ái Lăng vẫn rất thoải mái. Nụ cười của cô rất lành và có sức mạnh khiến mọi người hạnh phúc. Điều này cũng phản ánh môi trường trưởng thành, chính sự giáo dục của gia đình đã tạo cho cô tính cách lành mạnh và tích cực như vậy, thêm nhiều dũng khí để đối mặt với mọi bất ổn trong cuộc sống.
Gia cảnh và phương pháp giáo dục gia đình của Cốc Ái Lăng rất đáng được chú ý. Thành công của cô nàng “thiếu nữ thiên tài” này không thể tách rời khỏi người thầy và cũng là người mẹ - Cốc Yến.
Trung Hạ (Nguồn: Sohu, 163)