“Tôi muốn được gần gũi và thân mật nhiều hơn trong cuộc hôn nhân của mình, nhưng đối phương không làm được điều đó. Tôi cảm thấy buồn và cô đơn quá lâu rồi. Tôi không muốn tiếp tục như vậy nữa”.
Ai cũng nghĩ đó là “bài ca muôn thuở” của các chị em phụ nữ sau một khoảng thời gian dài yêu đương hoặc kết hôn.
Nhưng trên thực tế, những lời than thở trên lại xuất phát từ Zach, một người đàn ông 43 tuổi. Anh đã ly thân vợ vì cảm thấy tình cảm giữa hai người không đủ sâu sắc như anh mong muốn.
Không ít nam giới bày tỏ muốn có cảm giác thân mật, gần gũi và kết nối cảm xúc nhiều hơn trong mối quan hệ tình cảm. Ảnh: Getty Images.
John (47 tuổi), phó chủ tịch của một tập đoàn, chia sẻ về “nỗi cô đơn sâu sắc” mà anh phải chịu đựng kể từ sau khi ly hôn. Anh đang trị liệu tâm lý để học cách giải tỏa cảm xúc thật của mình.
Sau đó, John thử đi hẹn hò đôi lần nhưng không hiệu quả. Những người phụ nữ anh gặp đều né tránh chủ đề liên quan đến cảm xúc, giống như anh trước kia.
Điều đó khiến John cảm thấy “thất vọng và tức giận” vì nghĩ rằng anh có thể không bao giờ tìm thấy một người bạn đời thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu “tình cảm sâu sắc” của mình.
Đàn ông khóc chẳng hấp dẫn
Trên thực tế, nhiều nam giới vẫn theo đuổi phong cách nam tính truyền thống. Điều đó khiến họ thường gạt đi những cảm xúc sâu lắng của bản thân cũng như cách thể hiện chúng.
Tuy nhiên, sẽ thật sai lầm nếu xã hội tiếp tục cho rằng đàn ông không được phép mềm yếu, ủy mị hoặc phải gánh chịu mọi cảm xúc tiêu cực trong mối quan hệ. Một sự thật giản đơn nhưng bị che lấp bất lâu nay chính là việc nam giới luôn cần kết nối sâu sắc trong mối quan hệ tình cảm.
Trái ngược với hình ảnh nam giới mạnh mẽ và lạnh lùng trên tivi, phim ảnh và tạp chí dành cho phụ nữ, không ít đàn ông muốn có sự sâu sắc hơn trong đời sống tình cảm.
Họ thường nỗ lực vì điều đó nhưng không phải lúc nào cũng được đối phương đáp lại tương xứng.
Không phải đối phương nào cũng đáp lại nhu cầu tình cảm sâu sắc của đàn ông. Ảnh: Bernard Bodo.
Tiến sĩ Andrew Smiler, một nhà tâm lý học có trụ sở tại North Carolina, cho biết phần lớn phụ nữ có định kiến rằng đàn ông không nên căng thẳng và xúc động vì mọi thứ.
“Sau khi bày tỏ cảm xúc, đàn ông thường gặp phản ứng như ‘Bạn thèm muốn được quan tâm hơn tôi nghĩ’. Điều đó làm tổn thương họ khá nhiều”, nhà tâm lý học nói.
Bản thân Smiler từng bị phụ nữ “kỳ thị” sau khi bộc lộ cảm xúc. Trong một lần đi máy bay hồi ông ngoài 20 tuổi, Smiler ngồi cạnh bạn gái và bật khóc nức nở. Cô gái lập tức tỏ ra khó chịu.
Bước sang tuổi 30, một bạn gái khác của tiến sĩ tâm lý học này chia sẻ rằng cô muốn được nuông chiều, vuốt ve mỗi khi cảm thấy buồn bã hoặc sợ hãi. Tuy nhiên, nếu chàng trai nào cũng tỏ ra yếu đuối như cô nàng thì “chẳng hấp dẫn chút nào”.
Đàn ông cũng dễ bị tổn thương
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology năm 2018 đã xem xét lý do khiến gần 200 người quyết định chia tay người yêu/bạn đời. Trong đó, phần lớn những người tham gia khảo sát đều đồng ý rằng việc “mất kết nối cảm xúc” là lý do chính.
Lý do chia tay chủ yếu của đàn ông là vì "mất kết nối cảm xúc" với bạn đời. Ảnh: AP.
Trong cuốn Not Always in the Mood, nhà tâm lý học Sarah Hunter Murray đã quan sát và ghi lại rằng: Nếu đàn ông cảm thấy mất kết nối cảm xúc với bạn đời, ham muốn tình dục của họ sẽ giảm xuống, ngay cả khi đối phương muốn quan hệ tình dục. Nếu tình trạng này kéo dài, chẳng bao lâu mối quan hệ của họ sẽ nảy sinh mâu thuẫn.
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010, nam giới từ độ tuổi 18 đến 23 bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong tình yêu nhiều hơn bạn gái của họ. Khi họ trưởng thành hơn, điều đó vẫn không thay đổi.
Bên cạnh đó, kết quả một nghiên cứu của Australia năm 2009 cho thấy cánh đàn ông bị tổn thương hơn sau khi ly hôn. Họ thường rơi vào tình cảnh cô lập xã hội, xa lánh mọi người, dễ có xu hướng tự hủy hoại bản thân hoặc thậm chí là tự tử.
Trong khi đó, phụ nữ thì ngược lại. Thời gian đầu sau khi ly hôn, phái yếu có thể phản ứng tiêu cực hơn nam giới. Nhưng về lâu dài, phụ nữ vượt qua mạnh mẽ hơn. Về cơ bản, đàn ông không hoàn toàn phục hồi. Họ chỉ “sống tiếp” mà thôi.
Theo Zing