leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 

Nhiều thống kê cho thấy, phụ nữ rối loạn cảm xúc, trầm cảm nhiều hơn nam giới, nhưng tỷ lệ đàn ông tự tử lại cao hơn nữ giới rất nhiều. Trong khi, nguyên nhân chính của các ca tự tử là rối loạn cảm xúc, trầm cảm. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này?

Đàn ông yếu đuối - tại sao?

Diễn đàn “Đàn ông yếu đuối” trên một nhóm phụ nữ đã bày ra vô số khoảnh khắc yếu đuối không thể tin được của các vị nam nhi. Dường như, hễ đã làm… vợ của đàn ông, bà vợ nào cũng từng có lúc “xổ toẹt” vào các định kiến cho rằng “nam tính là mạnh mẽ”. 

 
Một người bất kỳ từng kề vai sát cánh, đầu ấp tay gối với một người đàn ông sẽ thường xuyên được nhìn thấy phiên bản “nhũn như con chi chi” của chồng. Đặc biệt, trước những biến cố bất ngờ, trụ cột tinh thần thường là những người phụ nữ chân yếu tay mềm.

Kể thì vui vậy, nhưng hầu hết phụ nữ từng có lúc buồn bực, thất vọng, thậm chí hoài nghi về chồng mình. Mấy chuyện yếu đuối vụn vặt có thể gây cười, nhưng sẽ còn những cơn yếu đuối gây thất vọng và bào mòn niềm tin của đàn bà. 

Có lẽ, nó vừa đúng vừa sai. Vậy, cụm từ đã được ông bà đúc kết “đàn ông mạnh mẽ” liệu có sai không?

Đúng, vì đàn ông rất mạnh mẽ. Nhưng là mạnh mẽ trong phạm vi những gì anh ấy đã biết, đã quen thuộc. Đàn ông rất tự tin với những gì anh ấy đã nghiên cứu, trải nghiệm, đã lên kế hoạch. Bởi vậy, người ta rất dễ tìm thấy “bóng tùng” nếu tiếp cận đàn ông ở khía cạnh công việc.

Trong lĩnh vực của mình, đàn ông rất dễ vào vai soái ca vì rành rẽ mọi đằng, có thể đứng ra gánh vác mọi thứ, rất quyết đoán, tự tin đứng vào nơi đầu sóng ngọn gió.

Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, những gì là “chuyên môn” của mình, đàn ông rất xông xáo. Điều này sẽ mâu thuẫn ở chỗ, nếu là người có kiến thức hạn hẹp, không thành thạo các kỹ năng mà lại không chịu học hỏi - thì người đàn ông đó cũng khó mà “nam tính” theo kiểu các nàng chờ đợi.

Bởi vì sức mạnh nằm ở chỗ cái “đã biết”, mà sự biết thì hạn hẹp, nên họ sẽ bị mắc kẹt trong vùng chật chội của mình, sẽ càng lúc càng kém hấp dẫn.

Và sai, bởi đàn ông thường rất yếu đuối với những bất ngờ, rủi ro - yếu đuối trong “vùng chưa biết”. 

Yếu tố dự tính chi phối rất mạnh mẽ lên tinh thần của đàn ông. Tức là, nếu sự việc diễn ra đúng như dự tính, anh ấy có thể vào vai như một mãnh hổ. Nhưng nếu có bất kỳ điều gì sai khác phát sinh, anh ấy sẽ khủng hoảng gấp nhiều lần so với bình thường. Và khi biến cố xảy ra, thường phụ nữ phải vào vai trụ cột trước tiên.

Dù phụ nữ có thể đau đớn hơn, nhưng họ lại có năng lực hơn trong việc tiếp nhận biến cố. Khi giai đoạn tiếp nhận đã qua, bạn yên tâm rằng vẫn sẽ có chồng mình đồng hành. Đàn ông chậm và khó tiếp nhận biến cố hơn, nhưng khi đã quen với nó, khi nó trở thành “cái đã biết”, anh ấy có thể tiếp tục vai trò của mình. 

Tiếc là, thường chúng ta dừng lại ở giai đoạn tiếp nhận quá lâu, bởi khi đó phụ nữ sẽ nhìn đàn ông và tự hỏi: “Sao… ổng làm thấy ghê thế, sao không nam tính, mạnh mẽ mà ủy mị phiền phức thế?”.

Và đàn ông thì dễ khổ sở vì chưa tiếp nhận nổi biến cố mà còn bị vợ chê bai, phụ nữ thì khổ sở vì… lấy lộn chồng, vì thân nữ nhi phải vào vai trụ cột.

Chính vì sự khác nhau này, nên tình yêu/hôn nhân rất dễ gặp xung đột khi chuyển sang giai đoạn mới. Nếu ở cùng tầng nhận thức thì phụ nữ sẽ nhạy cảm hơn với cơ hội, sẵn lòng phá bỏ vỏ trứng cũ để lớn lên.

Đàn ông có thể tham vọng hơn, mong muốn nhiều hơn, nhưng họ rất sợ thay đổi. Họ có thể tiến rất xa nếu ngay từ đầu đã chọn đúng con đường. Nhưng nếu chọn sai, họ có thể vật vờ cả đời chứ rất khó khăn để dứt ra và thay đổi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tập trung vào sự tiếp nhận

Nhận biết được “yếu huyệt” của chồng là điều rất quan trọng. Thay vì động viên anh ấy “mạnh mẽ lên”, bạn có thể giúp anh ấy mở rộng phạm vi hiểu biết, và nâng đỡ ảnh trong các giai đoạn tiếp nhận cái mới.

Thay vì nói ảnh phải bình tĩnh nam tính khi người thân bất ngờ bệnh nặng, hãy chờ đợi và nói những điều đầy động viên để hỗ trợ anh ấy tiếp nhận.

Nếu gặp một anh chồng quá sợ hãi chuyện con ốm đau, hãy đề nghị tiếp cận với tất tần tật kiến thức thông tin câu chuyện về bệnh tình, các nguy cơ, gặp người có kinh nghiệm để nói chuyện, làm sao để anh ấy quen thuộc với điều đó. 

Khách hàng của tôi có một người là doanh nhân khá thành đạt. Anh đang đứng bên bờ vực hôn nhân và thừa nhận lý do đổ vỡ là “do anh đã bỏ mặc vợ trong quá nhiều biến cố gia đình, bây giờ cô ấy không cần anh nữa”.

Anh kể với tôi một vài biến cố đó, và cả việc anh đã yếu đuối, thờ ơ hoặc trốn chạy để rồi bỏ lỡ nó trong khi vợ anh phải một mình gánh vác. Anh thấy mình đã sai, đã không đủ mạnh mẽ.

Nhưng anh đặt câu hỏi: “Tại sao khi mẹ anh, và đứa con trai đầu lâm trọng bệnh, gia đình cực kỳ khó khăn về tinh thần và cả vật chất mấy năm trời thì anh lại làm tốt vai trò, anh đứng ra gánh vác và làm chỗ dựa cho vợ. Còn sau này, với những chuyện không quá khủng khiếp thì anh lại thấy khó khăn hơn”.

Tôi đã thử lý giải, cái khó nhất với anh chính là tiếp nhận biến cố. Khi khó khăn xuất hiện, anh sẽ có xu hướng trốn chạy.

Nhưng việc mẹ anh và con trai anh lâm bệnh thuộc loại biến cố anh buộc phải tiếp nhận nên anh vừa có động lực, vừa có cả một quá trình dài để tiếp nhận nó. Khi đã vượt qua giai đoạn tiếp nhận rồi thì anh mới sống tiếp với đúng bản chất của anh trong câu chuyện đó. 

Còn sau này, những biến cố không lớn, lại nhanh qua. Với bản chất sợ hãi, anh né tránh việc tiếp nhận, anh đã bỏ qua giai đoạn mà vợ anh phải cô độc đối diện, rồi tiếp tục cô độc giải quyết.

Từng chuyện như vậy trôi qua mà anh không kịp bước vào cùng vợ trong bất kỳ một biến cố nào của gia đình nữa. Dần dà, anh thành người ngoài. Anh mất luôn quán tính đồng hành cùng vợ trong biến cố. Hai người dần xa nhau.

Anh gật gù và sau đó chia sẻ rằng suy nghĩ rất nhiều về điều tôi nói. Chỉ vì né tránh việc tiếp nhận khó khăn ban đầu, mà anh không có cơ hội làm người đàn ông như anh từng làm trong những biến cố đầu tiên và lớn nhất của gia đình.

Phân tích rành rẽ là thế, nhưng đối diện với nó vẫn là một thách thức lớn. Bởi việc đối diện và tiếp nhận biến cố vốn khó khăn với mọi phái. Khi nó đặc biệt khó khăn với đàn ông, thì gánh nặng trên vai phụ nữ càng lớn, họ đôi lúc phải gánh cả tinh thần còn đang sốc của bạn đời.

Nhưng, hiểu chính xác về khó khăn của chồng sẽ giúp phụ nữ thông suốt hơn, nỗ lực một cách tập trung hơn, để đỡ hao phí năng lượng. Điều này đòi hỏi ở chị em rất nhiều hiểu biết, yêu thương, kiên nhẫn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lựa chọn và định kiến

Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà phụ nữ cần nhận thức, là: yếu đuối không phải là lựa chọn của đàn ông. Việc họ sợ cái A, cái B, cũng giống như hầu hết chúng ta đều sợ rắn. (Đã là sợ thì không có “nỗi sợ khách quan” theo kiểu “rắn thì đáng sợ chứ cái A, B, C có gì đâu mà sợ”).

Việc chúng ta đứng trước nỗi sợ của họ và đòi hỏi “anh phải mạnh mẽ lên”, nó tàn nhẫn không kém việc ai đó bắt ta phải cầm lấy con rắn để rèn luyện can đảm.

Vậy nhưng, hầu hết đàn ông trên đời này đang phải sống và cầm lấy “con rắn” đó trọn đời. Định kiến xã hội đã khiến yếu đuối, nhiều cảm xúc trở thành một đặc quyền của phụ nữ. Còn đàn ông thì phải mạnh mẽ.

Đừng tưởng chỉ định kiến “phụ nữ phải làm việc nhà và chăm con” mới là tàn nhẫn. Định kiến đàn ông phải mạnh mẽ cũng tàn nhẫn không kém. Bởi nó quy định đàn ông phải mạnh mẽ và gánh vác những việc còn lại trên đời.

Dĩ nhiên không phải anh nào cũng gánh nổi, nhưng hễ không gánh nổi thì sống trong mặc cảm chê bai và mất luôn động lực cố gắng. Đã vậy, họ còn không có quyền và không có cả kỹ năng chia sẻ cảm xúc, có nói ra cũng vụng về, không mấy ai hiểu. Vì từ nhỏ họ đã phải kiềm chế và che giấu, không rèn luyện kỹ năng bày tỏ cảm xúc.

Nhiều thống kê cho thấy, phụ nữ rối loạn cảm xúc, trầm cảm nhiều hơn nam giới, nhưng tỷ lệ đàn ông tự tử lại cao hơn nữ giới rất nhiều. Trong khi, nguyên nhân chính của các ca tự tử là rối loạn cảm xúc, trầm cảm. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này?

Tôi vô tình đọc tác phẩm của tác giả Henry David Thoreau và thấy câu này: “Phần lớn con người sống một cuộc đời tuyệt vọng im lặng”. Mâu thuẫn trên, có lẽ là vì trong cuộc sống đầy thách thức đó, đàn ông đã phải im lặng nhiều hơn… 

Theo phunuonline